Nói ngay rằng
lâu nay tôi luôn hồ nghi, nói thẳng là không tin, những con số do nhà cai trị,
nhất là nhà cai trị cộng sản, đưa ra. Nó luôn ẩn chứa trong đó những mưu mẹo,
âm mưu, mẹo mực, ý đồ có lợi cho bên này, có hại cho bên kia. Xét theo kiểu các
cụ xưa, tin thì chỉ có đổ thóc giống ra mà ăn.
Nhưng phải nói cứ mỗi chiều tối suốt 3 tháng nay, rất choáng khi đọc những con
số chính quyền thống kê, được công bố trên báo chí tivi. Chẳng hạn hôm qua
30.8: Cả nước 14.219 ca nhiễm mới, trong đó Sài Gòn 5.889 ca, Bình Dương 6.050
ca; số ca tử vong trong ngày là 315 (nguồn: Báo VnExpress). Nếu đó là sự thực
thì quả thật quá khủng khiếp, rã rời, u ám. Sự khủng khiếp này, người ở những
tỉnh thành khác, như Cao Bằng chẳng hạn (tỉnh ni nghe nói tới giờ vẫn chưa có ca
mắc nào) sẽ không hình dung ra, nhưng nếu sống ở Sài Gòn hoặc Bình Dương thì
chỉ thấy tương lai xám xịt như bầu trời mây đen vần vũ kia.
Tôi cũng không thoát khỏi tâm trạng đó. Hộ gia đình đối diện nhà tôi chỉ trong
một tuần vừa rồi đã hai người chết do COVID. Cả khu vực tình làng nghĩa xóm
nhưng không ai dám lại gần, dù chỉ muốn đi vụt qua nói liến thoắng với con cái
họ một lời chia buồn. Nhà tôi cửa đóng then cài im ỉm cả chục ngày rồi, rác
cũng không dám đem ra, nhỡ mình hé mở thì cô vít nó vụt lẻn vào. Lương thực
thực phẩm đang cạn dần, có tiền cũng không mua được, vợ chồng con cái chỉ biết
động viên nhau đội vùng đỏ cố lên, cố lên.
Hôm chủ nhật 29.8, do có tên trong danh sách tiêm vắc xin nên tôi đành liều mở
cửa sau đi. Từ nhà tới nơi tiêm khoảng 4 cây số, cả thành phố vắng ngắt như
thành phố chết. Chút sinh khí còn lại chỉ là những chốt chặn kiểm tra. Bốn cây
số, 5 chốt gác chặn, tôi chỉ mỗi câu trả lời "đi tiêm vắc xin", chỗ
thì vẫy tay ái ngại cho qua, chỗ máy móc bắt táp xe vào lề, tắt máy, mở cốp lấy
tờ giấy xác nhận tiêm chủng ra trình. Kinh nhất là khi ấy chiều muộn, hơn 6
giờ, tranh tối tranh sáng, giờ của hồn ma, trên tuyến quốc lộ 50 những chiếc xe
hòm (xe tang chở quan tài chạy như tên bắn) để về nghĩa trang Đa Phước, nơi có
lò thiêu xác. Tôi nói với ông anh họ cùng đi tiêm, anh nhìn kìa. Ông tái mặt.
Trên mỗi tang xa không phải chỉ chở một hòm mà ít nhất 4 hòm, quan tài gỗ tạp,
đóng chỉ ôm vừa khít một cái xác. Ôi trời, chỉ một đoạn đường, có một lúc, mà
đã thế này. Thế sự sao mà thê thảm.
Nhà cai trị loay hoay chống dịch, trảm tướng thay quân, đổi kiểu này kiểu khác
nhưng suốt mấy tháng dịch vẫn càng nặng thêm. Họ vất vả, tôi biết. Chiếc áo ướt
đẫm mồ hôi của ông thủ tướng chỉ gợi tình cảm chứ không nói gì về trí tuệ. Điều
nguy hiểm là kế sau những biện pháp chống dịch lúng túng ấy là cuộc sống như bị
khủng bố, thít chặt lại, dân chúng ngày càng bế tắc, kiệt quệ, không lối thoát.
Số phận tính mạng con người dân chúng đang rất mong manh. Không chỉ chết do
dịch mà còn cả những thứ khác, như suy kiệt, đói, cô độc, bệnh tật không ai
chăm sóc... Nhốt dân mãi trong pháo đài, bắt dân làm chiến sĩ chống dịch, dịch
chưa chống được thì đã chết đói. Tôi bảo thật.
Hồi tháng 6 khi dịch bùng phát, tôi lo lắng trước những kiểu chống dịch cực
đoan của chính quyền, từng mạo muội đoán rằng cứ kiểu này thì sẽ tới lúc không
chỉ đếm số ca mắc mà chuyển thành quan tâm đếm số ca tử vong, số người chết.
Nhiều người xúm vào mắng tôi, phỉ phui cái miệng, ác khẩu, khiến tôi cũng chợn.
Nhưng giờ đây, ngó cái thành phố chết hoang tàn kia, không chút sinh sắc kia,
nhìn những khuôn mặt vô hồn chỉ còn chứa lo lắng sợ sệt, những thân thể gầy gò
giơ xương như thời cướp chính quyền tháng 8 năm xưa, tôi lại đành liều mà cảnh
báo rằng nếu nhà cai trị không thay đổi mau biện pháp chống dịch, cứ phong tỏa
cấm cản mãi kiểu này, như gần trăm ngày qua ở Sài Gòn, sẽ không phải chỉ là đếm
con số tử vong do dính dịch mà còn khủng khiếp đau lòng hơn, đếm số những người
chết đói.
Ai mắng thì tôi đành chịu. Người dưới vực nhìn lên thường rất ít ánh sáng.
Sài Gòn ngày gần cuối tháng cô hồn
Nguyễn Thông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét