Thứ Năm, 22 tháng 3, 2018

KHÉO CHỐNG...


KHÉO CHỐNG…


Hỏi quan biệt phủ ở đâu ra?
Lưỡi dẻo: nuôi heo, phất ấy mà…
Hiểu rõ, thanh tra đành …hích hích
Nghe qua, dân chúng phải …ha ha
Thôi thu ít bạc anh em vậy…
Không lẽ cạn tình đồng chí a…
Bỗng chốc của dơ thành của …sạch
Ô hô! Lại nhũng sướng chi a…
CAO BỒI GIÀ
22-03-2018


BÀI HỌA:


KHÉO CHE...


Quan chức xứ mình tốt thật a !
Tra hoài tham nhũng, chẳng mò ra
Mồm to, miệng dẻo...bao che hết
Thế lớn , quyền cao, quyết dọn mà
Biệt phủ vài căn ...đâu đáng nhỉ ?
Nhà lầu mấy dãy...có chi ha ?
Phen này đánh thuế "qua loa " nhé
Hợp pháp gia tài...bác khoái a !
Thy lệ Trang 


ĐỒNG HỌA:


KẾ HAY


Cũng phải đau đầu mới nghĩ ra
Giơ cao đánh khẽ, mánh đây mà
Ăn chia đã lắm, sao lơ được ?
Sống chết vẫn cùng, nỡ bỏ a ?
Phép nước nghiêm minh, quy định đấy
Tình thân thắm thiết, cảm thông a 
Dinh cơ tham nhũng hàng bao tỷ
Hợp pháp cái vèo, sướng quá ha !
Sông Thu

Theo báo Dân Trí (12-03-2018):
Đánh thuế 45% tài sản “bất minh”: Khoác áo “hợp pháp” cho tài sản tham nhũng?
Dư luận chưa hết bức xúc xung quanh việc biệt phủ xây dựng không phép của Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Yên Bái, nhất là chứng minh nguồn gốc tài sản. Việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức liệu có phải sẽ khoác cho tài sản tham nhũng một cái dấu “hợp pháp”?
TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với “Góc nhìn chuyên gia” của Dân Việt xung quanh quy định truy thu 45% tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức vừa được bổ sung tại dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi).

Chính phủ vừa đề xuất đưa quy định truy thu thuế thu nhập cá nhân ở mức 45% đối với tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, kê khai không trung thực vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi. Dư luận đang rất băn khoăn về căn cứ để đưa ra đề xuất nói trên. Ông có thể chia sẻ quan điểm cá nhân về điều này?
- Có thể thấy, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức. Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức.
Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cuối năm 2017 vừa qua, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen.
Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn “vướng ngang, vướng dọc”. Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện, thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần.
Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có “tài sản khủng” thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể.
Có thể xuất phát từ quan điểm “phải có quy định nào đó để thu hồi được càng nhiều càng tốt” nên đề xuất đánh thuế 45% đối với tài sản chưa rõ nguồn gốc, hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý đã được đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi lần này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét