Giới thiệu Thơ Cao Bồi Già
Nếu quý vị học Trung Học ở Việt Nam, quí vị và tôi đã được dạy về thơ Đường Luật Thất Ngôn Bát Cú: Nào là thơ của Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, bà Huyện Thanh Quan, trẻ trung hơn lúc đó có nhà thơ nữ Hồ Xuân Hương.... Mới đầu tôi không thích các bài thơ quy luật gắt gao rất khó làm này, sau này già hơn mới biết quý. Đến bây giờ tôi vẫn còn thuộc lòng một ít bài, bạn còn thuộc và đọc được bài nào không? Chẳng hạn: “Đường mây rộng thênh thang cử bộ, nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo”, hay “Bước tới đèo ngang bóng xế tà …”
Đặc điểm của thơ văn ngày xưa là phải đối cho chỉnh. Ông Cao Bá Quát đã thoát nạn khi ứng khẩu đối ngay câu: "Nước trong leo lẻo, cá đớp cá" bằng câu: "Trời nắng chang chang, người trói người" và đã được vua tha tội.
Bà Đoàn thị Điểm thì nổi tiếng với câu "Da trắng vỗ bì bạch", câu này đến nay vẫn chưa có ai đối được thật chỉnh.
Gần đây, chúng tôi nhận được hai tác phẩm thơ Đường Luật của tác Giả Cao Bồi Già, và xin phép được giới thiệu hai cuốn sách quý này với các bạn.
Cao Bồi Già tên thật là Vũ Quang Huy, hiện đang sống ở Cali, là người bạn thơ rất thân thiết với chúng tôi, sinh hoạt trong nhóm Viết Cho Nhau. Nhóm gồm chừng 20 người cùng nhau chia sẻ vui buồn, các sáng tác mới. Không may, Huy bị bệnh tiểu đường rất nặng rồi mù 2 mắt khi còn khá trẻ. Huy có một cô em gái tên là Vũ Thủy làm thơ cũng rất hay nhưng cũng phải khiếm thị vì tiểu đường, nhưng hai anh em luôn vui vẻ, chiến đấu với hoàn cảnh, giúp người gặp khó khăn, và sáng tác nhiều. Họ khiếm thị nhưng viết email, trả lời Facebook rất rõ ràng, không có lỗi chính tả, trong khi chính tôi sáng mắt mà nhiều khi sai lỗi lung tung.
Cuốn số một tựa đề là Thơ Cao Bồi Già gồm hơn 150 bài thơ đường luật, đặc biệt là phần thơ trào phúng, và thơ xướng họa đối ẩm với các tác giả khác. Cuốn số hai tựa là “Nhân Sinh Bách Nghệ”, viết chung với tác giả có bút hiệu Bóng Tà Dương, gồm 360 bài thơ nói về các loại nghề nghiệp, cách sinh nhai, kiếm tiền trong cuộc sống.
Bóng Tà Dương tên thật là Bùi Nghiệp, anh Nghiệp vừa mới mất ngày 23 tháng 12, 2020 sau một cơn đột quỵ, hưởng thọ 70 tuổi. Anh ra đi trong lúc tập thơ Nhân Sinh Bách Nghệ đang được chuẩn bị xuất bản, tức là anh chưa được nhìn thấy đứa con tinh thần này.
Bóng Tà Dương Bùi Nghiệp vốn là bạn đồng niên và đã từng học ở chủng viện để trở thành linh mục, cùng lớp ở chủng viện Long Xuyên với các Đức Giám Mục Ngô Quang Kiệt và Đức cha Vũ Duy Thống. Tuy anh đã xuất về sống bậc gia đình nhưng vẫn còn liên lạc rất mật thiết với hai đức cha, nhất là khi Đức cha Thống đặc trách Ủy ban Văn hóa của Hội đồng Giám mục VN, thì anh Bùi Nghiệp đã hợp tác và hoạt động rất khắn khít với Đức cha Thống. Anh viết rất nhiều thơ đạo Công Giáo và thuộc loại thơ cổ ... Anh rất giỏi nhạc, họa và thi phú thì là bậc thầy, chính anh là sư phụ dạy Vũ Quang Huy viết Phú và Hát Nói.
Trước khi anh ra đi đã để lại bài văn tế viết sẵn cho mình, rất cảm động
Anh đã mất tại Saigon và được gia đình đưa về an táng tại quê nhà Long Xuyên.
Xin được trích dẫn vài câu đầu trong bài Văn tế này:
Bào ảnh mấy vầng;
Phù vân một kiếp.
Đôi ngả âm dương;
Hai vừng nhật nguyệt.
Thuyền tồn vong cập bãi tha ma;
Xe sinh tử dừng bờ mộ huyệt.
Tang điền nhất đán viễn phương;
Thương hải ba sinh hồ điệp.
Xin mời quý vị ghé xem trang blog bị bỏ dở của anh:
http://bongtaduong.blogspot.com
Đặc biệt tác giả Bùi Nghiệp sáng tác nhiều bài thơ Xuôi Ngược. Tức là bắt đầu bài một từ đầu đến cuối, xong đọc ngược lại từ cuối lên đầu, mà vẫn hay, vẫn ý nghĩa. Sẽ tốn rất nhiều thì giờ, tim óc để viết được các bài thơ Xuôi Ngược này, đây cũng là một trong những cái hay, cái đẹp của tiếng Việt, cần được bảo tồn, phát triển.
Thơ Thất Ngôn Bát Cú, nói chung ngày nay đang bị mai một, ít người cầm bút còn quan tâm, sáng tác. Về nội dung cuốn Nhân Sinh Bách Nghệ gói ghém từng ngành nghề đã và đang có trong cuộc sống thực tế, với cái nhìn tinh tế, có khi khôi hài, 360 bài thơ đã nói lên lời cảm ơn cuộc sống đã có những người giúp đỡ nhau đồng hành trên cõi đời mỗi người mỗi việc, từng công việc, thành phẩm như đĩa bánh cuốn, kẹo mạch nha, người phu thợ hồ, nhà văn, M.C giới thiệu chương trình, nha sĩ, mụ đỡ tức là y tá giúp phụ nữ sanh con. 360 loại ngành nghề rất đặc biệt, kể cả nghề rút hầm cầu, khoan cắt bê-tông, làng ăn mày, nghề trồng cà-phê, nghề thông ngôn tức là thông dịch viên từ tiếng nước này qua nước khác …. cũng được nhắc tới qua thể thơ đường luật cổ điển này.
Trong bài viết ngắn này chúng tôi không thể kê khai hết 360 chủ đề, chỉ xin giới thiệu nét chính và mời quý vị yêu thơ, yêu chữ nghĩa thánh hiền tự đón xem và khám phá. Chúng tôi đã chuyển 2 cuốn sách trên thành sách điện tử, có thể tìm đọc khi tìm từ khoá “Cao Bồi Già” trên Google. Sách Nhân sinh Bách Nghệ cũng được bán trên Amazon dưới dạng sách điện tử và cả sách in. Xin mời vào Amazon và search: book Nhân sinh bách nghệ là có thể mua online.
http://thocaoboigia.blogspot.com/
Hai tác giả Bùi Nghiệp bút hiệu Bóng Tà Dương và Vũ Quang Huy bút hiệu Cao Bồi Già đã chung tay viết một tập thơ lạ: “Nhân Sinh Bách Nghệ”.
Hình thành một tập thơ trữ tình lãng mạn có lẽ không khó bằng diễn tả hàng trăm nghề nghiệp trong cuộc sống hôm nay.
Tập thơ “Nhân Sinh Bách Nghệ” của Bóng Tà Dương và Cao Bồi Già không khô khan khó nuốt, dù hai vị thi sĩ diễn tả bằng thơ Đường Luật, ngược lại đọc đến đâu là sảng khoái và thú vị với nhân sinh, với tấm lòng yêu người yêu đời đến đấy.
Bây giờ xin cùng đọc bài thơ tự họa để hiểu về tác giả Cao Bồi Già, cái bút hiệu xem ra rất ngông, nhưng ngược lại tác giả lại là người hết sức hiền lành, dễ mến, đạo đức, mến Chúa yêu người, lo cho gia đình, vợ con, quan tâm đến xã hội, muốn cuộc sống tất cả mọi người đều luôn được tốt đẹp hơn.
ĐÔI VẦN TỰ HỌA
Họ tên thường gọi Vũ Quang Huy
Vo chữ thành thơ xả nghĩ suy
Bắt chước Tú Xương khoa khẩu phách
Học đòi Nguyễn Khuyến xướng văn thi
Ngông ngao bạn quở “Cao Bồi” quá
Lẩm cẩm đời chê “Cụ Lão” chi
Ai ghét, ai thương mình đón nhận
Đã vào xin chớ vội quay đi !
CAO BỒI GIÀ
Cũng xin mở ngoặc tác giả có riêng một trang blog, mời quý vị vào đọc:
http://thocaoboigia.blogspot.com
Bây giờ chúng tôi xin trích đăng vài bài thơ tiêu biểu trong 360 bài thơ giới thiệu 360 nghề đang được biến diễn chung quanh ta, từ thượng lưu trí thức đến bình dân lao động. Đầu tiên xin xem tác giả diễn tả “nghề” làm thơ, tức là Thi Sĩ như thế nào:
THI SĨ
Gạn lắng câu từ lọc chất thơ
Con tằm kéo kén nhả làn tơ
Tinh hoa ngôn ngữ tươi vô kể
Cốt tủy văn chương đẹp bất ngờ
Tâm sự cùng mây lời trí tưởng
Thầm thì với gió tiếng lòng mơ
Ngân nga âm hưởng rung thần thánh
Trao tặng nhân gian chút sững sờ.
Bóng Tà Dương
TÀI XẾ
Đời vẫn gọi vui: Bớ bác tài
Đi đâu phải ới chứ nhờ ai
Vô lăng tay khiển không xiên lệch
Ga thắng chân điều chẳng nhịp sai
Hàng hóa chuyển đưa về phố thị
Khách du đón rước vượt đường dài
Tọa yên, mắt láo liên quan sát
Muôn dặm ngày đêm chạy miệt mài.
Cao Bồi Già
Sức khoẻ hết sức quan trọng, người chăm sóc sức khoẻ cho người khác chính là bác sĩ, một nghề nghiệp mà người Việt mình rất đề cao và mong con cháu được học thành nghề này:
BÁC SĨ
Bác sĩ độ nhân khỏi phải bình
Là nghề cao cả được tôn vinh
Sờ gan, nghe phổi tìm phương thuốc
Nghiệm máu, đo tim đoán bệnh tình
Chữa kẻ yếu đau mau lại sức
Cứu người nguy cấp gấp hồi sinh
Trẻ con thấy bác là la khóc
Lại khoái chơi trò… giả khám tim!
Cao Bồi Già
Vũ Quang Huy đã rất tinh tế, nói lên cái phức tạp, mâu thuẩn trong cuộc sống, các em thấy bác sĩ thì sợ, sợ bị chích đau, sợ bị mổ xẻ, nhưng trẻ em lại thích chơi trò giả làm bác sĩ, quả là sự mâu thuẩn luôn có trong cuộc sống. Ai cũng sợ đắng cay, nhưng lại thích ăn ớt, ăn rau đắng…
Đặc biệt là phần thơ Xướng Hoạ, tức là một tác giả bắt đầu, rồi người sau hoặc người sau nữa phải họa lại cho đúng vần điệu, thêm ý nghĩa cho bài xướng khởi đầu, xin mời quý vị cùng đọc hai bài, bài đầu do Tản Đà sáng tác:
NHỚ MỘNG
Giấc mộng mười năm đã tỉnh rồi,
Tỉnh rồi lại muốn mộng mà chơi.
Nghĩ đời lắm nỗi không bằng mộng,
Tiếc mộng bao nhiêu dễ ngán đời.
Những lúc canh gà ba cốc rượu,
Nào khi cánh điệp bốn phương trời?
Tìm đâu cho thấy người trong mộng,
Mộng cũ mê đường biết hỏi ai ?
TẢN ĐÀ
Sau đó, Vũ Quang Huy đã xin phép được hầu hoạ:
TIẾC MỘNG
Biết mộng là mơ, rõ lắm rồi
Mà lòng vẫn tiếc muốn mơ chơi
Vì khi mộng mị là quên lụy
Quả lúc chiêm bao cũng sướng đời
Tối nọ đã từng nghe tiếng Bụt
Đêm nay cố thử hỏi oai Trời
Mong đừng đứt mộng…mà lai tỉnh
Lại thức nhay dầm những khổ ai !
Cao Bồi Già
Ngoài thơ Đường, Cao Bồi Già cũng làm một số bài thơ theo thể ngũ ngôn, tức là thơ năm chữ, hoặc thơ lục bát hay thơ mới không gò bó theo quy luật, chẳng hạn bài:
TRỜI CHO, ĐỜI LÀM
Trời sinh đôi hốc mắt
Để chứa cả biển sầu
Khi ràn rụa nước mắt
Biển cạn hay thêm sâu ?
Trời cho đôi vai nhỏ
Để gánh khối nợ đời
Nợ đời đầy tân khổ
So vai, có chia đôi ?
Trời sinh đôi chân ngắn
Sải hết chặng trần gian
Gian nan ngàn con chắn
Chọn đường, tội đôi chân ?
Trời cho con tim đỏ
Đập nuôi nhịp đớn đau
Đời đâm cho máu đổ
Nên nhồi chậm hay mau ?
CAO BỒI GIÀ
Nói chung, thơ Cao Bồi Già đầy tình nhân ái, sự quan tâm đến từng góc cạnh trong cuộc sống. Thí dụ trong bài diễn tả người thợ hàn, tác giả đã mở đầu bằng câu “Đom đóm to chi sáng lập loè”, vâng, ánh sáng tỏa ra khi hàn chẳng khác gì ánh sáng của loài đom đóm ở quê.
Trong bài tả về nghề Kế Toán, Cao Bồi Già đã viết:
“Giải trình báo cáo cùng khai thuế,
khuất tất mưu mô quyết chẳng màng”
Với cái tâm hiền lành, trung thực, Cao Bồi Già đã diễn tả và kêu gọi người khai thuế đừng gian lận, đừng mưu mô xảo trá. Nếu trong cuộc sống, nghề nào cũng được làm hết cách, hết lòng phục vụ xã hội, không gian dối như trộn hoá chất độc hại vào thức ăn, làm sản phẩm giả thì cuộc sống sẽ đẹp hơn biết bao.
Trong bài thơ nói về người làm nghề bơm xăng, Cao Bồi Già miêu tả rồi kết luận:
Lắm lúc đông xe, xoay túi bụi
Nhiều khi vắng khách, đứng mơ màng
Tận gan nỗi khổ nào ai biết
Thèm thuốc đành kiên kẻo mất làm!
Quả vậy, nghề bơm xăng cho xe này lương không cao, mà phải tránh lửa gây hỏa hoạn nên không được hút thuốc, thế mới biết nghề nào cũng quý, cũng có cái khổ của nó.
Trong cuốn thơ Cao Bồi Già, tác giả đã có những buổi sáng uống cà-phê một mình:
Buổi sáng cà phê uống một mình
Gà lười chẳng gáy đón bình minh
….
Khói thơm ngát vị cà-phê nóng
một nụ cười vui, tớ tặng mình
Ừ nhỉ, nếu cuộc sống nghiệt ngả nhiều thử thách, thiếu tiếng gà gáy, tiếng chim hót, thì hãy vui với những gì mình có được, bằng cách chính mình tặng cho mình một nụ cười để bắt đầu một ngày mới, để có năng lực mà phấn đấu, mà làm việc.
Riêng về thể thơ trào phúng, xin mời cùng cười với Cao Bồi Già trong bài “Đừng Dại Ngu”
Hút thuốc phun ra khói chả còn
Cánh mình ngu dại lại khen ngon
Nâng bia, cụng rượu phì phèo suốt
Kết bạn, vui bè, hít nhả tuôn
Lao phổi lăn ra làm khổ vợ
Ung thư chết dở, chuốc phiền con
Thôi nay từ nhé … không thì muộn
Bia bọt đủ rồi, kẻo chết non!
Hoặc tác giả Vũ Quang Huy tức là Cao Bồi Già đã tự bảo mình đừng nói dối qua bài: PHÉT
Ngôn phét thời nay đã quá quen
Tô hồng, sơn đỏ dẫu đèn đen
Đồ ươn, mặc lẽ rao hàng tốt
Tâm độc, điềm nhiên giả giọng thiền
Lẹo lưỡi không từ âu muốn lợi
Xảo lời chẳng lợi cũng do hèn
Xét mình cũng lúc vui …văng miểng
Thôi chết, lây rồi … tỉnh lại xem !
Vâng, có khi vui miệng chúng ta đã “nổ” mà làm “văng miểng”, hãy cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, hoặc Cao Bồi Già cũng từng tự bảo: CHỚ ĐỤNG TIẾT CANH
Này chớ dây vào món tiết canh
Kẻo không heo bệnh níu hồn anh …
Tiết canh là món ăn đặc biệt, nhưng heo lợn ngày nay nuôi bằng hóa chất, liệu có tốt để ăn sống không?
Trở về cuộc sống bình thường, chắc ai cũng từng thưởng thức dĩa bánh cuốn, xin mời ăn món này qua 8 câu, mỗi câu 7 chữ: BÁNH CUỐN
Tấm bánh dẻo mềm, tráng mỏng tang
Hương thơm bột gạo thoảng mơ màng
Mỡ hành, bánh nóng tròn thân áo
Mộc nhĩ, thịt băm đủ vị nhân
Chả lụa đâm tiêu cay hắc vị
Bánh tôm sên đậu nóng dòn tan
Mắm hương cà cuống kèm rau, giá
Gói trọn lòng em, thỏa bụng chàng
Nhiều lắm, nếu đọc, nếu suy tư, mình sẽ thấy vô cùng thấm thía cái tâm tình, sự trăn trở của tác giả trong cuộc sống gói ghém trong những vần thơ ý nghĩa. Dù phải giữ luật đối nghiêm chỉnh, dù phải theo đúng luật bằng trắc, phải ngắn gọn, nhưng Cao Bồi Già đã thành công vượt bậc trong thơ và là một tác giả quý hiếm trong cuộc sống ngày nay. Hai tác phẩm “Thơ Cao Bồi Già” và “Nhân Sinh Bách Nghệ” như một bông hoa hiếm quý vươn nở trong cuộc sống xô bồ hiện tại.
Cầu chúc Cao Bồi Già sẽ mãi thành công và có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho đời thêm những bông hoa hiếm quý này. Được biết Cao Bồi Già cũng có nhiều bài Hát Nói, nhiều bài Phú rất đặc biệt. Hy vọng chúng tôi sẽ có thể học hỏi, giới thiệu trong những lần khác. Nói về sức khoẻ thì được biết Cao Bồi Già tuổi trên 50, nhưng đã từng “chết đi sống lại” qua nhiều căn bệnh hiểm nghèo, từng nằm bệnh viện không biết bao nhiêu lần. Mong anh khỏe, vui, và tiếp tục sáng tác, làm đẹp vườn hoa nghệ thuật.
Nhân dịp này chúng tôi cũng xin thắp nén hương lòng, tri ân và tỏ lòng ngưỡng mộ với tác giả Bùi Nghiệp, bút hiệu Bóng Tà Dương nay đã khuất bóng tà dương, nhưng để lại cho đời những tác phẩm ý nghĩa, quý hiếm.
Hai tác phẩm này đã được chuyển qua dạng e-book, bạn có thể tìm từ khóa “Cao Bồi Già” để đọc thêm, chúng tôi trân trọng giới thiệu. Cầu xin cơn đại dịch này chóng qua, mọi sinh hoạt trở nên bình thường và văn chương, chữ nghĩa Việt Nam luôn được trong sáng, ý nghĩa, phát triển theo chiều hướng tốt.
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét