SAIGON NGÀY PHONG TỎA THỨ 39
ĐỖ DUY NGỌC
Hôm nay, dù cái gọi là “di biến
động dân cư” không còn được thi hành nữa vì đã gây ùn ứ xe cộ trên các giao lộ
có chốt chặn. Tuy nhiên, sáng nay, nhiều con đường vẫn kín xe ùn tắc vì kiểm
tra giấy đi đường. Nguyên nhân là siết chặt thời hạn giấy đi đường, khiến nhiều
người dân buộc phải quay đầu xe.
Lực lượng chức năng giải thích cho
người dân giấy ra đường chỉ có hiệu lực trong 7 ngày, gây bất ngờ cho mọi người
vì hầu hết người dân cho rằng chưa được thông báo là giấy ra đường có hiệu lực
chỉ trong 7 ngày, nên không thể chủ động. Điều đó cho thấy rằng, trong các đợt
giãn cách, không biết bao nhiêu là thông báo, bao nhiêu là chỉ thị, bao nhiêu là
yêu cầu khiến cho dân cứ rối tinh lên, chẳng biết đường nào mà chuẩn bị.
Không phải ai cũng có điều kiện
theo dõi, ai cũng có phương tiện để nắm rõ những thay đổi xoành xoạch của các
ban bệ nhà nước. Hết Uỷ ban đến công an, hết y tế đến công thương, hết tiêm
chích, xét nghiệm đến thông báo đi siêu thị, mỗi bộ phận một kiểu, chẳng thống
nhất lại nhiều khi tréo ngoe với nhau.
Nội cái mã code không thôi người
dân cũng đã rối trí rồi. Lại thêm là mã chích ngừa, mã sổ sức khoẻ điện tử, mã
Bluezone, mã di biến động dân cư, mã xe chở hàng, mã cho shipper.. .không biết
sắp tới còn cái mã code nào không nữa.
Tại sao không thống nhất một Ban
chống dịch của thành phố quy tụ các thành phần liên quan, mọi biện pháp, chỉ
thị, yêu cầu đều do ban này đồng thuận để ra một thông báo chung và người dân
chỉ cần tuân theo nội dung của ban ấy. Tránh cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi
ngược như hiện nay.
Tình trạng các văn bản thay đổi
liên tục xuất phát từ việc thực hiện giãn cách thiếu chuẩn bị và thiếu tầm
nhìn. Người đưa ra văn bản và bộ phận trợ lý thiếu tầm và thiếu tư duy, nên văn
bản khi đưa ra thực hiện không khả thi và có nhiều lỗ hổng đành chỉnh sửa và ra
văn bản tiếp. Nhưng thực chất văn bản kế tiếp đó cũng không phù hợp thực tế và
cũng không triển khai được. Tiếp nữa, nhiều văn bản, thông báo thiếu cụ thể,
nhiều chữ nhưng chung chung khiến bộ phận thi hành ở dưới xử lý theo cảm tính,
cửa quyền, lạm dụng quyền lực và tuỳ tiện.
Một quyết định sai, hàng triệu
người lãnh hậu quả. Cho nên văn bản trong thời gian nước sôi lửa bỏng này phải
rõ ràng, khoa học và khả thi. Tránh những kiểu đánh trống bỏ dùi và hô khẩu
hiệu. Tất cả những hạn chế đó cuối cùng người dân là nạn nhân. Rất nhiều chủ
trương, chính sách của thành phố vừa qua bị những hạn chế này khiến dân tình
thêm lao đao.
Ngày hôm qua ở thành phố đã có
hàng ngàn người tìm cách về quê bằng xe gắn máy đợt hai, dù chính phủ đã ra chỉ
thị cấm và thành phố yêu cầu ai ở đâu ở đó. Đoàn người bị chận lại và đêm hôm
qua rất nhiều người trong đoàn đã ngủ qua đêm trên hành lang xa lộ. Nhìn những
người nằm vạ vật bên đường, trong đó có cả người già, phụ nữ và trẻ em, ai lại
không thấy đau lòng. Cũng may là không xảy ra tai nạn, nằm lề đường kiểu này
lúc đang đêm rất dễ gây ra cảnh chết người.
Họ còn biết về đâu? Lớp thì bị chủ
nhà đuổi vì không còn tiền trả tiền thuê, người thì đã đành thu xếp lại để quy
hương. Còn đâu chốn để trở về lại. Thì đành nằm giữa xa lộ này thôi. Cũng cám
ơn trời đêm qua không mưa, lỡ có mưa không biết họ xoay xở thế nào nữa? Nhưng
sương đêm, gió lạnh và không khí trong mùa dịch. Không biết đêm qua rồi có ai
phải dính dịch không? Còn 30 ngày nữa, ba mươi đêm nữa họ phải sống làm sao
giữa đất trời như thế?
Thật ra họ cũng đâu muốn phải chịu
cảnh màn trời chiếu đất như vậy, ai không muốn có giường có chiếu, ai lại không
muốn có một mái nhà che thân. Nhưng hoàn cảnh buộc họ không còn chọn lựa nào
khác. Họ phải tháo chạy để khỏi phải đói, khỏi phải thấy cái chết đang rình
rập. Trong cơn dịch này, tầng lớp người dễ bị dính nhất là họ, nên họ phải lìa
bỏ thành phố này để trở về.
Lần quay về lần trước, nhà nước đã
có đề nghị cứu trợ khẩn cấp nhưng rồi đã ra lệnh chấm dứt từ 1.8.2021. Mà ngay
lần trước việc cứu trợ cũng không hiệu quả và nhiều nơi không đúng đối tượng vì
nhiêu khê về thủ tục. Đứng trước tình cảnh của hôm nay, đề nghị chính phủ nên
có biện pháp hỗ trợ cho đồng bào.
Có thể tổ chức lại những chuyến xe
tình nghĩa, có thể trợ cấp không qua các thủ tục rối rắm để họ có thể an tâm ở
lại chờ ngày cuộc sống trở lại bình thường. Những người dù chỉ là tạm trú cũng
nên được chích ngừa và được bình đẳng trong việc hỗ trợ lương thực, cũng như
khi vào bệnh viện. Đó không những là trách nhiệm của người lãnh đạo mà còn là
nghĩa đồng bào.
***
Sáng hôm qua 15.8, thành phố tổ
chức lễ “Phát huy sức mạnh toàn dân
tham gia phòng, chống dịch và ra mắt Trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ hàng hóa thiết
yếu phục vụ người dân khó khăn bởi dịch bệnh”. Trong buổi lễ, Phó Bí thư
Phan Văn Mãi có phát biểu: Với tinh thần “lấy sức dân chăm lo cho dân”, TP đã
kêu gọi và nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ đầy nghĩa tình từ khắp nơi trong cả
nước.
Câu nói “lấy sức dân chăm lo cho
dân” gây cho dân thêm nỗi lo âu. Giãn cách kéo dài, đời sống của nhân dân càng
lúc càng khó khăn, nhất là tầng lớp nhân dân lao động nghèo. Dân còn sức đâu mà
lấy chăm cho dân. Bản thân từng gia đình còn phải vật lộn với miếng cơm manh áo
hàng ngày không còn phương sinh kế, sức còn đâu nữa.
Đây là dịp mà các doanh nghiệp lớn
ra tay giúp dân. Cũng là cơ hội những cán bộ ở biệt phủ, đi xe đắt tiền, ăn
chơi phung phí, tiền bạc, đô la, hột xoàn đầy túi nên mở hầu bao, két sắt giúp
dân, cũng là một dịp để trả nợ cho dân. Hay là quý vị đã đem mua thẻ xanh, mua
lâu đài, mua trang trại và cho vào trương mục nước ngoài hết rồi.
Trải qua mấy cơn dịch, chưa thấy
cán bộ nào bỏ tiền giúp dân một cắc bạc nào. Chỉ thấy mấy tên lợi dụng cơ hội
mua bán nâng khống giá kiếm tiền. Lại cũng thấy nhiều quan an nhàn vác gậy đánh
golf, hẹn hò tình tự ngoài luồng, ăn nhậu say khướt. Sống chết mặc bây. Tao có
tiền tao có quyền. À mà giờ có tin báo đăng ông bà cán bộ nào đó bỏ tiền túi ra
làm từ thiện, chắc mọi người sẽ không tin đâu nhỉ!
Thời chiến tranh, không có dân lấy
đâu có chiến thắng để có chức tước, tài sản như bây giờ. Khi nắm được chính
quyền có mấy quan còn nghĩ đến dân, đến những người hi sinh thân mình, tài sản
của mình để góp phần làm nên chế độ. Bây giờ, trong cơn hoạn nạn lại đòi lấy
sức dân. Đây là lúc nhà nước thể hiện tinh thần vì dân, lo cho dân hợp tình,
hợp lý nhất.
Từ hồi đại dịch đến nay, biết bao
tổ chức, biết bao cá nhân đã hết lòng với dân nghèo. Một anh thanh niên 30 tuổi
suốt ngày rong ruổi trên mọi nẻo phố để tặng cho những người nghèo hè phố những
ổ bánh mì, những hộp khẩu trang, những chai dầu gió với những lời nói rất chân
tình và vui nhộn.
Khi ca nhiễm mới vẫn không ngừng
tăng cao, số tử vong mỗi ngày một nhiều hơn. Không chỉ chết ở các bệnh viện mà
số người qua đời ở ngay tại nhà cũng rất nhiều. Đa số người chết tại nhà ở
trong các khu lao động nghèo, không có tiền và phương tiện để lo hậu sự và đem
thiêu.
Trong những khó khăn như thế, tình
người và tinh thần đùm bọc lại có dịp phát huy khi gia đình có người qua đời vì
dịch bệnh, nhóm hỗ trợ mai táng 0 đồng của chị Giang Thị Kim Cúc và các cộng sự
đã rong ruổi trên nhiều tuyến đường của Sài Gòn giúp đỡ mai táng cho những hoàn
cảnh không may qua đời trong thời gian này.
Nhóm mai táng 0 đồng sẽ hỗ trợ
trọn gói miễn phí 100% cho những bệnh nhân xấu số mắc bệnh dịch có hoàn cảnh
khó khăn, từ khâu khâm liệm tới lúc mang tro cốt về cho gia đình hay gửi lên
chùa. Có nhìn thấy những clip và hình ảnh công việc của nhóm người ta mới thấy
tình người đẹp biết bao và nhiều người xem họ như Bồ Tát giữa đời thường.
Bất kể ngày đêm, bất kể ở khu vực
nào, khi có cuộc gọi, tất cả đều lên đường. Có nhiều người chết ở trong hẻm nhỏ
chỉ một người qua lọt, có người chết trên tầng trên của một căn nhà chỉ 1.2 mét
chiều ngang. Xác không mang xuống được, cả đội phải kê ván, ghép cây làm cầu
thang ở hành lang để mang xác xuống. Các khâu tìm áo quan, tẩm liệm, đem thiêu
với các thủ tục giấy tờ nhóm đều lo tất cả.
Nhóm của chị Cúc có 5 thành viên
là nữ, và 8 thành viên nam, mỗi người đều được phân một nhiệm vụ khác nhau. Họ
có sợ không? Họ có ngại nhiễm bệnh không? Có chứ! Dù khi bắt tay vào công việc,
ai cũng phải trang bị cho mình bảo hộ đầy đủ để tránh nhiễm dịch bệnh.
Họ thuộc nhiều thành phần khác
nhau, có người kinh doanh, có người tiếp viên máy bay, có người đang làm việc
nhà nước, có kẻ làm ăn tư nhân nhưng họ cùng đồng lòng trong việc lo toan hậu
sự cho những người đã mất. Ai trong nhóm cũng đều nghĩ rằng: “Việc mà chúng
mình làm đều xuất phát từ trái tim” và vì vậy họ không còn sợ hãi khi tiếp xúc
với xác chết, sẵn sàng xông pha để giúp đỡ cộng đồng.
Phan Quế Chi, sinh năm 1996, là nữ
tiếp viên hàng không của Bamboo Airways là một trong số những thành viên nữ của
nhóm mai táng 0 đồng phát biểu: “Những
việc chúng mình làm đều xuất phát từ trái tim, vì từ trái tim sẽ chạm đến trái
tim. Mình rất xót xa khi mỗi ngày chứng kiến quá nhiều sự mất mát, đau thương.
Bởi vậy, mình không nghĩ gì nhiều, cứ thế mà đi thôi, giúp được gì thì giúp,
phụ được gì thì phụ. Mình không đủ sức khỏe để làm các công việc nặng thì mình
sẽ làm những khâu giấy tờ, kiểm đếm vật tư. Mong muốn lớn nhất trong hành trình
này của mình là có thể sát cánh với đồng đội giúp đỡ thêm được nhiều nhiều
người hơn nữa. Ước gì có thể giúp được hết tất cả, mong dịch bệnh sẽ mau qua
trả lại sự bình yên vốn có cho đất nước mình…”.
Xin trân trọng cám ơn các bạn trẻ
với lòng cảm phục vô cùng. Tấm lòng của các bạn như những đoá hoa nở bùng trong
màn đen tối của cơn đại dịch. Sài Gòn đang có những giọt nước mắt nhưng việc
làm của các bạn đã khiến cho những giọt nước mắt đấy bớt bi thương.
Hiện nay ở thành phố không biết
bao nhiêu tổ chức, hội nhóm, cá nhân lặng thầm làm từ thiện. Và SOSmap một bản
đồ từ thiện ra đời như một sợi chỉ nối liền khoảng cách giữa những người khó
khăn dù ở bất cứ nơi đâu trên tổ quốc với các mạnh thường quân luôn sẵn sàng
dang tay cứu nguy.
Dựa trên nền tảng của Google map,
SOSmap đã định vị vị trí của những người cần nhận/ cho, kèm theo một số thông
tin cụ thể như số lượng hàng hóa cần cho/ nhận, cũng như hoàn cảnh của người
muốn nhận. Với sự giúp đỡ của SOSmap, chỉ qua một vài thao tác đơn giản, những
người cần và người cho đã có thể kết nối được với nhau.
Nhờ có SOSMap, các tổ chức từ
thiện dễ dàng tìm thấy những khu vực, những hàng hoá người nghèo đang cần để
đáp ứng một cách thiết thực và khẩn trương nhất. Trong khó khăn dịch bệnh, đã
xuất hiện nhiều sáng kiến tiện lợi và có ích, giúp được cho cộng đồng. Tuy vậy
cũng có những sáng kiến chỉ làm cho cộng đồng thêm rối rắm và cản trở công việc
chống dịch. Khỏi nói ai cũng biết rồi.
Mặc dù SOSmap đã giúp đỡ được rất
nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn vượt qua cơn hoạn nạn bởi sự sẻ chia của
các mạnh thường quân. Tuy nhiên, do số lượng người cần nhận hỗ trợ quá lớn cũng
như hệ thống của SOSmap vẫn đang trong quá trình hoàn thiện nên không thể tránh
khỏi những trường hợp chưa được nhận kịp thời, đầy tiếc nuối.
***
Kết thúc nhật ký hôm nay, xin đăng
một status của một facebook cho thấy trách nhiệm của những lãnh đạo cấp địa
phương vô cùng quan trọng. Hiện nay có nhiều nơi, lãnh đạo cấp phường và tổ
trưởng dân phố vì lười biếng, vì thiếu trách nhiệm, vì sợ lây nhiễm nên không
hoàn thành nhiệm vụ với dân nhiều khi gây hậu quả rất là nghiêm trọng.
CHẾT LÀ ĐIỀU KHÔNG ĐÁNG SỢ, THỜI
GIAN CHỜ CHẾT MỚI LÀ ĐIỀU ĐÁNG SỢ
Cả gia đình 7 người ở giữa lòng SG
(Chung cư Tôn thất Thuyết, số 04 vĩnh hội, phường 4, quận 4 ), tự test nhanh dương
tính từ ngày 11/8 thì báo cáo cho phường nhưng phường không có bất kỳ động thái
gì nên gia đình tự tìm đến Medic Hoà Hảo làm PCR có kết quả hầu như CT<30 là
F0 phải cách ly tập trung theo qui định
Nhưng đưa kết quả PCR cho phường
thì phường cũng im re không hề có bất kỳ động thái gì không giám sát, không
cách ly, không phong toả … Cho F0 tự do đi lại trong khi cả khu vực này F0 rất
nhiều.
Người nhà cũng tự điều trị đến
15/8 thì có Cụ lớn tuổi suy hô hấp và SpO2 chỉ 82% nên đã xử lý thở oxy để duy
trì và song song gia đình vẫn tự liên hệ BV Dã Chiến số 4 (Vĩnh Lộc – Bình
Chánh) đồng ý tiếp nhận nhưng yêu cầu phường phải đẩy số liệu dịch tể học lên
cổng thông tin của hệ thống thì mới nhận b/n được. Phía phường thì nói không
biết cổng gì cả ….và bệnh nhân thì ngày càng thoi thóp …
Khuyên người nhà cứ đưa ngay vào
BV thì chắc chắn sẽ nhận … nhưng người nhà nói b/n yếu quá rồi nên phải có chỗ
chịu nhận mới dám đưa đi – Nghe cũng phải thôi!
“Con gà và quả trứng”: Giữa lòng
SG , biết kêu ai? Hay cứ duy trì thở oxy tại nhà và chờ chết?
Thật sự hết biết?
Càng triển khai mô hình điều trị
F0 tại nhà nhưng phương án back up khi chuyển nặng không rõ ràng, cụ thể cho cả
hệ thống thì đúng là: “ai còn sống trong lúc này chỉ là ơn trời”.
Đúng là trong đại dịch, tất cả là
ơn trời, hên xui.
_____
SAIGON NGÀY PHONG TỎA THƯ40
ĐỖ DUY NGỌC
Mở đầu một ngày
đọc một câu hỏi của cô em nhà báo đăng trên facebook của cô ấy: “Vì sao đi chích ngừa về, nhiều người bị lây
nhiễm?“. Câu hỏi của nhà báo đấy đã báo động cho người ta thấy tình
trạng an toàn tại các địa điểm chích ngừa không được bảo đảm.
Bị giãn cách,
giam mình trong nhà lâu ngày, các ông các bà, các anh các chị hàng xóm, thân
quen gặp nhau liền sáp vào tán chuyện. Lúc đầu thì ngồi đúng khoảng cách quy
định, nhưng rồi từ từ kéo ghế lại gần nhau. Ban đầu còn khẩu trang nhưng nói
chuyện một lúc lại vướng víu quá thế là kéo khẩu trang xuống. Lâu ngày gặp lại,
tay bắt mặt mừng, nói phun hơi thở, nước bọt tùm lum, chỉ cần có người F0 thế
là dính cả đám. Biến thể Delta lẹ như gió, chỉ cần gần gũi 5 giây là có thể lây
nhiễm, đàng này chém gió cả giờ đồng hồ, không lây cũng uổng!
Bộ phận y tế phụ
trách tiêm chủng thì không sát trùng găng tay sau khi tiêm chích cho từng
người, máy đo huyết áp lần lượt người này đến người khác tròng vào, các bộ phận
nhận và kiểm tra giấy tờ liên tiếp tiếp xúc với mọi người mà không sát khuẩn…
tất cả đều có thể gây nhiễm.
Trước đây cũng
đã có lần tôi cảnh báo về tình trạng đội ngũ xét nghiệm không thay găng tay,
không sát trùng tay sau khi ngoáy mũi xét nghiệm. Trong hơi thở của người trước
có thể đã có virus và thế là phát tán cho những người tiếp theo.
Mới đây, trên
phương tiện truyền thông, bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm, Thần
Kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, người chuyên trả lời về virus Vũ Hán cũng đã phát
biểu rằng, khi đi xét nghiệm mà thấy người xét nghiệm cho mình không sát trùng,
không rửa hoặc
không thay găng tay sau khi xét nghiệm cho người trước đó,
thì phải yêu cầu nhân viên y tế làm những thao tác đó trước khi xét nghiệm cho
mình, nếu không thì bỏ về chứ không nên xét nghiệm hoặc lấy nước tạt vào găng
tay của họ. Bỏ về thì được, chứ tạt nước là không ổn rồi ông bác sĩ ơi, loạng
quạng bị ép vào tội chống người thi hành công vụ thì bỏ mẹ.
Điều này cho
thấy việc rất nguy hiểm trong khi đi xét nghiệm cũng như tiêm chủng. Toàn những
sơ hở chết người mà vì sơ suất hoặc vô ý của người thực hiện khiến cho tình
trạng lây nhiễm lan rộng. Chưa thấy có thống kê con số người nhiễm bệnh vì tiêm
chích và xét nghiệm. Nhưng qua thực tế, có lẽ con số này cũng không nhỏ.
Mặc dù chính
quyền thành phố đã áp dụng rất nhiều biện pháp, từ giãn cách, cách ly, phong
toả đến 5 tầng, 3 tầng trong khi điều trị, con số người nhiễm dịch ở thành phố
vẫn không giảm. Nếu người nào theo dõi thường xuyên các con số báo cáo hàng
ngày sẽ thấy rằng trước đây đa số người nhiễm là từ khu cách ly tập trung. Thời
gian gần đây, con số nhiều nhất là ở cộng đồng dân cư. Có nghĩa là khi giải toả
bớt các khu cách ly và cho phép F0 tự cách ly tại nhà, con số nhiễm ở nhà tăng
cao và có thể xem như khó kiểm soát. Và số người tử vong tại nhà cũng tăng
nhiều.
Cơ bản là khi
cho phép cách ly và theo dõi tại nhà, thành phố thiếu nhân lực và điều kiện
theo dõi và có biện pháp cấp thời khi có nguy cơ. Trên giấy tờ, văn bản thì quy
định rất rõ và rất khoa học, nhưng trong thực tế thì bất khả thi. Khi cách ly
tại nhà, đơn vị tổ dân phố, phường xã rất quan trọng vì đó là bộ phận gần người
bệnh nhất. Tuy nhiên, nhiều phường chẳng biết, hoặc chẳng quan tâm đến cái gọi
là thông báo số liệu dịch tể học lên cổng thông tin của hệ thống y tế. Do vậy,
khi một người bệnh đang cách ly tại nhà gặp tình trạng nặng, muốn liên hệ để
đến các bệnh viện mà chưa khai báo với hệ thống này thì sẽ khó được tiếp nhận.
Đó là chưa kể
khó mà gọi được xe cấp cứu. Không chỉ là người bị nhiễm dịch mà ngay cả khi mắc
các bệnh thông thường đi cấp cứu cũng khó được các bệnh viện tiếp nhận. Điển
hình là đêm 13.8, ông N.D. (57 tuổi, quê Trà Vinh, tạm trú tại phường Tân Đông
Hiệp, Tp Dĩ An, tỉnh Bình Dương) được người thân đưa đi cấp cứu tại 5 bệnh
viện, cơ sở y tế do bị bệnh nặng, tuy nhiên không nơi nào tiếp nhận và đưa ra
nhiều lý do khác nhau. Đến rạng sáng 14.8, người thân buộc phải đưa ông D. về
phòng trọ. Sau đó vài giờ thì ông D. đã tử vong.
Tình trạng quá
tải tại các bệnh viện chuyên điều trị virus Vũ Hán là một thực tế. Nhiều hình
ảnh cho thấy bệnh nhân phải nằm ngoài sân, lối đi của bệnh viện giữa nắng và
mưa. Theo Bộ Y tế thì số người nhiễm bệnh ở thành phố phải gấp 4 hay 5 lần con
số được báo cáo. Con số tử vong cũng thế.
Ta thường đọc
trên con số nhiễm bệnh hàng ngày là từ các bệnh viện, rất khó thống kê những
người bị cách ly hoặc tự cách ly. Và con số tử vong cũng lấy từ bệnh viện trong
khi số người chết tại nhà cũng không phải là ít. Xem nhiều hình ảnh và clip của
các nhóm thiện nguyện chuyên đi lo hậu sự cho nhiều người nghèo chết vì virus
tại nhà mới thấy những hình ảnh bi thương.
Thành phố đầy
nước mắt được giấu sau những biện pháp và chỉ thị lạnh lùng. Các lò thiêu xác
của thành phố quá tải, khói trắng tuôn lên suốt ngày vẫn không giải quyết hết.
Báo chí vừa loan tin, một xe tải chở 41 xác chết vì virus chạy về Bến Tre để
thiêu xác vì thành phố không còn chỗ để thiêu. Tình trạng xác chết bị dồn ứ
trong các lò thiêu cũng là có thật. Và như thế chúng ta cũng có thể hình dung
số người chết vì dịch bệnh ở thành phố này trong cơn đại dịch. Có gia đình
trong một ngày chết hết 8 người, xem như chết cả gia đình, còn chuyện một gia
đình mất đi hai, ba người là chuyện thường tình.
Sài Gòn không
còn lạc quan được nữa vì Sài Gòn bây giờ con phố nào, ngõ hẻm nào cũng có người
chết vì dịch bệnh. Hàng dãy hũ tro cốt xếp hàng ở trong đơn vị phụ trách chuyển
hài cốt của người quá cố về với gia đình làm người nhìn thấy xót đau. Thành phố
có hàng trăm nhà đòn nhưng không đóng kịp áo quan. Người ta phải làm quan tài
bằng ván ép hay giấy bìa cứng để đem thiêu. Một ngàn cái áo quan loại đó đã
được chùa Vĩnh Nghiêm giúp cho những gia đình cần đến, chỉ chưa đầy một tuần đã
thấy vơi đi nhiều.
Hôm nay, thành
phố đã công bố mô hình điều trị mới. Đây là lần thay đổi thứ tư kể từ khi đợt
dịch thứ 4 bùng phát. Sau khi tăng từ 3 tầng lên 4 tầng rồi 5 tầng, ngành y tế
quyết định trở lại với 3 tầng điều trị. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất lần này là
thành phố huy động tất cả bệnh viện công, tư trên địa bàn cùng tham gia điều
trị thay vì các cơ sở điều trị riêng như trước đây. Điều vô lý trong mô hình
điều trị cũ là khi các cơ sở điều trị của thành phố quá tải, mở ra cái nào đầy
ngay cái đấy, khiến bệnh viện hoặc các cơ sở điều trị không thể nhận bệnh thì
nhiều bệnh viện trống giường dù có năng lực để chữa bệnh virus Vũ Hán.
Theo kế hoạch
này, thành phố yêu cầu các cơ sở y tế công lẫn tư phải dành tối thiểu 40%
giường bệnh để tiếp nhận và điều trị cho người dịch bệnh. Hi vọng với kế hoạch
mới này, việc xin nhập viện cho bệnh nhân trở nặng bớt khó khăn vì các bệnh
viện điều trị đều quá tải. Với thay đổi này, có thể giảm số ca tử vong, điều mà
người dân đang quan tâm nhất.
Sau gần hai
tháng chống chọi với dịch bệnh, qua nhiều kế hoạch, biện pháp nhưng vẫn chưa
ngăn chận được dịch, hi vọng kế hoạch mới này sẽ giúp thành phố giải quyết được
nạn quá tải ở các bệnh viện và số người trong tình trạng nặng có cơ hội được
sống sót chứ cứ như bây giờ, Sài Gòn bi thương quá đỗi! Ngay bây giờ tình trạng
F0 đang tăng mạnh tại quận 8, quận 1, quận 3, Tân Phú, Bình Tân. Không biết rồi
con số còn tăng bao nhiêu nữa và tình trạng quá tải cũng sẽ tiếp tục chăng? Lo
thật!
Hôm qua 16.8, Sở
Y tế thành phố lại một lần nữa gởi văn bản đến các cơ sở y tế trên địa bàn
thành phố, trong đó yêu cầu tất cả bệnh viện tiếp nhận người bệnh cấp cứu dù có
mắc virus hay không và người bệnh không cần phải xuất trình kết quả xét nghiệm
âm tính hay dương tính mới tiếp nhận.
Cụ thể, theo yêu
cầu của Sở Y tế, người bệnh không mắc virus hoặc chưa xác định mắc virus hoặc
đã mắc virus, bệnh viện phải tiếp nhận, bố trí buồng cấp cứu sàng lọc riêng
biệt, đầy đủ các thuốc cấp cứu, phương tiện và dụng cụ cấp cứu cơ bản.
Thật ra, trước
đây mấy tuần, Sở Y tế cũng đã ra một văn bản với nội dung gần như thế nhưng
nhiều bệnh viện vẫn không tuân thủ khiến nhiều sinh mạng phải chết oan. Tình
trạng trên bảo dưới không nghe trong hệ thống y tế của thành phố đã trở thành
vấn nạn mà người gánh chịu đau thương, mất mát là bệnh nhân.
Không chỉ bên y
tế mà nhiều lãnh vực khác cũng thế. Địa phương nào có lãnh đạo có tâm, có trách
nhiệm, năng nổ phục vụ dân thì nhân dân khu vực đó được hưởng mọi quyền lợi
theo chủ trương của nhà nước. Ngược lại nếu phường, xã, tổ dân phố nào bị điều
khiển bởi những người vô trách nhiệm, quan liêu, xa rời dân, vô nhân thì dân ở
đấy bị thiệt thòi.
Những người đấy
không do dân bầu lên nên đôi khi tiếng nói của dân, quyền lợi của dân họ chẳng
cần quan tâm. Bởi thế nhiều khi trong một quận, một phường mà người dân được
hưởng những phúc lợi hay tiêu chuẩn hoàn toàn khác nhau, chẳng có chút công
bằng nào cả. Nhiều ông quan nhỏ cấp phường, cấp tổ mà đã hống hách, lạm quyền
và vô trách nhiệm. Nhiều khi người dân chẳng biết kêu ai?
Ngày hôm qua 16.8,
Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân nhiễm dịch ghi nhận 315 ca tử
vong tại thành phố. Lưu ý đây chỉ là con số ghi nhận từ các cơ sở điều trị,
không tính số tử vong tại nhà. Vẫn còn u tối lắm, biết bao giờ mới loé chút lạc
quan. Sài Gòn vẫn còn nước mắt.
______
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét