Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

THƯƠNG QUÁ SAIGON ƠI 2 - NHẬT KÝ PHONG THÀNH - Nhạc Sĩ Tuấn Khanh

Nhật ký phong thành (số 7): Đời biết ai thương mình

Description: https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/07/capturea.png?w=602&h=300&crop=1

16/07/202116/07/2021 ~ Tuấn Khanh

Sáng 15-7, Sài Gòn tối đen từ rất sớm. Những cụm mây lớn trải dài khắp các quận huyện dự báo một ngày không nắng. Thành phố đã vắng người, nay lại trĩu nặng và mệt mỏi hơn. Rồi những cơn mưa đổ xuống, không quá lớn nhưng từng cơn, từng cơn nối nhau, đẫm cả một ngày dài. Vài gương mặt thấp thoáng qua cửa số nhìn xuống đường, im lặng. Thi thoảng ai đó vụt qua nhanh, không biết là để tránh cơn mưa, hay để mau đến nơi đã định mà không bị vướng chốt kiểm soát.

Có vẻ như không có gì đáng để lạc quan, vào một ngày mà tin tức về người nhiễm covid-19 mỗi lúc càng nhiều. Cuộc sống dân Sài Gòn bây giờ xoay quanh các trang mạng xã hội, tin tức và sự thật cứ dội lên đó, luôn khác biệt trong đời thường.

“Đọc tin đó chưa?”, “Hay gì chưa?”… những thông điệp như vậy chạy quanh ngày sống của dân Sài Gòn, hiện trên facebook, tiktok, youtube… Cũng may mà có em, đời còn dễ thương, nếu không chỉ xem trên báo chí hay truyền hình nhà nước, đôi khi người dân có thể tự làm thiệt hại tài sản của mình, vì mất kiên nhẫn hay nổi giận.

Có cái gì đó thật bất thường. Khi Bộ Y Tế cho biết chỉ mới có 32 ca tử vong vì covid-19 ở Sài Gòn, nhưng rồi ai đó trong hệ thống lãnh đạo ở Thành Hồ lại sẩy miệng, xác nhận thật ra đã có đến 130 người đã chết. Con số cách biệt lớn quá khiến ai nấy chết lặng. Không thể nói khác được. Chiều 15-7, Bộ Y Tế lập tức lên tiếng nhận lỗi, và nói có “độ trễ trong việc Bộ Y tế công bố số ca tử vong, và cả số ca dương tính, so với địa phương”.

Trên báo Vnexpress, lời giải thích của Bộ Y Tế được ghi lại, là “Việc thông báo từng ca bệnh Covid-19 cần quá trình hoàn thành mã số bệnh nhân, yếu tố dịch tễ, đối với ca tử vong thì cần đưa chính xác nguyên nhân tử vong”.

Thật ra người Sài Gòn cũng không ai quan tâm đến cái kiểu giải thích dông dài – mục đích để thuyết minh rằng lãnh đạo chẳng có ai sai lầm cả – để làm gì. Điều mà người ta nhận thấy, là có cái gì đó bất bình thường trong tin tức về covid-19 đang đưa đến cho người dân. Bạn nghĩ sao? Liệu có chuyện quan chức nào ở Thành Hồ lại dám quên và lỡ miệng nói ra con số thật như vậy? “Có thể giới quan chức ở Sài Gòn không muốn mình phải gánh trách nhiệm theo chỉ thị từ trung ương, nên tự mình xé rào tiết lộ”, một người đọc báo, nhắn bình luận cho tôi.

Ngày 15-7, Việt Nam có đến hơn 37.000 người nhiễm covid-19. Riêng Sài Gòn đến chiều tối đã có đến 1399 ca nhiễm mới. Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Trường Sơn ra tuyên bố khiến ai nấy phải ngẩn người suy nghĩ “Ca nhiễm covid-19 tăng nhanh, do chống dịch đi đúng hướng”. Là sao? Nhưng rồi cũng không ai còn thời gian để tranh cãi với ông Sơn, vì đáng lo hơn, tối khuya ngày 15, báo chí đưa tin ông phó thủ tướng Trương Hòa Bình nói “nếu dịch còn tăng, khó có thể bỏ chỉ thị 16 ở HCM”.

À, vậy là phong tỏa có thể sẽ nối tiếp. Ôi…

Quả là một ngày u ám theo nghĩa đen, lẫn nghĩa bóng. Bất chấp hôm nay, là ngày mà thông tin từ Trang Chính phủ reo lên rằng “HCM cam kết ngày 15-7 chi trả hỗ trợ cho 260.000 lao động tự do, hoàn thành hỗ trợ theo nghị quyết 68 trong tháng 7”.

Thật là ngày vui qua mau, chỉ đến chiều, lại rộ lên những câu chuyện, “tình thương” của chính phủ hình như lọt vào khoảng không, vào những điều chua chát muôn thuở, khiến người nghèo lại thay nhau gào lên tức giận trên các video.

Dân ở hẻm 197, Ấp 4, xã Phước Lộc, Nhà Bè, Thành Hồ gửi đi chứng cứ cả một khu dân cư bị giam hãm hơn 20 ngày vì cách ly chống dịch. Dân ở khu này, phần lớn là lao động tay chân, mỗi ngày chạy hơn chục cây số vào Sài Gòn làm đủ việc kiếm ăn. Từ lượm ve chai, móc cống, phụ hồ… có gì làm nấy, miễn có cơm sống qua ngày. Ai nấy vàng mắt chờ được giúp. Đùng một cái, nghe có hỗ trợ, họ đổ xô đi kiếm trưởng ấp, trưởng xã để hỏi. Đúng ngay lúc đó, họ bắt gặp danh sách “người nghèo” nào đó đã được lập từ trước, và trưởng ấp đang giấm giúi chia cho những người trong danh sách đó. Cả trăm con người khốn khó ở đó, ai cũng bị ra rìa, chỉ có 9-10 người được nhận trong lặng lẽ trơ trẽn. Đó là còn chưa nói, danh sách khó khăn được nhận, trưởng ấp bị bắt gặp đang phát cho chính vợ mình.

Dân bu vô hỏi, thì được giải thích là theo chỉ thị của thành phố, chỉ được phát có bao nhiêu đó thôi. Một bác gái ra trước ống kính, nói giọng Bắc như mới vào Nam “tôi đi mua ve chai đây này, hơn 60 tuổi rồi, mà chẳng nhận được gì. Còn vợ ông Trưởng ấp thì lại nhận đầu tiên”. Những người quanh video không thấy mặt thì thay nhau gào lên. Giọng một người đàn ông khàn đục vang lên, nghe quen thuộc “Đ.M, vậy mà nói giúp đỡ”.

Dân ở đây nói họ tự chạy miếng ăn trong những ngày cách ly, gọi xin, đón người làm từ thiện để nhận quà rồi chia nhau đồng đều. Không ai thấy hỗ trợ nào của nhà nước cả. Nhưng rồi đến khi nghe nói có tiền, chỉ có danh sách nào đó được nhận.

Chuyện của những người dân Nhà Bè không là một sự kiện hiếm hoi đâu. Từ chối trợ giúp ai đó, gần như là một thủ thuật nhuần nhuyễn của giới hành chính địa phương lên danh sách trợ giúp. Chỉ cần hoàn thành việc trao tiền cho một nhóm người nào đó, mang ý nghĩa biểu trưng, thế là sau đó địa phương có thể làm báo cáo là xác nhận đã hoàn thành kế hoạch trợ giúp dân nghèo. Số 9-10 người được nhận tiền ở Nhà Bè, được coi là tổng số khó khăn ghi nhận, và khi sau khi trao tiền, kể như xóa được mọi khó khăn – đã hoàn toàn xóa đói giảm nghèo. Còn cả trăm người khác, là vô nghĩa.

Có rất nhiều lý do khiến một người nghèo bị từ chối giúp đỡ tại Việt Nam. Đầu tiên, bạn sẽ bị hỏi đến căn cước, rồi hộ khẩu hoặc có đăng ký tạm trú tại địa phương. Bạn sẽ phải chứng minh rằng mình rất nghèo, giới thiệu công việc, giới thiệu thu nhập và cần cả người chứng cho lời khai của mình, và chứng minh rằng đang có khoảng thời gian đói khổ – tình trạng ấy, cũng phải có người xác nhận. Cuối cùng, bạn phải có phải có một lá đơn xin, và chờ xét duyệt 3-4 bên: công an, ủy ban, tổ trưởng, nơi làm việc… Cũng như những người ở Nhà Bè, mọi nỗ lực của bạn sẽ bị im lặng cho qua, hoặc may mắn hơn thì được trả lời vỏn vẹn “không đủ tiêu chuẩn”.

Bạn tôi ơi, người nghèo Việt Nam muôn hình vạn trạng. Có những người ăn mặc chào hàng rất tươm tất, khi chiều về thì cẩn thận thay ra, treo lên trong căn nhà trọ tồi tàn của mình để mai lại sắm vai. Có những người nghèo Việt Nam lam lũ, có thể nhìn là biết ngay. Nhưng trong đại dịch này, bìa của cuốn sách, không nói hết được nỗi niềm ẩn chứa trong nó. Khó mà lường hết được.

Ở khu Gò Vấp, sáng hôm qua, một gia đình có cửa hiệu buôn bán nhìn rất khang trang, nay phải đóng cửa, cô vợ mở cửa vừa bước ra, lập tức công an ập vào kết tội là nơi này âm mưu buôn bán trở lại, đòi phạt tiền. Người chồng chạy ra nhìn sững sờ, rồi quỳ sụp xuống lạy công an như tế sao “trời ơi, vợ tôi mở cửa bước ra, chứ có buôn bán gì, làm ơn thương tui đi, tui khổ quá mà”. Tiếng gào khóc nức nở của anh ta như xé toang màn sương mù khiến tay công an phải lùi lại, nhưng bắt lỗi khác “sao không đeo khẩu trang”…

Vậy đó, Sài Gòn hôm nay, Sài Gòn phải trải để biết đời, còn có ai còn thương mình?

 

Nhật ký phong thành (số 8): Nhìn từ đáy

Description: Description: https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/07/200011405_219259773389250_586436190748792167_n.jpg?w=656&h=300&crop=1

17/07/202117/07/2021 ~ Tuấn Khanh

Mới sáng sớm, nghe lao xao, mở cửa bước ra nhìn đã thấy con hẻm cách chục thước bị giăng dây cách ly rồi. Đó là một cái ngõ nhỏ, dẫn vô mấy căn nhà toàn người ở trọ. Có vẻ như là dân ở tỉnh vào, thuê để đi làm. Họ ở gần, mà không bao giờ chạm mặt để trò chuyện được: Sáng tờ mờ họ đã đi, khuya mịt mới về. Người ở ngõ đó cũng không thấy chơi karaoke hay sinh hoạt giải trí gì. Dường như về đến nơi trọ, họ chỉ kịp ăn, ngủ vội để mai lại đi làm.

Đóng ngõ đó, không biết họ sống sao. Anh công an khu vực trẻ buổi tối ngồi gác ở trước dây cách ly một mình, có mắc một ngọn đèn nhỏ tù mù, nhìn buồn buồn như ngõ có đám tang.

Thấy tôi đi mua hàng về, anh chào. Sẵn tiện, tôi hỏi thăm là sao thấy anh chỉ có một mình vậy (ngày thường nhân viên trật tự, dân phòng… của vùng này cũng đông đúc lắm). Anh ngần ngừ rồi nói rằng ngoài các nhân viên ăn lương của chính phủ, ai nấy cũng cần chạy về nhà để lo cho gia đình lúc mù mịt này.

À. Có thể hiểu, khó khăn thật sự đang thúc mọi thành phần quay đầu, nhìn về gia đình của mình. Chỉ mới có một tuần đóng cửa, Sài Gòn đã có quá nhiều chuyện khốn khó hiện ra, ai cũng lo ngay ngáy. Việc xiết chặt phong tỏa với các cuộc tuần tra, phạt… khiến các nơi vẫn đang nỗ lực chia sẻ phần ăn của người nghèo cũng không làm được nhiều như trước. Không ở Sài Gòn lúc này, không đứng dưới đáy của cuộc sống, khó có thể nhìn thấy sóng ngầm đang run rẩy mọi nền móng thiết chế.

Mấy người lo phần cơm từ thiện ở Phú Nhuận kể rằng họ mất một ngày không tiếp cận được khách quen của mình, hôm sau mang được cơm đến, có cụ run run bóc ăn ngay vì đói từ qua đến giờ. Người phát cơm cũng muốn khóc. Gánh nặng của lẽ yêu thương cuộc đời chưa bao giờ trĩu như vậy.

Sài gòn lần đầu tiên chứng kiến những người gõ cửa xin giúp. Họ không xin tiền, chỉ xin gạo, xin nước mắm, xin ít quả cà… Một người họ Huỳnh viết trên trang fanpage Sài Gòn Chợ Lạc Xoong rằng anh bị gọi từ đêm trước để xin thức ăn, bồn chồn ngủ không được. Đến sáng chạy ra đưa thì thấy người già nhận và chắp tay lạy anh. Kể lại với giọng như muốn khóc, anh nói rằng cả đời họ Huỳnh của anh không dám nhận lạy của ai, nên đối diện với chuyện đó, đã hoảng kinh lạy trả. Sài Gòn đã run rẩy đến vậy trong hơi thở, đôi chân, tiếng gọi của kẻ khó. Ai nỡ lòng nào tự cho mình là kẻ đứng trên?

Bài viết của anh được share nhiều lắm. Nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau thì anh cho ẩn đi. Mấy người quen đi tìm coi lại, không thấy, thở dài và nói rằng cũng dễ hiểu thôi. Bởi đông người vào bình luận xót ruột, nói nặng về chính quyền. Như tất cả mọi người đang làm từ thiện, đang gánh vác sứ mạng đồng bào ở Sài Gòn hay Việt Nam cũng vậy, phải biết chọn cách bày tỏ. Ngay cả nói về người nghèo, phải mô tả với giọng điệu lạc quan, không được quá cùng cực. Nếu không may bị rơi vào ánh nhìn như kiểu “mượn từ thiện để bôi xấu chế độ”, mọi công việc giúp người sớm muộn gì sẽ gặp khó. 

Anh họ Huỳnh đó cũng kể một câu chuyện khác.

“Em ơi cho chị xin hai phần cơm với nha, ở nhà chị còn một đứa bạn. Mấy nay tụi chị không có gì ăn, đói lắm.”

“Dạ đây, chị lấy thêm đồ ăn nè để mai có mà ăn, mua hoặc nấu thêm cơm trắng thôi!”

“Cảm ơn em, cảm ơn em nhiều lắm nha!”

“Mà chị có đi làm không, cố lên nha chị, mùa này ai cũng khó khăn!”

“Đi làm không ai dám nhận em ơi, nên chị chỉ nhận đồ gia công về làm thôi à. Mà cũng bữa có bữa không, đói miết.”

“Ủa sao không ai nhận chị, em thấy đi bán hàng cũng đỡ lắm.”

“Tại hồi đó chị làm… gái. Sau này chị có bệnh nên không làm nữa, sợ lây cho người ta mang tội. Nghiệp mình gieo giờ mình lãnh em ơi, trách chị chứ không trách ai. Giờ đi khám sức khoẻ ra giấy tờ vậy rồi ai đâu dám nhận, nên thôi. Chị cũng không biết mình còn bao lâu, bây giờ chỉ ráng sống rồi đi chùa làm công quả. Cũng mong cuối đời nhẹ gánh, kiếp sau chuộc tội…”

Bạn họ Huỳnh kể, nhìn thấy nước mắt chị ứa ra. Trong khốn khó, có khi người ta không ngại mở lại vết thương của đời mình, và trong chân thành, con người đối diện nhau cũng cảm thấy như cùng chung một niềm đau vô danh hoàn hảo. Triệu con người mang triệu tâm trạng không lời đó, đang quay quắt trong ngày tháng này. Đất Sài Gòn vẫn im lặng ôm lấy họ bao lâu nay, nay kiệt sức mới đành để lộ diện vậy.

Mới quay qua quay lại. Anh H., một anh bạn luật sư gửi cho cái tin nhắn về chuyện “đã lâu lắm rồi, Sài Gòn mới nhìn thấy người đi xin gạo qua bữa”. Mà giật mình, lại là những bạn sinh viên trẻ ở tỉnh. Kẹt ở khu cách ly thành phố. Kẹt ở mùa giãn cách mà nhiều vùng chia cắt không giúp được, họ đành phải muối mặt xin chút gạo qua ngày.

Sao chính quyền không làm như ngày xưa nhỉ? Lúc ốm đau, khốn khó, các chính quyền phong kiến Việt Nam vẫn mở kho thóc, phát chẩn cho khắp dân đen. Còn bây giờ, chỉ thấy phải làm đơn để đợi duyệt cho đúng thành phần, mở thêm cửa hàng bán cho dân, lại tăng giá điện, giá xăng…

Miếng ăn thôi mà. Một người làm dân phòng xênh xang đến chị gái lỡ đường, thậm chí đến một quan chức… Có phải cái đói luôn công bằng trong từng sự đay nghiến sao?

Năm Ất Hợi, đời Gia Long năm thứ 14 (1815), đã từng có bệnh dịch, ghi nhận thiệt hại có tới 206.835 người chết. Triều đình Huế đã xuất công quỹ 730.000 quan tiền để phát chẩn, mai táng.

Đại Nam Thực Lục ghi, Vua Gia Long ra dụ, rằng “Gần đây nghe có người đau ốm giữa đường, dân sở tại đã không nhận nuôi lại còn ruồng đuổi, chẳng chút lòng thương xót giúp nhau, phong tục ấy rất là bạc bẽo. Từ nay quân dân đi đường có người đau ốm thì chủ quản ở làng xóm đều phải tùy tiện bảo dưỡng, không được ruồng đuổi, mỗi ngày nuôi dưỡng bao nhiêu, nhà nước trả tiền, chết thì cấp tiền chôn cất, để cho kẻ còn người mất đều được nhờ ơn, không một ai phải bơ vơ thất sở. (Cấp tiền nuôi dân và quân mỗi ngày 30 đồng; cấp tiền chôn quân 3 quan, dân 1 quan)”. 

Ngày xưa thì vậy. Giờ thì dân với dân, có lẽ nhanh gọn và không phiền hà phán xét gì nhau. Vậy lại nhanh hơn, và tình người hơn.

Đã là ngày 17-7 rồi. Hai ngày trước, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cam kết chi 26.000 tỷ cho người nghèo với phương thức nhanh, quả quyết táo bạo nhất, chưa từng có. Nhưng giờ thì lại không thấy dư âm gì của cuộc ra quân phát chẩn “táo bạo” ấy của chính quyền.

Cũng có thể ai đó, đã được nhận. Mừng cho họ. Nhưng còn nhiều lắm, nhiều gương mặt mệt ngoài, những đôi mắt buồn rầu chờ một tia sáng san sẻ lúc này. Sao nhà nước không dùng 26.000 tỷ đó để mua thực phẩm, hoặc đổi thành phiếu thực phẩm để phát từng nhà, từng người đang bị vây hãm khó khăn từ cuộc phong tỏa, để người không phải chắp tay lạy người, nhìn nhau, rưng rưng khắc khoải?

 

Nhật ký phong thành (số 9): A lô bác sĩ ơi!

Description: https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/07/214472898_10160075096647241_1939253534938131486_n.jpg?w=656&h=300&crop=1

18/07/202118/07/2021 ~ Tuấn Khanh

Tháng 7 này, dù không phải là tháng âm, nhưng chắc cũng sẽ là một tháng đầy khó khăn với bác sĩ Phan Xuân Trung, hiện đang làm việc tại Trung tâm Medic, Quận 10, hay còn gọi là Trung tâm Hòa Hảo ở Sài Gòn.

Khó khăn, là bởi giữa giòng truyền thông về covid-19 phát đi của nhà nước với thông điệp rất rõ: phải sợ hãi và biết vâng lời, thì Bác sĩ Phan Xuân Trung đang có những ý kiến khác biệt. Ông lên tiếng thường xuyên trên trang facebook của mình khiến ngày càng nhiều người quan tâm, thậm chí các đài quốc tế cũng gọi phỏng vấn. Đơn giản, ông đòi hỏi những phân tích khoa học, và để đối phó với covid-19 là những giải pháp khoa học, chứ không thiên về mệnh lệnh chính trị.

Nỗ lực của ông, đang khiến nhiều người nhớ về bác sĩ Lý Văn Lượng (Li Wenliang) trong những ngày đầu bùng phát đại dịch ở Vũ Hán, Trung Quốc. Nhưng hơn thế, có vẻ như ông Trung đang là người phát động cho một chiến dịch bất tuân dân sự trong lòng xã hội, nhân danh lời thề Hippocrates, quyết không bỏ rơi bệnh nhân.

Description: https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/07/capture.png?w=631

Kiểu nói của ông bác sĩ này, chắc không dễ làm mấy nhà lãnh đạo xuôi tai. Viết trên facebook, ông Trung bày tỏ “Dân Nam tánh tình bộc trực, thấy trái tai gai mắt thì lên tiếng. Nói rồi thì bỏ qua, không ghim gút”. Ông không ghim. Nhưng có người khác ghim – mà ghim dữ nữa. Vì vậy mà kể từ hôm 18-7, trên mạng bắt đầu xuất hiện những đợt tấn công ồ ạt, nặc danh bởi các “chiến sĩ thông tin”. Nội dung chửi bới, cắt xén, gạch hình ảnh… của ông nhìn vô cùng quen thuộc. Thậm chí nhiều người trùng tên Phan Xuân Trung cũng bị các nhóm tấn công nhảy vào chửi loạn xạ theo lệnh, mà không phân biệt nổi nơi nào là chính chủ.

Description: https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/07/219277792_800912803959934_3132933507902229784_n.jpg?w=540

Rõ ràng, khó khăn phần nhiều của đợt chống dịch thứ 4 này, từ chủ trương của thủ tướng Việt Nam, là “phải bảo đảm ổn định sản xuất, và chống dịch thành công”. Nghe thì cũng có lý, nhưng khi vào thực tế, việc phải đưa người đi lao động thời dịch giã để giữ vững kinh tế chế độ, đã khiến xã hội không thể giãn cách hoàn toàn, con số người nhiễm dịch tăng vùn vụt, khiến người bị lây nhiễm rơi vào tình thế của “giặc dịch phải bị chống”. Các cuộc cách ly gắt gao, các biện pháp truy vết dai dẳng, rồi báo chí kết tội, lên án những người nhiễm bệnh… khiến xã hội trở nên vô cùng căng thẳng, kể từ sau đợt nghỉ dài 30-4 và 1-5 năm nay.

Từ đầu tháng 7,  những ý kiến của bác sĩ Trung lan dần trên mạng. Dựa vào những con số thống kê người mắc bệnh và người chết ở Việt Nam, ông liên tục nhắc phía nhà nước rằng không thể học bài học đóng cửa, dồn dân như kiểu Vũ Hán, mà nên nhìn vào các số liệu khoa học của tình hình Việt Nam. Nhất là ở Sài gòn.

Một trong những lời nhắc nhở của ông với chính quyền Thành Hồ, được các “chiến sĩ thông tin” trích dẫn và rủa sả ghê gớm, là ông phản đối việc đưa trẻ em 3 tuổi, 5 tuổi… đi vào khu cách ly mà không có cha mẹ. Phía báo chí một chiều thì lại còn đưa những hình ảnh và sự kiện như một kiểu cảm động vì các em bé này “ý thức chấp nhận hy sinh, khó khăn vì đại cuộc từ tuổi nhỏ”. Không thể nào hiểu nổi.

Trước đó ít ngày, bác sĩ Trung có bày tỏ rằng nếu cứ nói thẳng như vậy, chắc không ai nghe, mà đời ông lại còn gặp khó khăn về sau nữa, nhưng biết làm sao bây giờ nếu thấy chướng mắt mà im lặng. Kiểu nói đó không chạy đâu được. Dân miền Nam, y chang!

Và cũng với cái giọng miền Nam thẳng thừng không gạt bà con, lời kêu gọi của ông đã chọc giận các “lực lượng yêu nước bằng mồm và bàn phím” trên mạng. Nguyên văn là “Tôi yêu cầu chính quyền trả các cháu bé F1, F0 về với gia đình ngay lập tức. Không nhân danh bất cứ điều gì để bắt các cháu bé vô trại cách ly. Không giường nằm, không bác sĩ, sốt không có thuốc, đói không có cơm! Một sự vô cảm đáng kinh tởm!”

Ngay lập tức, trang Chính trị Việt Nam trên facebook bắn phát đạn lớn, kêu gọi công an thu thập chứng cứ và khởi tố bác sĩ Phan Xuân Trung ngay lập tức. Hàng trăm lời bình được điều động vào hưởng ứng, reo hò như đêm giữa ban ngày. Quái. Đất nước gì mà lúc nào cũng có giai cấp đấu tranh ngồi chồm hổm chờ sẵn, reo hò đòi đưa người vào tù. Cái gì cũng réo tên công an vào cuộc!

Ngoài các phân tích liên tục cập nhật, và đưa ra giải pháp kêu gọi chính quyền Thành Hồ không nên sa lầy vào phương pháp chống dịch tốn kém và ít hiệu quả như hiện nay, bác sĩ Phạm Xuân Trung vài lần dấy động tâm can giới y bác sĩ, khi nhắc rằng bối cảnh Sài Gòn hiện nay, nhà cầm quyền đang vận động toàn bộ nguồn lực y tế chỉ để chống dịch, đang bỏ rơi quá nhiều các bệnh nhân khác, vốn cũng trong tình cảnh ngặt nghèo. Hơn nữa, việc giãn cách bất chấp mọi vận hành tự nhiên của xã hội như đi khám bệnh, đưa người đi cấp cứu, điều trị… sẽ khiến xã hội bị bịt mắt trước toàn cảnh thực tế, chỉ biết chạy với tình trạng mệnh lệnh duy ý chí.

Description: https://nhacsituankhanh.files.wordpress.com/2021/07/12345.png?w=1024

Lời kêu gọi thứ nhất, hôm 10-7, ông viết “Hiện nay do lockdown toàn thành phố, nhiều cơ sở y tế đóng cửa khiến cho người bệnh bị bỏ rơi. Tôi kêu gọi quý đồng nghiệp vì danh dự và trách nhiệm của Thầy Thuốc hãy sẵn sàng đến nhà giúp bệnh nhân. Quý đồng nghiệp hãy ghi số phone, chuyên khoa và khu vực mình ở lên facebook, zalo để dân chúng gọi khi hữu sự… Đây là lời kêu gọi khẩn thiết đến quý thầy thuốc. Hãy giúp dân bằng cả trái tim”.

Lời kêu gọi này không chỉ đánh động tình cảm giới y bác sĩ, mà cả còn cả người đọc quan tâm. Trang Fanpage có tên Giúp nhau mùa dịch, với hơn 70.000 người tham gia đã trở thành nơi các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế ghi danh tình nguyện cho kết nối, liên lạc, nhận đi đến nhà người bệnh.

Một người đưa lại tin này, nói mẹ của anh phải chạy thận 2 lần/tuần trước phong tỏa, gần như tuyệt vọng vì không được đến bệnh viện nữa, khi có các bác sĩ nhận đến nhà giúp, không khác gì như chết đi sống lại. Một người khác nói họ cũng không khác gì, người nhà của họ đang ngoi ngóp lâu nay vì không sao lấy máu để đem đi bệnh viện xét nghiệm INR (chỉ số đông máu), do người nhà bị tai biến liệt nửa người.

Chuyện cứu người thôi, nhưng cũng đâu dễ qua các kiểu kiểm soát, chận phạt ở Sài Gòn. Dù nói rõ tính cần thiết và chính đáng. nhưng nhiều y, bác sĩ bị phạt tiền, hoặc bị đuổi về. Lên tiếng, cũng lại là bác sĩ Phan Xuân Trung. Ông viết “Dân thì bị hạn chế ra khỏi nhà! Ai bệnh thì cứ nằm chờ chết thôi! Chính quyền đang làm gì vậy?”

Thật ra, khi chép lại câu chuyện này, mục đích chính của tôi là nói về một người dám lên tiếng. Sống trong lòng một nhà nước độc tài, việc lên tiếng thẳng thắn và khác biệt, đồng nghĩa sẽ đánh mất nhiều thứ về sau. Nhưng nếu thiếu những tiếng nói như vậy, Việt Nam hay Sài Gòn sẽ lộng lẫy nhạt nhẽo. Và thiếu những con người như vậy, người Việt cũng sẽ hèn mọn trong bình đẳng ngu muội.

Nếu không có bác sĩ Phan Xuân Trung lên tiếng, những y, bác sĩ khác có sống với tinh thần lương y của mình không? Tôi đặt câu hỏi như vậy với bác sĩ Nguyễn Đại, một người bạn của tất cả gia đình tù nhân lương tâm và TPB-VNCH, người vẫn rong xe chạy tự nhiên khi có người đau yếu gọi tên. Ông cười hà hà và nói, rằng lương tâm thúc mình lên đường, chứ đợi ai.

Quả vậy. Không có bác sĩ Trung, chắc chắn hàng ngàn y, bác sĩ khác cũng có chọn lựa đúng của mình. Nhưng nếu có sự lên  tiếng ấy, những con người đang sống với lời thề Hippocrates sẽ không thấy cô đơn. Họ được giới thiệu cho thấy rằng lương tâm, vẫn là ánh sáng soi đường giữa dòng đời chằng chịt những mệnh lệnh, thời Sài Gòn phong tỏa.

 

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét