Thứ Năm, 12 tháng 11, 2015

ĐIỂM MẶT MẤY TÊN "ĐỆ TỬ" CỦA HẠC TẤT VÀ PHONG YÊU


   Loại trừ được hai “gã nằm vùng” Hạc Tất và Phong Yêu, thật là nhẹ nhõm phải không quý thi hữu? Lòng đã thư thái , hân hoan tha hồ ngâm đọc những áng Đường luật mà chúng ta vừa mới sáng tác. Nhưng đôi khi vẫn còn những chỗ gây nên sự ngang giọng ! Tuy không rõ rệt như hạc tất , phong yêu, song chúng ta vẫn cảm thấy tiềm ẩn đâu đó vài “kẻ” giấu mặt nào nữa, chứ không phải đã hết! Vâng, đúng vậy. Đó chính là mấy tên “đệ tử” của phong yêu và hạc tất, mà “tên đệ tử” đầu tiên chúng ta phải điểm mặt là : LỖI TIẾT NHỊP.

 

1_LỖI TIẾT NHỊP:

   Ngoài âm vận, thanh độ,  một bài thơ còn đòi hỏi tiết nhịp nữa thì ngâm đọc mới thanh thoát và êm tai. Thơ Thất ngôn bát cú là một thể thơ có tiết nhịp được quy định rất rõ ràng. Mỗi câu gồm 7 chữ, được phân chia thành 3tiết nhịp: 2/2/3. Thí dụ :

Lom khom/ dưới núi/ tiều vài chú

Lác đác/ bên sông/ rợ mấy nhà

   Cho nên nếu ta không tuân theo quy định này, thì chắc chắn  khi ngâm đọc sẽ bị “vướng” …họng

   Sau đây là một vài thí dụ mắc lỗi tiết nhịp :

“Trăng thờ  thẫn ngậm tiếng sương đêm”

“Ơi huyền nhiệm cõi kiết đông tề”

“Đông rét buốt lên tới cỡ nào”

Hay:

“Trăng vằng vặc đọng ánh sương phơi”

   Khi đọc mấy câu này, chúng ta thấy  không thể ngắt đoạn giữa chữ thứ 2 và chữ thứ 3 của câu được. Vì chữ thứ 2 và chữ thứ 3 bản chất là những từ kép, khi đọc riêng thì mất nghĩa, mà đọc liền  để đủ nghĩa thì vấp lỗi tiết nhịp ngay !!Thế nên nói đây là “tên đệ tử” ruột của hạc tất và phong yêu thì chẳng sai chút nào…

   Tên thứ hai cần điểm mặt nữa là :LỖI KHỔ ĐỘC

2_LỖI KHỔ ĐỘC:

   Hẳn rằng đã là người sáng tác văn thơ, thì chắc chẳng ai mà không biết câu :

Nhất, tam, ngũ bất luận

Nhị, tứ, lục phân minh

   Vâng trong thơ thì chữ thứ nhất , thứ ba và thứ năm của một câu thường được phép bất luận.  Chúng có thể thoải mái tung hứng với luật bằng trắc . Nhưng trong thực tế điều này chỉ đúng trăm phần trăm  với thể  thơ khác như thơ Lục bát mà thôi. Chứ với Thất ngôn bát cú thì không phải hoàn toàn như vậy. Chữ thứ nhất của mỗi câu thì có thể bất luận hoàn toàn, chứ còn chữ thứ ba và năm thì coi chừng bị mắc vào lỗi Khổ độc ngay.

   Theo định nghĩa Lỗi khổ độc  (tức là lỗi khó đọc) thì nó xảy ra khi:

_Chữ thứ ba của câu chẵn đáng lẽ là bằng mà đổi thành trắc thì bị mắc lỗi khổ độc

_Chữ thứ năm của câu lẻ đáng là bằng mà đổi thành trắc thì sẽ bị khổ độc.

   Và trong kinh nghiệm thực tế, thì chỉ có chữ thứ ba ở câu chẵn mà đổi bằng thành trắc thì đúng là mới mắc lỗi khổ độc. Nhưng còn riêng chữ thứ năm thì không phải chỉ ở câu lẻ thôi đâu, mà ở cả các câu  chẵn hoặc  cả khi đổi từ trắc thành bằng cũng có thể bị khổ độc luôn

Thí dụ : Ta thử sửa một số chữ thứ 5 từ bằng thành trắc ở các câu lẻ, trong bài thơ Qua Đèo Ngang xem sao:

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang , bóng xế tà

Cỏ cây chen lá , đá chen hoa

Lom khom dưới núi TRẮC vài chú

Lác đác bên sông rợ mấy nhà

Nhớ nước đau lòng TRẮC quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Dừng chân đứng lại,TRẮC non nước

Một mảnh tình riêng ta với ta.

Bà Huyện Thanh Quan

 

   Rõ ràng đọc lên chúng ta thấy không ổn đúng theo định nghĩa của lỗi khổ độc phải không quý vị. Bây giờ chúng ta thử đổi các chữ thứ năm từ trắc thành bằng ở các câu chẵn xem sao:

QUA ĐÈO NGANG

 

Bước tới đèo Ngang , bóng xế tà

Cỏ cây chen lá , BẰNG chen hoa

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông BẰNG mấy nhà

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng BẰNG gia gia

Dừng chân đứng lại,trời non nước

Một mảnh tình riêng (ta) với ta.

          Bà Huyện Thanh Quan

 

  Chúng ta đọc thấy cũng không ổn. Chỉ riêng có trường hợp của chữ thứ năm của câu cuối  (chữ “ta”), chính tác giả đã đổi từ trắc thành bằng là êm ru   mà thôi.

   Riêng theo kinh nghiệm bản thân lão Cao Bồi Già tôi sau nhiều thời gian tìm hiểu cũng rút ra được bài học :  CHỈ CÓ MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP RIÊNG LẺ, CHỮ THỨ  5 CỦA CÂU ĐẦU, CÂU THỨ HAI  VÀ CÂU CUỐI, ĐÁNG LẼ LÀ TRẮC TA ĐỔI THÀNH BẰNG MÀ KHÔNG GÂY LỖI KHỔ ĐỘC ( NẾU 3 CHỮ CUỐI CÂU THỎA ĐIỀU KIỆN HÒA HỢP GIỮA CÁC ÂM TRẦM BÌNH THANH, BÌNH THANH VÀ ÂM TRẮC) MÀ THÔI. CÒN CÁC TRƯỜNG HỢP THÔNG THƯỜNG THÌ CHỮ THỨ 5 KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM SAI LUẬT BẰNG TRẮC. NẾU KHÔNG SẼ BỊ LỖI KHỔ ĐỘC NGAY.

   Vì thế chúng ta nên giữ nghiêm luật bằng trắc của các chữ thứ năm trong mỗi câu để tránh cái lỗi khổ độc này. Ngoài ra còn một vài trường hợp nữa cũng gây nên lỗi đọc ngang như :

_Hai chữ cuối câu cùng trầm bình thanh (tức là cùng mang dấu huyền) mà không đồng âm , thì cũng có thể gây nên sự ngang giọng  khi ngâm đọc.

_Một trường hợp nữa cũng có thể xảy ra chuyện đọc không được êm xuôi, đó là: Khi chữ cuối cùng câu đầu mang dấu huyền (trầm bình thanh_ rồi, mà chữ cuối câu thứ hai cũng lại tiếp tục mang dấu huyền.  Nhưng 2 trường hợp sau cùng này chỉ bị rất nhẹ .

   Vài điều mà gã Cao Bồi Già với chút kiến thức hạn hẹp này xin mạo muội trao đổi cùng bạn đọc. Rất mong những quý vị cao minh hơn chỉ giáo thêm, để  mỗ tôi có dịp được học hỏi. Xin đa tạ…

CAO BỒI GIÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét