Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Giới Thiệu Tuyển Tập Thơ : NHÂN SINH BÁCH NGHỆ

      NHÂN SINH BÁCH NGHỆ

Tác giả : BÓNG TÀ DƯƠNG và CAO BỒI GIÀ

     LỜI PHI LỘ
Nhân sinh bách nghệ, câu thành ngữ chữ Nho đã trở thành ngôn từ thông dụng bình dân trong cả nước. Không ai phủ nhận, trước và sau đã có hàng ngàn ngành nghề phục vụ nhu cầu sống quần thể tạo thành xã hội, kẻ làm cơm ăn duy trì đời sống trường tồn, người tạo áo mặc nhu cầu phát triển tiến hóa văn minh, và bao ngành nghề tiếp nối, đưa con người trở thành động vật có trí khôn độc nhất vô nhị khắp vũ hoàn, làm bá chủ muôn loài trên trái đất.
Người xưa đề cập đến sĩ nông công thương, bốn giới tượng trưng trong giai tầng xã hội, bốn bậc chính đã phát triển ra bao loại ngành nghề khác nhau, mà mỗi nghề đều có kỹ thuật tinh xảo  riêng, người không yêu lao động làm sao có thể lao tâm khổ trí, miệt mài tìm hiểu sâu xa, tạo ra của cải chính mình và làm giầu đất nước.


Có những nghề nòng cốt thiết yếu không thể không có, bắt buộc hiện diện để sinh tồn, có những nghề phục vụ nhu cầu hạnh phúc ấm no phát triển xã hội, lại có những nghề tự phát cá nhân biến thiên do tiền bạc chi phối. cả một guồng lớn hoạt động kéo theo nhiều chi tiết phụ tùng rắc rối…

 

Tập thơ 360 bài do Bóng Tà Dương và Cao Bồi Già đồng sáng tác, theo thể Đường Luật loại thất ngôn bát cú, gói ghém ghi lại từng ngành nghề gởi đến độc giả. Về hình thức đọc để thưởng lãm một áng thơ tưởng chừng như mai một, ít người cầm bút còn quan tâm, ước mong làm sống lại một tinh hoa ngôn ngữ. Về nội dung gói ghém từng ngành nghề đã và đang tồn tại trong xã hội, ca ngợi khối óc bàn tay con người miệt mài lao động, tạo nên bao nhu cầu hạnh phúc nhân sinh, cảm ơn giúp đỡ nhau đồng hành trên cõi đời mỗi người mỗi việc…

 

Tập sách có giới hạn không đủ kê khai hết, chỉ trình bày một số ngành nghề tiêu biểu, tác giả đã kinh qua và cảm hứng, nên dĩ nhiên còn thiếu, rất hy vọng người đọc thư giãn cảm thông cổ xúy, để chúng tôi phấn khởi tiếp tục sáng tác trong lần tới.

 

Bóng Tà Dương và Cao Bồi Già

 

Thưa quý độc gi!

  Quý Vị đang cầm trên tay tập thơ này. Toàn bộ gồm 360 bài thơ Đường thể loại Thất Ngôn Bát Cú, thế nên chúng tôi xin mạo muội trình bày sơ qua quy tắc hình thức cấu tạo, giúp ta đọc để thưởng thức trọn vẹn cái hay và thú vị  của một thể thơ đã tồn tại cả ngàn năm.

ĐÔI NÉT VỀ THẤT NGÔN BÁT CÚ

 Thất Ngôn Bát Cú là thể thơ khá độc đáo và được yêu chuộng nhất trong các thể loại thơ Đường.

A.   TỔNG QUÁT

I . BỐ CỤC :

Một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ được chia ra  làm 4  phần:

 1- Mạo: là mào đầu (vào bài) còn gọi là Đề, gồm:

- Phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề.

- Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống.

2- Thực hay Trạng: gồm câu 3 + 4: giải thích, khai triển tựa đề.

3- Luận: gồm câu 5+6: bàn luận ý nghĩa của bài.

4- Kết: gồm câu 7+8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm, thái độ.

II. VẬN :

   Các chữ cuối câu thứ 1,2,4,6,8 phải vần với nhau

III. ĐỐI :

Đây là điều thú vị và khó nhất của thể thất ngôn bát cú.

  Hai câu Thực và Luận phải đối nhau( câu 3 đối với câu 4; câu 5 phải đối với câu 6  )

Quy tắc đối :

   -Đối Ý : đồng hoặc nghịch nghĩa

   -Đối từ : Danh từ đối danh từ ; động từ đối với động từ ; tính từ đối với tính từ….

   -Đối hình ; đối thanh

Nhưng không chỉ có thế.Thất Ngôn Bát Cú còn rất nhiều Niêm Luật khắt khe và chặt chẽ. Nếu bạn yêu và muốn làm thơ thể loại này,  thì mời tìm hiểu sâu hơn :

B.   NIÊM LUẬT

I.                  KHÁI NIỆM :

Thanh âm Việt ngữ chia thành 2 loại vần: TRẮC và BẰNG

_VẦN BẰNG: là các từ mang dấu huyền và không dấu

_VẦN TRẮC : là các từ mang dấu sắc ,hỏi,ngã, nặng

_VẦN CỦA BÀI : Trong TNBC mỗi câu có 7 chữ. Căn cứ vào hữ thứ hai của câu đầu tiên mang vần nào, thì chính là khóa vần của bài

II.               NIÊM :

Niêm có nghĩa là dán

·     Câu 1 phải niêm với câu 8, có nghĩa là nếu câu 1 có vần của câu là bằng thì vần của câu 8 cũng phải là bằng; ngược lại nếu là trắc thì đều phải là trắc

·       Câu 2 niêm với câu 3

·       Câu 4 niêm với câu 5

·        Câu  6 niêm với câu 7

Nếu một bài thơ mà không giữ đúng luật này thì gọi là Thất Niêm

III.           LUẬT VẦN :

Trong một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú mỗi từ đều phải tuân theo luật vần đã được qui định bắt buộc .

Có 2 bộ Luật Vần : BẰNG và TRẮC căn cứ vào vần của câu đầu bài thơ

Nay liệt kê các luật thơ thông dụng như sau (b= tiếng bằng; t = tiếng trắc; v - tiếng vần; - những chữ in lối nghiêng là phải theo đúng luật; những chữ in thường thì theo đúng luật hoặc không theo đúng luật cũng được,( theo cái lệ “bất luận”) :
1). LUẬT BẰNG - VẦN BẰNG

   B B t T t B B (v)

   T T b B t T B (v)

   T T b B b T T

   B B t T t B B (v)

   B B t T b B T

   T T b B t T B (v)

   T T  b B b T T

   B B t T t B B (v)

2). LUẬT BẰNG - VẦN TRẮC :

  t T b B t T B (v)

   b B t T t B B (v)

  b B t T b B T

  t T b B t T B (v)

  t T b B b T T

  b B t T t B B (v)

  b B t T b B T

  t T b B t T B (v)

Nếu chữ nào quy định là bằng mà lại đặt là trắc, hay quy định là trắc mà lại đặt là bằng thì gọi là thất luật.

Tuy nhiên ta có thể áp dụng nguyên tắc :”Nhất ,tam,ngũ bất luận “ tức là chữ thứ  nhất, thứ ba , thứ năm của mỗi câu có thể tự do miễn là không tạo lỗi khi ngâm đọc.

IV.           LUẬT VẬN :

Như đã nói ở phần TỔNG QUÁT ,các chữ cuối các câu 1,2,4,6,8 phải vần với nhau

- Chính vận: các vần có cùng âm sắc liền nhau (nhà, xa, gà, hoa, ta… )

- Thông vận: “các vần có âm sắc gần nhau (đời, ôi, soi, người, tôi…)

Nếu bài thơ không giữ được điều này thì gọi là Thất Vận

V.               LUẬT ĐỐI :

Như đã nói ở phần TỔNG QUÁT:2 câu Thực là cặp câu đối; 2 câu Luận cũng vậy

Đối phải đối ý, đối từ, đối thanh, đối hình, đối láy, đối điệp…

Nếu bài thơ đối không chuẩn thì gọi là Thất Đối , đây là bệnh nặng nhất của TNBC

VI.           MỘT SỐ LUẬT KHÁC :

1.     TIẾT NHỊP :

Một câu thường được ngắt nhịp như sau :2-2-3

Nếu viết không theo luật này thì bài thơ sẽ hỏng khi ngâm đọc

2.     HẠC TẤT,PHONG YÊU :

Có nghĩa là Gối Hạc, Lưng ong

Lỗi Hạc tất khi  chữ thứ 4 trong một câu cùng dấu với chữ thứ 7 câu đó

Lỗi Phong yêu khi chữ thứ 2 cùng dấu với chữ thứ 7 câu đó

Tuy nhiên đây được xem như bệnh ngoài da, có thể châm chước, trừ một số trường hợp đọc lên không ổn thì hỏng bài thơ

3.     KHỔ ĐỘC :

        Trong bài thất ngôn, chữ thứ 3 các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ, đáng là bằng mà đổi ra trắc gọi là khổ độc (nghĩa là khó đọc)

-----oOo-----

   Đôi nét sơ lược nêu trên tuy rằng hạn hẹp nhưng mong rằng Quý Vị có những giờ phút tâm đắc với tập thơ NHÂN SINH BÁCH NGHỆ bé nhỏ này.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét