Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2016

CÁI TÊN KHỔ QUÁ CHA MẠ ƠI! 08


8_SỐNG VỚI DÂN MỸ

   Nguyễn văn Phát sang định cư bên xứ Cờ Hoa  theo diện đoàn tụ, do người anh bảo lãnh. Bước đầu hội nhập với xã hội mới, với vốn tiếng Anh ít ỏi của anh thật khó để anh tìm được một job thích hợp. Thế là anh quyết định đến lớp học miễn phí dành cho những người mới nhập cư, để trau dồi thêm Anh ngữ.  Ngày đầu vào lớp học, anh thấy thành phần học viên thật đa dạng, đa chủng. Có chị Mễ  to ơi là to, to đến nỗi anh chưa từng thấy  chị  Việt Nam nào to như thế. Bỗng chị ta ào ào tiến đến trước mặt anh, anh Giật mình đánh thót căng cứng cả người khi   chị ta giơ cánh tay hộ pháp lên:

   _Hello !

   Nhìn chị ta ưỡn ngực ra mà toét miệng  cười. Anh vội vàng đáp lễ :

   _Hello!

   Quay qua , quay lại  quan sát các học viên, anh cố tìm xem có bạn đồng hương nào không. Chẳng lẽ lớp học chỉ có độc mình anh là  Viêtnamese thôi sao? Ở bàn sau có một anh nhìn giống quân ta quá, nhưng thấy miệng anh chàng ấy  cứ liếng thoắng  xì là xì lồ với một ông Mễ ngồi bên cạnh, thì  chỉ dám ngờ ngợ mà thôi. Ngoài anh chàng ấy ra thì còn toàn là Đại Hàn, Thái, Hoa…Nhưng nhiều nhất vẫn là dân Mễ..  Vừa yên vị được một chút, thì người ngồi cạnh anh là một anh Xì, có dáng người  thấp bé mỉm cười hỏi:

   _What’s your name?

   Bị bất ngờ, nên anh Phát lúng túng và trả lời cụt ngủn:

   _Phác  (Phát âm theo giọng miền Nam)

   Trước câu trả lời của người học viên mới, anh bạn Xì nhăn mặt tỏ vẻ tức giận:

   _What…?

   Anh Phát ngượng ngùng cố lắp bắp:

   _My name …is …Phacs …Nguyen

   Mặt anh Xì giãn ra và hỏi lại :

   _Can you spell your first name?

   _P…H…A…T. Anh Phát gằn giọng đánh vần tên mình.

   Nghe anh ta đánh vần xong, thì anh bạn Xì  lắc đầu cười, giơ hai tay lên trời :


   Tan buổi học, anh chàng mà Phát ngờ là đồng hương chạy đến vỗ vai:

   Này ông bạn, mới sang hả ?

   _Ừa, mình mới qua…

   Anh bạn đồng hương mới  búng tay đánh choc một tiếng, rồi cười ha hả:

   _Hèn chi thôi đổi tên đi ông bạn! Ở đất Mỹ này  mà mở miệng ra Phác, phác…là hổng ổn đâuà nghen!

   Anh Phát ngơ ngác :

   _Ủa, sao dzậy? Tên tui có làm sao đâu?

   _Có sao quá trời, chứ ở đó mà hổng sao! Hồi nãy ông Xì ngồi bên cạnh tưởng ông chửi ổng đó. Tên Phát viết ra chữ  cho dân Mỹ nó xem thì không sao, chứ ông xưng tên ông ra nó nghe như tiếng chửi Đ.M. của dân Việt mình đó. Ông hiểu chưa?

   Nhập gia ắt phải tùy tục , vội vàng Nguyễn Văn Phát đã phải cúng ông bà ông vải, mà xin đổi tên ngay tắp lự từ đó. Ôi Tía Má ơi, cái tên Tía Má đặt cho ở bên này khổ lắm Tía Má à!! Từ nay con đã là Jackson, con sẽ cố gắng là đứa con số dzách của Tía Má, mong Tía Má đừng buồn…

 

   Ông bà sang Mỹ định cư, do thằng con trai bảo lãnh.   Sau một thời  gian ăn chơi, tham quan du lịch quanh nước Mỹ, gặp lại nhiều bạn bè xưa ở   nhiều bang khác nhau. Ông thấy ai cũng có công ăn việc làm ổn định, lao động thật chăm chỉ.  Thế là ông bàn tính với vợ :

   _Này bà, tôi tính chúng mình kiếm chỗ mở tiệm bán Phở như hồi ở Việt Nam đi. Tôi đã tham quan nhiều quán Phở ở bên này rồi. Không phải chỉ có dân Việt mình ăn đâu, mà cả tụi Mỹ nó cũng khoái  tới ăn tấp nập đấy bà ạ! Phở họ nấu  cũng chả được ngon bằng Phở của mình. Tôi nghĩ làm ăn lại nghề xưa chắc chắn sẽ khấm khá.

   Có vốn sẵn từ Việt Nam đem qua, nên bà cũng đồng tình với ông ngay. Họ chọn được một vị trí khá đẹp và thuận lợi để mở cửa tiệm. Chẳng cần nghĩ suy gì ông lại lấy ngay tên hiệu Phở cũ của mình ở quê nhà mà khai trương: Tiệm Phở Mỹ Dung ,  ấy Mỹ Dung là tên đứa con gái cưng đầu lòng của ông bà mà. Vốn có hoa tay, nên ông tự vẽ lấy bảng hiệu, theo kiểu cách bên này ông cũng vẽ chữ mà không bỏ dấu, nên bảng hiệu của ông thành Pho MY DUNG. Quán Phở mở đã được mấy tháng rồi, thực khách cũng  chẳng thấy có anh chị mũi lõ nào vào thưởng thức, Mà chỉ toàn là quân An Nam ta thôi. Người bạn ông ở Thành phố bên cạnh phôn  tới hỏi thăm ông về tình hình buôn bán, ông cũng chia sẻ nỗi phân vân của mình:

   _Sao chẳng thấy mống Mỹ Mẽo nào vào quán của tôi xơi  cả? Còn mấy quán khác chúng cứ vào ăn vào húp ầm ầm, lạ quá!

   Thế là cuối tuần đó ông bạn kia đánh xe sang tham quan quán của ông. Dừng chân trước cửa quán của ông bạn già, ông bạn từ xa tới  chưa kịp bắt tay chào hỏi ông bạn vàng, thì  đã ngả ra cười rũ rượi. Mặt nghệt như ngỗng, chủ quán ngơ ngác hỏi:

   _Gì mà cứ cười vậy cha nội ?

   _Ông gỡ cái bảng hiệu  của ông xuống ngay đi.  Dân Mỹ nó thấy cái này nên không dám vô là phải! Ông bạn kia vừa cười vừa nói.

   _Sao dzậy?

   _Chữ DUNG tiếng Mỹ có nghĩa là phân đó ông ơi! Ông mời người ta ăn “phân của tôi” (my dung) đi, thì ai dám vô ăn hả ông ?

   _Chết tiệt thật! Cái tên của người ta đẹp thế mà… Hèn chi không thằng mũi lõ nào bén mảng.

   _Thế thằng con ông đâu, mà nó không cố vấn cho cha nó?   _

   _Vợ chồng nó tếch sang bang khác làm ăn rồi, có đây đâu mà cố với chả vấn. Rõ khổ tên với chả hiệu…Ngày mai tôi phải đổi cái bảng hiệu này ngay thôi ông ạ.

   Nói rồi chủ quán phở kéo ông bạn  vào quán. Trong lúc ngồi nhâm nhi trà thuốc, chủ quán hỏi:

   _Tôi nghe bên này nhiều người thích ăn “phân” (fund) lắm mà,  có ai tên Phân không?

   Ông bạn lại rũ ra cười:

   _Gớm ông cũng đáo để nhỉ? Chữ ta lắm chữ khiến thằng Mỹ hãi, mà tiếng Mỹ thì cũng lắm từ khiến dân ta chết cười không ít. Thôi cha nội ơi , cố tránh cho chúng đừng hiểu lầm là tốt rồi, còn tiếng Mỹ thì nghe có thế nào cũng phải bấm bụng  nhịn cười, kệ cha nó  thôi.

   Ngọc Bích ngồi trên ghế đá thích thú ngắm nhìn đàn chim ríu rít, dạn dĩ nhảy lượn quanh nàng. Đã mấy tuần nay, kể từ ngày nàng sang Mỹ, chiều nào nàng cũng lang thang ra park này để hưởng không gian xanh mát. Khung cảnh này thật hiếm ở quê nhà, thật thanh bình , đó là cảm giác khiến nàng say mê chốn này. Nhiều người già dạo quanh công viên, mà cũng không ít thanh thiếu niên cũng tìm đến đây vào mỗi buổi chiều. Đám trẻ nhỏ chơi  đùa thỏa thích dưới những tàng cây hoặc chạy nhảy trên những bãi cỏ. Đang vẩn vơ suy nghĩ, bỗng Ngọc Bích nghe thấy tiếng trẻ chí chóe cãi nhau. Quay nhìn lại hướng đó, nàng thấy hai đứa trẻ gái đang túm tóc giằng co nhau quyết liệt, miệng không ngớt chửi bới nhau. Lạ quá chúng cãi nhau mà sao cứ như réo gọi tên nàng? Một ông già người Việt ở gần đó, đã chạy lại can gián và cố tách chúng ra. Sau một hồi vất vả, ông già ấy mới chấm dứt được vụ đánh lộn. Mệt nhọc ông già đến ngồi xuống ghế đá  bên cạnh Ngọc Bích , vừa thở vừa nói:

   _Không biết con ai mà gây lộn với nhau, văng tục văng tĩu quá!

   Nghe ông già nói tiếng Việt, thì nàng biết ông đang nói chuyện với nàng. Thế là nàng rụt rè hỏi:

   _Bác ơi, chúng nó chửi bậy gì vậy bác? Con nghe cái gì mà cứ bích, bích…?

   _Đó , đó chữ bitch , tiếng Mỹ là đồ chó cái đó cô. Mấy đứa trẻ Mễ này hư quá sức luôn.

   Nghe ông già nói, Ngọc Bích sửng sốt và nín thinh luôn. Hèn chi mà… Nàng nhớ lại: Hôm mới xuống phi trường, mấy đứa con ông cậu réo gọi tên nàng, tự dưng nàng cảm thấy quá nhiều ánh mắt ngạc nhiên soi mói nhìn nàng. Thế thì ra! Chết thật thôi ba má ơi! Con phải đổi tên ngay thôi, chứ không đi đến đâu con gái cưng của Ba Má cũng bị chửi cho thối thây Ba Má à. Ít hôm nữa bắt đầu đi làm mà phải xưng cái tên cúng cơm,  mà Ba Má đặt cho, thì chắc …chết quá Ba Má ơi!

CAO BỒI GIÀ

23-04-2016

2 comments:

  1. HỒI CHỊ MỚI QUA CANADA CŨNG NGHE NGƯỜI TA KỂ VÀI CÁI TÊN VN,NHƯNG CHƯA HIỂU LẮM, VỀ SAU MỚI BIẾT...CÓ ANH CHÀNG TÊN LÀ
    ĐÀO PHÚC CẤP KHỔ GẦN CHẾT KHI VÀO LỚP HỌC...BỊ GỌI TÊN ,CẢ LỚP
    CƯỜI Ồ....

    Trả lờiXóa
  2. Chắc chắn là còn nhiều cái tên không ổn ở xứ người nữa. Nhưng cbg chỉ biết được vài tên như vậy thôi. Chúc chị luôn vui khỏe.

    Trả lờiXóa