Chủ Nhật, 10 tháng 9, 2017

CẢ NƯỚC CHẤP NHẬN CÁI SAI... -Nguyễn Thông


CẢ NƯỚC CHẤP NHẬN CÁI SAI…

 

Tôi nói cả nước cũng không có gì là quá bởi từ ông chủ tịch nước trở xuống tới đứa dân thường, từ thủ đô hiện đại tới vùng nghèo xa tít, nơi nào cũng giăng đầy băng rôn, trên sân khấu ghi rõ "Ngày khai giảng" (vào hôm qua 5.9) mà không ai có ý kiến gì.


Nhà trường là nơi để tiến hành việc dạy và học. Nơi ấy có cả thầy (giáo viên) và trò (học sinh). Thiếu một trong 2 thành phần đó thì không thành nhà trường. Thầy mà không có trò thì dạy cho ai; trò mà không có thầy thì lấy ai dạy cho mình. Vì vậy, giảng dạy phải đi với học tập, mới là nhà trường. Không được quá coi trọng thành phần nào, công việc nào.


Thế mà suốt bao lâu nay tự dưng nhà chức việc đổi ngày khai trường thành ngày khai giảng. Khai trường tức là mở trường, mở năm học mới của năm đó. Một năm mới cho cả việc giảng dạy và học tập. Gọi khai trường là đúng nhất, nhắc nhiệm vụ của cả thầy và trò. Chứ khai giảng thì chỉ có thầy. Người ta cứ xưng xưng nói với nhau học trò là nhân vật chính, quan trọng nhất của nhà trường, nhưng khi khai trường lại không thèm nhắc tới các em các cháu.


Ngày khai trường còn gọi là ngày tựu trường. Tựu có nghĩa là tới, tựu trường là tới trường lại sau thời gian nghỉ hè. Nhưng tốt nhất cứ gọi là khai trường, vừa dễ hiểu, vừa chính xác.


Chả phải chỉ có tôi riết róng chữ nghĩa tiếng Việt như thế. Đầu tháng 9.1945, cụ Hồ gửi thư cho học sinh nhân ngày khai trường, chính cụ viết "Hôm nay là ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa". Tôi không dám khẳng định cái gì cụ cũng đúng nhưng trường hợp này thì cụ đúng trăm phần trăm. Hồi tôi đi học, cả phổ thông lẫn đại học, chỉ có ngày khai trường. Chả biết ông bá vơ nào tự dưng đổi lại thành ngày khai giảng.


Hôm qua nhiều ông to bà nhớn đi làm long trọng viên dự ngày khai trường, họ đều nhìn thấy tấm bảng chữ "Ngày khai giảng", tôi đồ rằng các ông bà ấy chỉ nhăm nhăm đánh trống, rao giảng dăm ba câu rồi về (đứng đó nóng bỏ mẹ), không ai nghĩ chuyện hậu sinh đã làm sai lời cụ Hồ.


Lạ cái là người xứ này, từ quan đến dân, nhìn thấy rất nhiều cái sai nhưng cứ lặng lẽ, dễ dàng chấp nhận. Có khi còn tặc lưỡi "vẽ chuyện, nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ". Chả trách khổ là phải. 


Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét