Thứ Ba, 30 tháng 9, 2014

VỀ ĐÔI CÂU ĐỐI THỦ TƯỚNG TẶNG GS. VŨ KHIÊU



Nguồn TUẤN CÔNG THƯ PHÒNG

Thư của ông Hoàng Minh Tuyển (hmtuyenvkttv@gmail.com) gửi Tuấn Công thư phòng: “Tôi là Hoàng Minh Tuyển, Phó ban liên lạc họ Hoàng Việt Nam. Tuy chưa một lần gặp anh nhưng tôi thường vào Thư Phòng và  rất thích các bài viết (....) Chúng tôi đang băn khoăn về câu đối Thủ Tướng tặng cho cụ Vũ Khiêu không biết dịch thế nào cho phải:

Sơn Hà Linh Khí Tại
Kim Cổ Nhất Hiền Nhân

 

Xin anh cho biết câu đối này có chỉnh không? Hình như sai luật đối? Về nghĩa có vẻ hơi bị đề cao quá phải không anh?

Nhân đây cũng đề nghị anh cho biết ý nghĩa đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tặng GS Vũ Khiêu.

Mong anh cắt nghĩa thấu đáo. Cảm ơn anh nhiều.

HTC: Cảm ơn ông Hoàng Minh Tuyển đã quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.

Thưa ông, thú thực ban đầu chúng tôi cũng không tin có một đôi câu đối như vậy tặng GS Vũ Khiêu. Sau khi tìm hiểu mới thấy báo chí có đưa tin chính thức, kèm ảnh với lời chú thích “Ngày 17/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến tặng hoa, chúc mừng Thượng thọ Giáo sư Vũ Khiêu. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân". Ảnh: Đức Tám – TTXVN -Thể thao văn hóa.vn).

Vì ông yêu cầu cắt nghĩa “thấu đáo” nên chúng tôi cũng xin trả lời cặn kẽ như sau:

-Về mặt hình thức: đây là bức “Trung đường liên” (中堂聯). Tức hình thức câu đối viết vào một tấm biển lớn hình vuông hoặc chữ nhật, đặt ở vị trí trang trọng giữa phòng khách, (phân biệt với "Doanh liên" 楹聯 -câu đối treo hai bên cột trụ). Xem ảnh thấy rõ phía dưới bức “Trung đường liên” là tượng bán thân của GS Vũ Khiêu. Như vậy, đôi dòng chữ "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" giống như lời đề từ, lời bình cho bức tượng cụ Vũ Khiêu vậy.

Chúng tôi gọi "Trung đường liên" là căn cứ vào hình thức trình bày. Nhưng, xét đến thể loại, có lẽ chỉ nên gọi đây là bức "Trung đường" (dạng bức trướng) thì đúng hơn. Vì như ông Hoàng Minh Tuyển đã tinh ý nhận xét, hình như “sai luật đối” hoặc đối “không chỉnh”. Tuy nhiên, đây là đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu-một bậc thầy về cổ văn, chúng ta chẳng thể hồ đồ kết luận. Bởi vậy về mặt thể loại, chúng tôi thử đưa ra mấy cách phân tích và loại trừ như sau:

Sơn-Hà Linh-Khí Tại

Kim-Cổ Nhất Hiền-Nhân

Những từ có gạch nối là từ ghép, không thể tách rời nhau. Nếu xếp vào diện danh từ đối với danh từ thì “sơn hà” có thể đối với “kim cổ”. Hai vế chỉ có hai từ "tại" và "nhất" là từ đơn. Theo luật “đối lời”, trước tiên muốn đối được, chúng phải đứng đối xứng với nhau ở vị trí giữa vế nọ với vế kia. Tuy nhiên, chữ “tại” đứng cuối vế đầu, chữ “nhất” đứng giữa vế sau nên không thể có chuyện đối được. Tiếp đến, hai chữ “linh khí” ở vế đầu không thể đối với chữ “nhất” ở vế hai, vì một đằng là từ ghép (linh khí), một đằng là từ đơn (nhất); một đằng là danh từ, một đằng là số từ đóng vai trò làm tính từ trong câu. Như vậy, ta thấy rằng: hai chữ “linh khí” ở vế thứ nhất không tìm được “đối” (thủ) ở vế thứ hai. Vế trên còn sót lại chữ “tại” ở vị trí cuối cùng cũng chẳng biết “đối đáp” với ai, vì ở vế dưới hai chữ cuối cùng là từ ghép “hiền- nhân”. 

Như vậy, xét yêu cầu phải đối từng cặp từ, đối ý, đối lời, bằng trắc đối nhau...thì hai câu "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hoàn toàn không đối và không phải là câu đối.

Phải chăng, ý tác giả: "sơn hà" với "kim cổ" là đối lời, còn "linh khí tại" với "nhất hiền nhân" là đối ý? Tuy nhiên, cách đối này chỉ phù hợp với dạng câu đối phú dài dằng dặc có khi tới mấy chục chữ. Ví như câu đối của Tam Nguyên Yên Đổ khóc vợ, mỗi vế có tới 34 chữ:

-Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, tất tả chân đăm đá chân chiêu, vì tớ đỡ đần trong mọi việc;

-Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa chạm tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm”

Trong đó: “Nhà chỉn cũng nghèo thay” và “Bà đi đâu vội mấy” là đối ý, có thể chấp nhận được trong thể loại câu đối phú. Tuy nhiên, người hay chữ không lạm dụng đối ý nhiều. Bởi vậy ta thấy số chữ còn lại của cụ Nguyễn Khuyến dù “cách cú” nhưng xét từng chữ đều vừa đối ý vừa đối lời rất chỉnh; thành ngữ, từ láy, bằng trắc đối nhau chan chát rất tài tình. Trong khi câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân" hai cặp từ “sơn hà” với “kim cổ” chỉ là đối “cưỡng”. Mỗi vế còn lại 3 chữ: “linh khí tại” và “nhất hiền nhân” gọi là “đối” với nhau chẳng qua do mỗi cụm từ đảm nhận một ý mà thôi.

 Nói thế hóa ra Thủ tướng đã tặng, và Nhà nghiên cứu văn hóa GS Vũ Khiêu-Chuyên gia câu đối, phú, văn tế, chúc văn... đã nhận món quà Mừng thọ Trăm tuổi là một đôi câu đối thất luật? Theo tôi, chưa đủ căn cứ để kết luận như vậy. Vì sao? Vì rất ít khả năng tác giả kém tới mức soạn đôi câu đối mỗi vế 5 chữ mà rốt cuộc chỉ có hai cặp từ tạm đối được với nhau. Bởi vậy, có thể đây vốn chỉ là hai câu ca ngợi GS Vũ Khiêu chứ tác giả không có ý làm câu đối. Việc nó “bỗng” trở thành đôi “câu đối” là do người trình bày. Thế rồi người viết bài, đưa tin cứ ngỡ (hoặc căn cứ vào thông tin của Ban tổ chức?) một (hoặc hai) câu văn chia làm hai vế, trình bày theo chiều dọc, hai bên “đối xứng”, mỗi bên có số chữ bằng nhau là “câu đối”. Nếu vậy, sai sót là do khâu biên tập của các báo: Thể thao văn hóa, Đại đoàn kết, Tạp chí Sông Hương...khi đồng loạt đăng bài, ảnh, kèm chú thích “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng Giáo sư Vũ Khiêu câu đối "Sơn Hà Linh Khí Tại - Kim Cổ Nhất Hiền Nhân".

 

Về nội dung: Tuy không được thấy nguyên văn chữ Hán, nhưng chúng tôi đoán (gọi là đoán, nhưng có thể nói là chính xác tới 99,9%, vì khó có chữ khác lọt vào đây) mặt chữ như sau: 山河靈氣在, 今古一賢人 = Sơn hà linh khí tại, Kim cổ nhất hiền nhân. 

 Trước tiên, căn cứ từ điển, chúng tôi xin giải nghĩa từng từ như sau:

*Vế đầu trong câu:

-Sơn hà 山河= núi sông (ở đây được hiểu như đất nước, giang sơn)

-Linh khí 靈氣, Đào Duy Anh giải nghĩa: “Cái khí thiêng”. Hán ngữ đại từ điển (Tàu) đưa ra mấy nghĩa đáng chú ý: 1.Thông tuệ hoặc tú mỹ đích khí chất (có khí chất thông tuệ và đẹp tốt); 2.Tiên nhân đích khí chất (có khí chất của người tiên); 3.Chỉ mỹ hảo đích danh thanh (ý chỉ người có thanh danh tốt đẹp lắm)

-Tại : còn; còn sống.

*Vế sau trong câu:

-Kim cổ 今古: từ xưa tới nay.

-Nhất : đứng đầu; một; duy nhất.

-Hiền nhân 賢人: bậc tài đức kiêm toàn.

Sau đây là một số cách hiểu:

1.Cách hiểu thứ nhất: Sơn hà linh khí tại = Khí chất tốt đẹp của GS Vũ Khiêu sẽ còn mãi với núi sông; Kim cổ nhất hiền nhân = GS Vũ Khiêu là hiền nhân đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới nay (nhất hiền nhân = hiền nhân đứng đầu, đứng nhất).

2.Cách hiểu thứ hai: Sơn hà linh khí tại = Khí thiêng của non sông đất Việt chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu (Hoặc: Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi là hiền nhân, đó là cụ Vũ Khiêu (nhất hiền nhân = chỉ có một người là hiền nhân)

1.Về cách hiểu thứ nhất:

- Theo chúng tôi, nội dung bức trướng phù hợp với “cung bái” (kính viếng), hơn là "cung hạ” (kính mừng). Vì sao? Vì chỉ với người đã khuất, người ta mới nói ra cái ý như "Kiều rằng: những đấng tài hoa, Thác là thể phách, còn là tinh anh". “Tinh anh” hay “linh khí” chỉ có thể tồn tại mãi mãi một khi nó lìa khỏi “quán trọ” “thể phách”. Các bức hoành phi trên bàn thờ, người ta cũng hay dùng những câu như: “Hạo khí trường tồn” (Khí chất tốt đẹp còn mãi trường tồn) “Anh thanh như tại” (Thanh danh đẹp tốt vẫn như lúc còn sống) để xưng tụng, tưởng nhớ người đã khuất. Hoặc đôi câu đối thờ: “Vạn cổ đan tâm minh nhật nguyệt, Thiên thu nghĩa khí tráng sơn hà” (Muôn thuở lòng son cùng nhật nguyệt, Ngàn năm nghĩa khí tựa sơn hà). Ở đây “Sơn hà linh khí tại” có thể được hiểu: dù (cụ, ông, ngài) đã chết nhưng tài năng, đức độ, sự nghiệp vẫn còn sống mãi với non sông đất nước. Chết mà như còn sống vậy!

Chúng ta có thể ví dụ trong văn cảnh khác. Khi Bác Hồ còn sống, có thể hô: “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Nhưng chỉ sau khi mất, người ta mới (có thể) đưa ra câu khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta". Hoặc khi Bác còn sống, thiếu nhi hát: “Ngày ngày chúng cháu ước mong, Mong sao Bác sống muôn đời...” [1] Nhưng các cháu không thể hát mừng: “Bác còn sống mãi với non sông đất nước, Bác còn sống mãi với đàn cháu yêu thương...” [2] khi thực tế Bác vẫn còn sống và đang đi thăm các cháu.

Nói tóm lại, với bất cứ người nào, khi đang còn sống, dẫu muốn đề cao đến mấy cũng không ai nói "gở", ca ngợi là ông (cụ, ngài...) vẫn đang “còn sống” với (như) cái gì đó. Thế nên, trong Truyện Kiều, đoạn Từ Hải chết đứng, Nguyễn Du mới viết: "Khí thiêng khi đã về thần, Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng". Linh khí sống mãi với núi sông tức đã về cõi “bất tử”, về với tổ tiên, với cát bụi và thế giới cỏ cây, phiêu du mây nước rồi. Còn nếu muốn chúc thọ thì chúc sống lâu trăm tuổi, sống lâu muôn tuổi, trăm năm có lẻ, thọ như tùng bách...như ta vẫn thường nghe.

Đến đây, có bạn đọc sẽ nói rằng: cụ Vũ Khiêu năm nay đã 100 tuổi, đằng nào mà chẳng đến lúc...Câu đối hay như vậy, mừng trước để Cụ đọc, sau này thờ luôn cũng chẳng sao. Người ta vẫn đóng thọ đường, xây dựng sinh phần trước đấy thôi. Đây cũng là một ý kiến. Tuy nhiên, theo chúng tôi, nguyên tắc chưa chết thì chưa thắp hương, chưa phúng viếng. Thậm chí đã chết nằm đó rồi, nhưng chưa phát tang thì cũng chưa thể bái lạy, khấn vái.

- Vế thứ hai "Kim cổ nhất hiền nhân" (Từ xưa cho tới nay, cụ là bậc hiền nhân đứng đầu) cũng là cách xưng tặng dành cho người đã chết. Vì sao? Tục ngữ Việt Nam có câu "Bảy mươi chưa què chớ khoe rằng tốt" (Xưa, bảy mươi là "ngấp nghé miệng lỗ"-Nhân sinh thất thập cổ lai hy). Tục ngữ gốc Hán cũng nói rằng "Cái quan định luận" (蓋棺定論), nghĩa là sau khi đậy nắp quan tài lại, (sau khi chết) mới có thể bàn luận đúng sai, hay dở về một con người nào đó. Đến đây, có bạn đọc lại nói rằng, cụ Vũ Khiêu nay đã ở tuổi 100, con người, sự nghiệp  của Cụ đã rõ, đánh giá, tôn vinh lúc này cũng là được rồi. Tuy nhiên, dù bất thành văn nhưng cũng là luật. Nhà tu hành khổ hạnh “Đã được ba tháng ba năm” nhưng “Còn một ngày nữa mà không hoàn thành” (vì phạm giới) thì cũng không thể nào đắc đạo. Con người ta có khi xấu nay, tốt mai hoặc tốt nay xấu mai. Nhiều trường hợp đã “cái quan” rồi, đã “định luận” rồi, vậy mà có khi hàng trăm năm sau đang còn phải “luận định” lại. Bởi vậy, nếu câu "Kim cổ nhất hiền nhân" không dành cho người đã chết thì cách xếp thứ bậc, ca ngợi người sống như vậy cũng là trái.

“Hiền nhân, quân tử” là khái niệm của Nho gia, một danh xưng chưa bao giờ có giấy chứng nhận. Hán ngữ Đại từ điển (Tàu) định nghĩa “Hiền nhân: Tài đức kiêm lược đích nhân 德才兼备的” (Người có tài và đức gọi là hiền nhân) Từ điển tiếng Việt định nghĩa “hiền nhân”: người có đức lớn, tài cao theo quan niệm thời trước. Hán Việt từ điển, mục từ “Hiền” () Đào Duy Anh giải nghĩa: “Người có đức hạnh, tài năng”, nhưng phần trích dẫn từ ngữ, hai chữ “hiền nhân” 賢人 lại chỉ được giải thích là: “Người có đức”. Tài đến mức nào, đức lớn đến mức nào thì được gọi là hiền nhân? Không có sách nào quy định. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của chúng ta, hiền nhân tất phải là bậc tài cao, đức lớn; hình ảnh, nhân cách, tài năng, tư tưởng của họ có ảnh hưởng quan trọng tới nhân quần, tác động lớn tới thời đại.

Ở đây chúng tôi xin không bàn đến chuyện GS Vũ Khiêu có phải là "hiền nhân" hay không. Nhưng nếu nói rằng GS Vũ Khiêu đứng đầu trong các bậc hiền nhân từ xưa tới giờ (Kim cổ nhất hiền nhân) e rằng không còn là chuyện “đề cao quá” như ông Hoàng Minh Tuyển nói nữa, mà là phạm thượng! Vì sao? Xin lấy một ví dụ nhỏ để liên tưởng: Trong bài thơ “Bác ơi”, Tố Hữu viết: “Bác đã lên đường theo tổ tiên, Mác-Lê-nin thế giới Người Hiền”. Bài thơ này đã được đưa vào chương trình giáo khoa phổ thông. Vậy“Cứ trong ý tứ mà suy”, Hồ Chủ tịch, Mác-Lê-nin là những “người hiền”, những “người hiền tiền bối” và là bậc thầy vĩ đại của cụ Vũ Khiêu. Thế mà cụ Vũ Khiêu lại được tôn xưng là “Cổ kim nhất hiền nhân”, đứng đầu “thế giới người hiền” từ xưa tới nay, chẳng phải là “phạm thượng” lắm sao?

Trong văn chương hay thực tế có một số danh xưng như “Thiên hạ đệ nhất kiếm”, “Thiên hạ đệ nhất mỹ nhân”, “Thăng Long đệ nhất kiếm”... nhưng “nhất” ở đây là “nhất” trong một phạm vi, thời điểm (không gian và thời gian) nhất định nào đó. Nếu nói ai “nhất” từ cổ chí kim là điều cực khó. Đặc biệt “nhất hiền nhân” một khái niệm khó đo đếm, so sánh lại càng không có cơ sở. Phải chăng, tác giả muốn nói: nước Việt có nhiều  hiền nhân, nhưng chỉ có GS Vũ Khiêu là "nhất hiền nhân" vì Cụ đang minh mẫn ở 100 tuổi, lại được phong Anh hùng, được Giải thưởng Hồ Chí Minh, xưa nay chưa ai từng có?

2.Về cách hiểu thứ hai:

Sơn hà linh khí tại = Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu. Hoặc Khí thiêng của non sông Việt Nam vẫn còn đây-trong con người cụ Vũ Khiêu); Kim cổ nhất hiền nhân = Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi là hiền nhân (đó là cụ Vũ Khiêu).

Cách hiểu này có vẻ không “sái”, phù hợp với “cung hạ”. Tuy nhiên, căn cứ vào chữ nghĩa vẫn không tránh khỏi "phạm thượng". Vì sao? Vì ý thứ nhất “Khí thiêng của non sông Việt Nam chung đúc nên con người GS Vũ Khiêu” khiến người ta liên tưởng đến lời điếu văn: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch...” Phải chăng, vốn ý tác giả muốn dùng từ "nguyên khí" nhưng nó lại thành "linh khí": Sơn hà nguyên khí tại (Cụ Vũ Khiêu là nguyên khí, hiền tài của quốc gia, sơn hà) ?
Ý thứ hai: Từ xưa tới nay, chỉ có một người đáng gọi hiền nhân là Cụ (Vũ Khiêu). Kiểu tôn xưng “vô tiền khoáng hậu”, đứng trên tất cả các bậc hiền nhân này càng không ổn.

Riêng câu “Kim cổ nhất hiền nhân” theo chúng tôi còn có thể hiểu theo cách thứ 3: Người thông hiểu chuyện cổ kim, xưa nay nhất chính là bậc Hiền nhân Vũ Khiêu. Và cách thứ 4: Từ cổ chí kim, chỉ có bậc hiền nhân mới đáng gọi là tôn quý. Tuy nhiên, 2 cách hiểu, nhìn nhận, đánh giá này càng không có cơ sở.

Như vậy, tuy chữ nghĩa "sờ sờ" ra đó, nhưng chữ có nghĩa đen, nghĩa bóng; có nghĩa gốc, nghĩa ngọn; lại có chơi chữ, chiết tự, “ý tại ngôn ngoại” nên chúng tôi chẳng dám chủ quan ấn định một cách hiểu duy nhất nào đó. Ngược lại đã thử tìm hiểu, xem xét dưới nhiều góc độ để tìm ra một cách hiểu hợp lý, tích cực nhưng xem ra vẫn chưa thấy ổn với cách hiểu nào. Có lẽ do kiến thức hạn hẹp của mình nên cách hiểu hay, hiểu đúng của tác giả câu đối chúng tôi chưa thể nhìn ra?

Về đôi câu đối: “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng”, mà ông Hoàng Minh Tuyển hỏi. Theo chúng tôi, đây là đôi câu đối Nôm rất chỉnh, có nhịp điệu, đối nhau chan chát, nghe rất hay, và có thể hiểu: GS Vũ Khiêu là một Triết gia Cách mạng; là một Nghệ sĩ Anh hùng. Tuy nhiên, "rằng hay thì thật là hay", nhưng nghe...có vẻ không đúng và ... “hở miếng”. Vì sao ? Vì:

-GS Vũ Khiêu là người có nghiên cứu về triết học chứ không phải là, (chính là) "Triết gia"-Nhà triết học. Vì Nhà triết học phải là người đề xuất học thuyết, tư tưởng, chứ không phải là Nhà nghiên cứu về học thuyết, tư tưởng của Nhà triết học nào đó. "Triết gia" chính là cách gọi tắt "Triết học gia"-Nhà triết học. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) giải nghĩa: “Triết gia-nhà triết học-các triết gia Hi Lạp cổ đại”.

Có lẽ, ý tác giả đôi câu đối muốn dùng chữ “triết nhân” chăng? (triết với nghĩa người hiền trí, có trí tuệ thông minh, sáng suốt, như: hiền triết, tiên triết...). Đào Duy Anh giải nghĩa: “Triết nhân: người hiền trí”. Hán ngữ đại từ điển:“哲人: 智慧卓越的人” (Triết nhân: trí tuệ trác việt đích nhân -Triết nhân: người có trí tuệ trác việt). Như vậy, nếu có chăng, GS Vũ Khiêu chỉ có thể được gọi là “triết nhân” chứ không thể là “triết gia” (Đây chỉ là ví dụ về cách sử dụng chữ nghĩa. Chúng tôi không có ý cho rằng GS xứng đáng được gọi là triết nhân)                                                                                                                                                                                                                    

-GS Vũ Khiêu là Nhà nghiên cứu văn hóa, chứ không phải “Nghệ sĩ”. Vì GS không chuyên sáng tác, cũng chẳng biểu diễn môn nghệ thuật nào. Từ điển tiếng Việt định nghĩa: "Nghệ sĩ: 1.người chuyên hoạt động [sáng tác hoặc biểu diễn] trong một bộ môn nghệ thuật. nghệ sĩ nhiếp ảnh-tâm hồn nghệ sĩ;2.danh hiệu thường dùng để gọi diễn viên hay ca sĩ có tài năng xuất sắc”. Phải chăng, ý tác giả muốn nói: GS Vũ Khiêu là một “Anh hùng” mang tâm hồn, phong cách “Nghệ sĩ”?

Cuối cùng, chúng tôi cho rằng, hai từ “trong” và “giữa” trong đôi câu đối “Triết gia trong cách mạng, Nghệ sĩ giữa anh hùng” hơi tối nghĩa và thiếu chặt chẽ. Nó khiến người ta có thể hiểu thành:

-“Triết gia trong cách mạng = GS Vũ Khiêu chỉ xứng đáng là một “Triết gia” trong (số) những người làm chính trị, cách mạng.

- Nghệ sĩ giữa anh hùng = GS là một “Nghệ sĩ” đứng giữa  hàng ngũ những người “Anh  hùng” chứ không phải bản thân GS là “Anh hùng”. Hoặc: GS chỉ đáng được gọi là “Nghệ sĩ” trong hàng ngũ những người “Anh hùng” mà thôi. Như thế hóa ra, “Triết gia” hay “Nghệ sĩ” ở đây đều hoàn toàn “nghiệp dư” hay sao? Nếu bỏ hai từ “trong” và “giữa” đi, đôi câu đối sẽ chặt chẽ, dễ hiểu, kín kẽ hơn (dù có vẻ không hay): Triết gia Cách mạng; Nghệ sĩ Anh hùng (Triết gia làm Cách mạng, Nghệ sĩ lại Anh hùng)

 Văn giống võ ở chỗ: câu chữ, quyền cước tung ra dù mạnh mẽ, đẹp mắt đến mấy nhưng sơ hở, thiếu kín kẽ, thì kể như chưa hay, chưa giỏi.

Trở lại với vấn đề đang bàn. Ông Hoàng Minh Tuyển quan tâm tới đôi câu đối và chữ nghĩa Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu là có lý. Bởi chuyện tôn xưng tên tuổi, danh hiệu của Nhà nước với một cá nhân không đơn giản biểu hiện tình cảm mà còn thể hiện tôn ty trật tự trong xã hội. Đặc biệt đối với những người có danh vọng; hình ảnh, tên tuổi của họ có ảnh hưởng trong xã hội lại càng không thể khinh suất. Chẳng phải ngẫu nhiên mà cách nay hơn 500 năm, chỉ là chuyện xưng hô trong triều đình, quân doanh thôi, nhưng vua Lê Thánh tông từng phải chấn chỉnh: “Sắc Lễ bộ yết bảng cho trăm quan và các quân rằng: Kể từ nay, nếu không phải là bậc túc nho danh vọng, tuổi cao đức lớn thì không được gọi bừa là "tiên sinh". (Đại Việt sứ ký toàn thư-Bản kỷ thực lục-Quyển VIII-Kỷ nhà Lê). 
       Danh quá kỳ thực dễ gây nên sự huyễn hoặc và gieo mầm loạn. Bản thân người được tặng, nếu có liêm sỉ cũng sẽ không dám nhận. Bởi vậy, ông Mạnh tử mới nói rằng: “Thanh văn quá tình, quân tử sỉ chi -  君子 (Danh quá thực tình là điều người quân tử lấy làm hổ thẹn) Thế nhưng, một điều khó hiểu là tại sao GS Vũ Khiêu vẫn mãn nguyện ngước nhìn "mười chữ vàng" vấn vít trên nền vân mây cùng đôi rồng chầu phía trên bức tượng đồng của chính ông?

Chúc thọ, mừng tặng quà sao cho có ý nghĩa, mãn nguyện người trao, vui lòng, hợp ý người nhận, trên dưới trông vào đều ngợi khen là việc khó. Mừng tặng bằng chữ nghĩa lại càng khó hơn. Có vẻ như hai đôi câu đối Thủ tướng tặng GS Vũ Khiêu “trục trặc” trong khâu nào đó chăng?

Đến đây, chắc hẳn sẽ có “kẻ chê, người cười” HTC rằng: nói người khác "phạm thượng" nhưng bản thân mình còn "phạm thượng" hơn! Điều này không phải không có lý. Tuy nhiên, câu chuyện chữ nghĩa với ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc khiến tôi nhớ đến một câu chuyện chữ nghĩa khác. Lê Thánh tông là ông vua nổi tiếng hay chữ. Thơ văn của ông gồm cả chữ Hán và chữ Nôm: Thiên Nam dư hạ, Sĩ hoạn trâm quy, Xuân vân thi tập, Hồng Đức quốc âm thi,... Ông có những vần thơ Nôm tinh tế, mẫu mực, cổ kính mà rất hiện đại như: “Đầu nhà khói tỏa lồng sương bạc, Sườn núi chim gù ẩn lá xanh”. Thế nhưng có một triều thần dám thẳng thừng chê văn thơ của ông là "phù hoa, vô dụng" (xưa tội này có thể bị chém đầu). Người đó là Nguyễn Bá Ký! 

          Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép: “Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký chết. Trước đó, Bá Ký cho rằng vua làm văn không chú ý tới kinh, sử, dâng sớ khuyên can. Vua dụ rằng: "Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý kinh sử, lại chuộng lối học phù hoa, vô dụng, chỉ ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa, không lấy gốc kinh, sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì trong bốn chữ "phù hoa vô dụng" kia, thực đã gồm cả lòng trung rồi, thế mà ta lại làm văn mà biện lại, thì ta thực có lỗi. Lúc ấy, người đã kịp thời can ngăn, chẳng vì thế mà giữ ý".

Đến đây chết, vua sai Tư lễ giám quan Phạm Hổ đem sắc đến dụ rằng: "Ngươi thờ vua trung thành, giữ mình chính trực, sớm tối ở bên ta, nay được 6 năm, lúc thoi thóp rồi mà lòng trung vẫn chưa thôi!" (Đại Việt sử ký toàn thư-Bản kỷ thực lục, Quyển XII-Kỷ nhà Lê).

Câu chuyện này góp phần giải thích tại sao, Lê Thánh tông không chỉ là ông vua giỏi mà còn được tôn là vị Minh Quân. Ông là vua sáng nên có nhiều tôi hiền. Và dù Bá Ký chê thế nào, Lê Thánh tông vẫn là một trong những ông vua hay chữ nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Tôi chẳng dám ví mình giống như Quốc tử giám tế tửu kiêm Văn minh điện đại học sĩ Nguyễn Bá Ký. Nhưng có lẽ khi mải bàn chuyện chữ nghĩa đã không tránh khỏi tội “phạm thượng”, "khi quân" như Bá Ký. Tuy nhiên, ngày xưa, Bá Ký chẳng những không bị mất đầu mà còn được ngợi khen có lòng trung, thì ngày nay câu chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng có đến tai Thủ tướng và GS Vũ Khiêu, tôi tin rằng, dẫu không được khen ngợi thì các vị cũng chẳng nỡ trách phạt.

Cuối cùng chúng tôi dám mong sẽ được GS Vũ Khiêu-Bậc thầy về cổ văn, hoặc chính tác giả câu đối Chúc thọ GS giảng giải tường tận những chữ nghĩa mà chúng tôi và độc giả còn băn khuăn, chưa biết hiểu thế nào cho đúng, cho hay!

Như vậy, trong khả năng kiến thức hạn hẹp, chúng tôi đã cố gắng giải thích. Nếu phải thất vọng, mong ông Hoàng Minh Tuyển và bạn đọc thông cảm cho, và tiếp tục quan tâm đến chuyện chữ nghĩa của Tuấn Công thư phòng.

 

                                         HTC Thanh Hóa 28/9/2014

 

Chú thích:

-[1] và [2] Lời các Bài hát Thiếu nhi, ca ngợi Hồ Chủ tịch.

-[3]-Thơ Hồ Chí Minh.

HOÀNG TUẤN CÔNG

Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

ĐỪNG SOI TÚI QUAN


Của quan chớ có xép soi bừa

Vi hiến à nghe biết biết chưa

Nhà cửa kẻ kia đừng bới móc

Đất đai ai đấy phải kiêng chừa

Đầu ngành chống Nhũng  lời nghiêm báo

Phó Cục lùng Tham tiếng thép khua

Muốn bắt bọ sâu cần phép tắc

Chớ hòng chọc ngoáy với ba hoa

.               CAO BỒI GIÀ

.                29-09-2014

 

Ông Phí Ngọc Tuyển, Cục phó Cục Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ , tại một hội nghị tập huấn về chống tham nhũng năm 2014, tổ chức ở Sài Gòn nói rằng “công khai tài sản viên chức là vi hiến.”


 Ông Tuyển nói thêm rằng, việc công khai tài sản của viên chức cho toàn dân cùng biết “sẽ khó lường trước được hậu quả”! Giải thích với báo giới bên lề hội nghị vừa kể, ông Tuyển phân tích yếu tố “vi hiến” nằm ở chỗ “Hiến pháp luôn bảo vệ quyền tài sản của công dân, cán bộ, công chức cũng là công dân”.

VỊNH CÁI GHẾ CHẠM RỒNG - TRÔN NÀO ?


.     VỊNH CÁI GHẾ CHẠM RỒNG
Lưng ngả vai gồ có kém ai
Đầu rồng trạm ở chỗ tay ngai.
Bốn chân bám đất xem chừng oách.
Một mặt nhìn trời ngó rõ oai.
Mãn kiếp hầu bàn lơ trách móc.
Trọn đời đội đít mặc chê bai.
Hiên ngang tọa lạc nơi phòng khách.
Mặc xác nhân gian chuyện ngắn dài.
.           Huy Vụ 29/09/2014

 

XIN HỌA:

.        TRÔN NÀO

Dính tọa ghế này hỏi những ai

Ấy toàn vua chúa dẫu không ngai

Đôi mông nung núc lì vô hạn

Một cửa hòm hom nổ cực oai

Trát đủ cấp bằng dầu tiếng khắm

Phủ đầy danh hiệu mặc lời bai
Hạt nho trong  thủ đầy  mưu phép

Tính kế ngồi sao mãi mãi dài.

.               CAO BỒI GIÀ

.                29-09-2014

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

THƯƠNG ... CÔ HÀNG PHỞ


Tô phở hơn lương cả buổi rồi

Xếp luồng xa xỉ chứ người ơi

Bó hành treo giá buồn đâm héo

Miếng thịt trưng quầy thảm mất tươi

Thực khách lơ thơ lười gót đáo

Cô hàng hiu hắt biếng môi cười

Thương nàng chủ quán , thương thương quá

Túi mỏng nên đành nhớ nhớ thôi !

.                CAO BỒI GIÀ

.                  27-09-2014

Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

LỜI QUAN XÂY ĐƯỜNG


Đường nứt nào phải tội chúng tôi

Ấy do nền đất yếu mà thôi

Bảy năm  nhiệt huyết khai khai phá

Trăm tháng  hùng tâm đắp đắp bồi

Hễ toác thì đây hàn với vá

Mà banh ắt tớ sửa cùng bôi

Ôi dào  mười mét hư nào đáng

Còn cả trăm cây vẫn đẹp ngời!

.                   CAO BỒI GIÀ

.               26-09-2014

Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

CAO TỐC HÀNG MÃ


Ôi đường cao tốc mới thông xe

Chỉ được hai ngày nứt tóe loe

Vừa tán công trình  nghe rõ oách

Mới khoe thành tích thấy mà le

Lẽ nào Thủ Dũng mồm im thóc

Đâu thể Thầy Thăng miệng nín khe

Nào phải tiền dân tiền địa phủ

Sao đường đồ mã  đến mà … ghê!

.                CAO BỒI GIÀ

.                24-09-2014

   Đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai mới thông xe được 2 ngày đã xuất hiện nhiều vết nứt dài. Ôi chất lượng công trình !!!!

 

Thứ Ba, 23 tháng 9, 2014

SỐNG CHẾT MẶC BAY


Dân chợ đang hồi thở lắt lay

Mà Trên bất chấp cố tình bày

Cầy tung,  dựng tháp  mơ hoang tưởng

Phá nát, xây tòa   mộng ngất ngây

Mặc mấy tầng lầu hoang vắng đấy

Kệ đôi thang máy gỉ han này

Bất suy lợi hại mưu sâu tính

Sống chết sau này, ấy mặc bay !

.               CAO BỒI GIÀ

.                  23-09-2014                

 

   Chợ Tân Bình tình trạng ế ẩm kéo dàiđã lâu, mấy tầng lầu cũ hoàn toàn bị bỏ trống không người kinh doanh, đôi thang máy đầu tư hang chục tỷ bỏ phế han gỉ hang chục năm . Bất chấp tất cả một dự án xây mới chợ với quy mô khủng 6 tầng và 1 trung tâm 17 tầng sẽ được xây dựng, cung cấp thêm ngàn ngàn chỗ kinh doanh mới nữa  … tương lai không biết đi về đâu ??!!!

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

KHÓI


Lơ lửng mơ màng nhẹ thoảng bay

Bồng bềnh hư ảo tựa cơn say

Một làn thương quyện trong thâm dạ

Đôi sợi buồn vương giữa ngón tay

Quẩn trí khua gây tâm nghẹn đắng

Sầu lòng dưng khiến mắt hoen cay

Bao giờ đốm lửa nhen nhen  cháy

Hóa khói ta đây , sẽ một ngày ?

.                  CAO BỒI GIÀ

.                22-09-2014          

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014

Ồ! HIỆN ĐẠI QUÁ


Lộ trình tàu điện mười ba cây

Đến sáu trăm   người phải xúm tay

Điều khiển  bánh lăn thâu sáng tối

Vận hành tàu chạy suốt đêm ngày

Tối tân mới phải đông đông thế

Hiện đại nên cần  lắm lắm thay

Công nghệ hàng Tầu  siêu đẳng cấp

Lúc cần người đẩy, sẵn sàng … ngay  !

.                 CAO BỒI GIÀ

.                15-09-2014

 

   Theo báo Đất Việt : Đoạn đường Tàu điện Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) dài 13 km do Trung Quốc thực hiện sẽ tuyển 600 nhân viên sang TQ đào tạo để về vận hành tuyến Tàu điện này. Thật là hiện đại  hóa ,công ghiệp hóa, tự động hóa hết sức tưởng tượng :mỗi km đường cần gần 50 nhân viên để vận hành !!!???

Thứ Bảy, 13 tháng 9, 2014

DẠY TRÒ ĐẤU TỐ


.       DẠY TRÒ ĐẤU TỐ

Tiểu học năm nay lại đổi màu

Điểm không chấm nữa chỉ bình bầu

Cô Thầy đánh giá nhàn nhàn quá

Cha Mẹ đồng phê sướng sướng mau

Tự kỷ xét mình  phân tốt xấu

Bạn bè soi chéo tách  vàng thau

Ôi trời cải cách   nghe mà nẫu

Bày chước   học trò đấu tố nhau !

.                  CAO BỒI GIÀ

.                13-09-2014                     

 

   Lại Cải Cách : Ở bậc Tiểu học từ nay giáo viên sẽ  không chấm điểm nữa mà sẽ chỉ đánh giá trình độ học sinh kèm theo là cả phụ huynh cùng phê xét, rồi tự bản thân các em cũng được tự phê mình và soi trình độ của các bạn bè nữa. Ôi Trời! Không biết các cô cậu bé 6 đến 10 tuổi này tự phê và “ đấu tố “ bạn ra sao  đây nhỉ??!!

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

BỐN "Ệ" - NÓI CHO VUI


.      BỐN “Ệ”
Bốn “ệ” làm cho xã tắc lui.
Nước nhà tụt hậu hỏi sao vui.
Kẻ ngu chức tước thường thăng tiến

Người giỏi vị danh mãi dập vùi.
Bè cánh, nội qui dầy vẫn lọt.
Ô dù, luật lệ kín còn chui.
Xót xa lịch sử ngàn năm Việt.
Để lũ mọt sâu kéo thụt lùi.
.               Huy Vụ 07/09/14

 

XIN HỌA :

.      NÓI CHO VUI

Đây là cái họa đố đẩy lui

Chắc ngài đề cập đến cho vui !

Lòng tham  thế lực luôn phần thắng

Chất xám tinh thông cũng phận vùi

Phép tắc khinh nhờn quan tự xử

Kỷ cương phớt tỉnh cáo trơ chui

Nói thì cứ nói nào ai dẹp

Tứ Ệ trơ trơ chả thể lùi !!

.              CAO BỒI GIÀ

.               10-09-2014

 

 

Nhân kỷ niệm quốc khánh 2/09 chủ tịch nước  có dẫn lời đại ý. cái sự thật đau lòng hiện nay trong tuyển dụng cán bộ công chức vẫn đi vào lối sai phạm nghiêm trọng bằng luật bất thành văn: thứ nhất là HẬU DUỆ, thứ hai TIỀN TỆ.thứ ba là QUAN HỆ cuối cùng mới đến TRÍ TUỆ. Bốn “Ệ “ Những thứ công chức tuyển dụng kiểu trên chính là đại họa cho dân cho nước…



Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

PHÁ CỖ ĐÊM RẰM


Bày trò phá cỗ, ngắm trông trăng

Đón tiết trung thu, khí mát lành
Dăm chén, tác phong tuồng ngất ngưởng

Vài ly, khẩu khí hóa lăng nhăng

Giơ tay gọi với luôn thằng Cuội

Cất giọng mời rơi cả chị Hằng

Hứng thú, đêm thu đàn phách gõ

Thả lòng tắm táp ánh trăng vàng !

.                  CAO BỒI GIÀ

TRUNG THU - TRUNG THU BUỒN


.     TRUNG THU
Tầm tã ngoài trời mưa tối thui.
Trung thu lại thế có gì vui.
Cờ, sao mới sắm còn nguyên cán.
Trống,phách chưa mua đã bỏ dùi.
Đèn tắt bao nhà tranh giống ngói.
Tay mò lắm kẻ sáng như đui.
Hằng Nga muốn xuống mà không đặng.
Chú Cuội vừa xong đã ngủ vùi.
.             Huy Vụ Tết TT 2014


 

XIN HỌA :

.       TRUNG THU BUỒN

Hờn ghen mây lại kéo đen thui
Ngay giữa đêm rằm phá cuộc vui

Lân đó chèo queo đuôi xếp vó

Trống kia  lặng lẽ thủ buông dùi

Hồn già lắm nỗi đè cô lạnh 

Lòng trẻ bao niềm bỗng điếc đui

Cậu Cóc cả kêu  Trời đánh thức

Hằng Nga đừng cớ mãi nằm vùi

.                CAO BỒI GIÀ

.               08-09-2014 (15-08-GIÁP NGỌ)

Chủ Nhật, 7 tháng 9, 2014

LẠI LĂM LE ... CẤM !


Lệnh cấm buôn bia chốn vỉa hè

Khóa mồm dân nhậu lạm đam mê

  bầu   cũng bị ngăn mua nhé

Mẹ bé  càng không được bán nghe

Rảnh  việc vẽ voi thừa mẫn cán

Buồn tình ngứa bút lại hăm he

Quân đâu để hốt  và thu phạt

Chỉ khiến dân cười cái gã phê !!

.                   CAO BỒI GIÀ

.                 07-09-2014

   Bộ Công thương đưa ra dự thảo công văn có nội dung : Cấm bán bia ở vỉa hè, cấm bán bia cho người lạm dụng rượu bia, cấm bán bia cho bà bầu, bà mẹ đang cho con bú…!!!! Lại một kiểu lệnh trên Trời bất khả thi nữa ??? !!!!

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

ĐÈN CÙ ( ĐÈN KÉO QUÂN )

Vót tre, cắt giấy dán đèn cù
Cho trẻ vui đùa đón tiết thu
Nhộn nhịp, lớp hàng nghè, võng, lọng
Gian nan, thầy tớ khỉ, heo, sư  (*)
Đầy trò hỉ, nộ tha hồ chạy
Đủ chuyện sân si, thỏa sức vù
Chả biết đời người quay được mấy
Xoay vần, tính kế mấy mươi thu ?


.                 CAO BỒI GIÀ
    
(*) Thầy trò Tam tạng

Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014

BÁNH TRUNG THU ... CỔ TRUYỀN !!!


Chửa sáng lèn nhau giữa phố lu

Xếp hàng tranh tậu bánh trung thu

Nhất khoanh  sao lại nan nan vậy

Một miếng  thôi mà khổ khổ ru ?

Hỏi có trứng rồng phơi nhẫn luyện

Hay   nhồi gan Cuội ướp công phu   … ?

Cổ truyền bí quyết, chân tay nặn

Thiên hạ ăn mê sướng tít mù !

.                 CAO BỒI GIÀ

.                 05-09-2014                      

   Nghe truyền : ở Hà Nội có tiệm bánh trung thu …cổ truyền  thu hút khách  xếp hàng từ 5 giờ sáng thành hàng dài trên phố để chầu chực mua vài cái bánh … !!!!

Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

NHẮN TIẾN SĨ TÂY


Tiến sĩ Tây về chớ tưởng ngon

Thi chân viên chức  rớt tòm tom

Đừng mơ chất xám chưa là nhất

Phải biết hơi hồng mới đáng son

Học ở xứ người còn  ngố lắm

Rèn ngay đất Việt   vẫn khôn hơn

Tìm xem “ bí quyết “ chi người đậu

Chỉ giỏi thôi thì chẳng có cơm !

.              CAO BỒI GIÀ

.                02-09-2014

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

ÔI THỜI GIÁO MẠT !!!


Cửa Khổng hè sang vắng lặng tờ

Xem kìa Hiệu trưởng quả gan to

Đào tung vườn cỏ quanh trường sở

Xới bật sân chơi của học trò

Đãi đất tìm vàng  ru nỗi khát

Liều mình kiếm bạc thỏa cơn mơ

Ôi thời giáo mạt , đau lòng quá

Thế hệ tương lai rõ mịt mờ !

.               CAO BỒI GIÀ

.              01-09-2014                

   Hiệu trưởng trường THCS Yên Tĩnh (Tương Dương, tỉnh Nghệ An) tận dụng kỳ hè thuê thợ đào tung sân trường thành những hầm khai thác vàng, biến trường lớp thành lán trại sàng đãi vàng sa khoáng. Say sưa và liều mạng ông thầy này xây mộng phú vương bất chấp trường sở tan nát , điêu tàn !!!!