Sài Gòn ngày
phong tỏa thứ sáu mươi mốt
7-9-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 — phần 7 — phần 8 — phần 9 — phần 10 — phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15 — phần 16 — phần 17 — phần 18 — phần 19 — phần 20 — phần 21 — phần 22 — phần 23 — phần 24 — phần 25 — phần 26 — phần 27 — phần 28 — phần 29 — phần 30 — phần 31 — phần 32 — phần 33 — phần 34 — phần 35 — phần 36 — phần 37 — phần 38 — phần 39 — phần 40 — phần 41 — phần 42 — phần 43 — phần 44 — phần 45 — phần 46 — phần 47 — phần 48 — phần 49 — phần 50 — phần 51 — phần 52 — phần 53 — phần 54 — phần 55 — phần 56 — phần 57 — phần 58 — phần 59 — phần 60
Tân
chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi (người ngồi giữa) lần đầu tiên trả lời trực tuyến
với người dân. Ảnh trên mạng
Tối hôm qua, rất nhiều dân thành
phố quan tâm đến chương trình livestream “Dân hỏi – Thành phố trả lời” với sự
có mặt của Tân Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi sẽ đối thoại trực tiếp với
người dân về những định hướng lớn của thành phố trong công tác phòng, chống
dịch sau ngày 15.9.2021.
Câu hỏi được người dân Sài
Gòn quan tâm nhất vẫn là khi nào thành phố nới lỏng giãn cách, tại sao giãn
cách mãi và tại sao làm mãi mà chưa hết dịch? Câu trả lời của Chủ tịch thành
phố cũng vẫn là chung chung trên hai lý do khách quan và chủ quan.
Khách quan là do chủng Delta lây
lan nhanh, ứng phó chưa kịp thời. Chủ quan là có một số địa bàn làm chưa
nghiêm, hay các hoạt động xét nghiệm làm chưa tốt.
Trả lời khi nào thành phố mới nới
lỏng giãn cách thì ông bảo chưa trả lời được. Khi nào kiểm soát được dịch thì
mới quyết định được vì nếu chưa kiểm soát được thì không an toàn, không đảm bảo
sức khỏe cho người dân. Mở giãn cách dựa trên nguyên tắc an toàn, an toàn tới
đâu mở tới đó. Tùy theo tình hình dịch bệnh mà nới lỏng hay siết chặt các biện
pháp giãn cách. Dự kiến, những hoạt động điện tử, kinh doanh bưu chính, phục vụ
y tế, thực phẩm, cửa hàng xăng dầu, gas, công trường xây dựng… nếu quản được
người tham gia an toàn sẽ cho hoạt động trở lại.
Có nghĩa là phải chờ, chẳng biết
khi nào vì dịch vẫn còn căng. Không hi vọng có thay đổi gì sau 15.9. Rồi tiếp
tục thêm một tháng nữa chăng? Số người nhiễm vẫn cao từng ngày. Số người tử
vong cũng chẳng giảm bao nhiêu. Có nghĩa là ta vẫn chưa kiểm soát được dịch,
đành chờ vậy.
Chờ và rất nhiều đối tượng sẽ gặp
nhiều khó khăn hơn. Người lao động thất nghiệp thì đã khó từ ngay lúc bắt đầu
giãn cách, giới nghiêm rồi. Nhưng những người dành dụm được chút ít để dành thì
sau 3 tháng ngồi không ăn cũng đã hết. Người khá hơn một chút có tiền trong tài
khoản ngân hàng nhưng không rút được vì không có giấy phép ra đường, đành chịu
cảnh có tiền mà không cầm trong tay được. Trên mạng có mấy clip cảnh chị em đi
bán vàng mà tội nghiệp, lén lút canh me công an với dân quân như hồi ngăn sông
cấm chợ, thời cấm mua bán vàng.
Đã có nhiều khu dân nổi điên kéo
xuống đường vì những bất công trong phân phối túi an sinh và nhất là tiền trợ
cấp chờ hoài không thấy. Thế nhưng rồi chẳng ai giải quyết. Câu trả lời thông
thường của cán bộ phường xã là tiền chưa về, không biết, chỉ có nhiêu thì chia
bấy nhiêu, hồ sơ chưa hợp lý, không nằm trong đối tượng ..Trong khi chủ trương
của chính quyền là không phân biệt đối tượng được trợ cấp, tạm trú hay có hộ
khẩu, ở trọ hay nhà thuê đều được hưởng như nhau. Quan điểm tất cả mọi người
khó khăn thì là đối tượng được hỗ trợ. Ông Mãi cũng công nhận là trong thực tế
các gói hỗ trợ có lỗi của thành phố là rà soát đối tượng chưa đủ, còn bỏ sót.
Nhận thức được như vậy cũng là
điểm thay đổi của lãnh đạo rồi, trước đây gặp tình trạng này thường chối loanh
quanh. Giờ đây, khi tiếp tục giãn cách, thời gian tới, thành phố sẽ hỗ trợ tiền
mặt cho bà con, và đang tính toán có thể ít hơn, nhưng thường xuyên hơn, rồi
gạo, rồi tiếp túi an sinh. Dân cũng mong được như thế và chẳng ai bị bỏ sót. Dân
cũng kiến nghị cho giám sát, kiểm tra việc dân chưa nhận được túi an sinh và
tiền và cả tình trạng phát sai, ông Mãi khẳng định, sẽ kiểm tra, rà soát. Cũng
có một số nơi phát sai, chưa đúng đối tượng. Ông cũng thay mặt lãnh đạo thành
phố nhận khuyết điểm với bà con về việc này.
Một việc mà dân quan tâm nữa là
việc chích ngừa vaccine nhất là Moderna mũi 2 đang rất nhiều người trông đợi,
nhất là những người già. Ông Mãi cho hay về mũi 2, thành phố đã bàn với Bộ Y
tế, ai đến thời gian mũi hai đều có để tiêm, ông cũng cam kết việc tiêm vắc xin
ở thành phố là tự nguyện và minh bạch. Tuy nhiên ông vẫn không đề cập đến
vaccine Moderna. Và như thế, chắc chắn sắp tới đây, những người chích mũi 1
Moderna khi chích mũi 2 sẽ là Pfizer. Đành ai sao mình vậy thôi, chỉ mong là sẽ
không bị phản ứng nguy hiểm là tốt rồi.
Trong buổi livestream, dù chủ tịch
thành phố vẫn chưa cụ thể vấn đề gì rõ ràng về thời gian xoá giãn cách. Tuy
nhiên, kết hợp với những tin tức trên báo chí chính thống, người dân có chút hi
vọng là thành phố sẽ có những thay đổi lạc quan hơn. Từ chủ trương “Chống dịch
như chống giặc” nhà nước đã công nhận “Phải sống chung với dịch” vì “Không thể
khống chế hoàn toàn dịch bệnh”.
Thật ra là “Phải sống chung với
virus” thì chính xác hơn. Đó là bước thay đổi hợp lý và tất yếu phù hợp với chủ
trương của nhiều nước trên thế giới. Nhưng lãnh đạo thành phố thì vẫn phân vân,
cho rằng chưa đủ điều kiện để giảm giãn cách, cần phải nghiên cứu thêm. Cụ thể,
thành phố đang giao các bộ phận và cơ quan liên quan nghiên cứu các vấn đề môi
trường và con người sống trong môi trường có dịch để mở cửa lại dần dần và mở
tới đâu, quản tới đó. Một ngày quý ngài ngồi nghiên cứu là thêm một ngày dân
mỏi mòn. Là thêm một ngày chịu đựng biết bao nhiêu khổ sở, tù túng và kiệt quệ.
Chỉ cần xoá giãn cách, cho người
lao động đi làm ăn, người buôn bán hoạt động trở lại thì chấm dứt khó khăn
trong đời sống thôi. Chưa bao giờ thành phố này phải ngửa tay xin viện trợ, thế
mà trong cơn đại dịch vào tháng 8.2021, thành phố đã phải xin trung ương trợ
cấp 28.000 tỷ đồng và hơn 140.000 tấn gạo để giúp đỡ người dân nghèo đã bị mất
việc nhiều tháng nay và đang khốn đốn do dịch bệnh kéo dài. Một thành phố từng
đóng góp 82% ngân sách thu được cho trung ương, là trung tâm kinh tế của cả
nước, là thành phố đóng góp nhiều nhất để nuôi 47 tỉnh thành của cả nước. Giờ
đây tan hoang, xơ xác vì dịch bệnh, thành phố phải nhờ viện trợ. Đó cũng là một
nỗi đau và cho thấy tình hình của thành phố thê thảm không như báo chí ca ngợi
hàng ngày.
Nhiều tin rộ lên về Dự thảo Kế
hoạch phục hồi kinh tế thành phố. Đọc và mong điều ấy sẽ sắp thành hiện thực.
Nhưng sau đó Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Phạm Đức Hải khẳng định thông tin
nói trên là tin giả, sai sự thực. Dân vẫn hoang mang, cho đến hôm nay chẳng có
gì cụ thể và rõ ràng cho tương lai sắp tới. Từ chuyện an sinh cho đến vaccine.
Từ chuyện giãn cách cho tới chuyện giảm giãn cách. Lãnh đạo vẫn đang bàn và dân
vẫn dài cổ chờ đợi.
Một sự việc hôm nay rất đáng lo là
hôm 30.8, Sở Công thương cho biết lực lượng shipper sẽ được xét nghiệm miễn phí
tại hơn 400 trạm y tế lưu động chia theo từng quận, huyện có địa chỉ cụ thể với
thời gian 1 tuần, sau đó tính toán phương án xét nghiệm phù hợp với tình hình
thực tế. Đến hôm nay 7.9 nhiều cơ sở y tế ngưng xét nghiệm, shipper lại không
thể giao hàng, không thể hoạt động được. Ai cũng biết rõ rằng ở thành phố này
chỉ có lực lượng shipper chuyên nghiệp mới làm tròn nhiệm vụ phân phối và lưu
thông hàng hoá đến tận tay người dân.
Không có lực lượng nào khác có thể
thay thế được, kể cả lực lượng quân đội. Thế mà loay hoay mấy tháng rồi, thành
phố cũng chưa xây dựng được một quy chế rõ ràng và lâu dài cho họ. Loanh quanh
chỉ là những chủ trương, chỉ thị tạm bợ, ngắn ngày. Điều đó cho thấy khả năng
của cơ quan phụ trách quá kém, do dự, thiếu quyết đoán và chỉ ngồi đấy ở trên
bảo sao làm vậy. Sợ mất chức? Thiếu trình độ? Hay vì những lý do nào khác nữa.
Đội ngũ shipper hoạt động nhưng chẳng an tâm vì những thay đổi liên tục bởi
những văn bản. Nếu không chấn chỉnh, shipper sẽ rơi rớt dần và lúc đó thành phố
lại lâm vào khủng hoảng lưu thông hàng hoá như đã từng bị.
Lực lượng y tế tại các bệnh viện,
các khu cách ly, thu dung cũng đang lâm vào tình trạng thiếu nhân lực trầm
trọng. Số người bỏ việc càng ngày càng đông đến độ vào ngày 4.9.2021, Bộ Y tế
ban hành công văn số 7330/BYT-KCB, chấn chỉnh công tác nhân sự, yêu cầu tước
chứng chỉ hành nghề nhân viên y tế nào bỏ việc hoặc vi phạm các qui định về đạo
đức nghề nghiệp. Công văn đã cho thấy một thực trạng đau lòng khi bệnh nhân
thiếu người chăm sóc nên dễ đưa đến cái chết oan uổng mà nhân viên y tế đành bỏ
việc.
Họ đã cố hết sức, họ đã vắt kiệt
sức trong một thời gian dài nhưng không được bảo vệ, chăm sóc và đãi ngộ xứng
đáng. Trong bài trước, tôi đã có đề nghị nên thưởng tiền thật nhiều cho họ thay
vì nhưng lời khen trên giấy khen, thay vì những bài hát ca ngợi. Làm việc quần
quật, kề cận bên cái chết, bản thân không biết sẽ dính bệnh bất cứ lúc nào
nhưng bữa ăn đều từ những bếp ăn từ thiện mang cho, có gì ăn đấy. Bệnh viện,
nhất là những bệnh viện mới mở để phục vụ điều trị virus Vũ Hán hầu như không
có bếp ăn. Và như vậy lực lượng y tế no đói trông chờ vào các bếp cơm từ thiện.
Ăn không được nhà nước lo, thiết
bị lại thiếu thốn. Lại ngửa tay nhận những đóng góp của các tổ chức xã hội từ
cái khẩu trang, thiết bị đo SpO2, cái khăn mặt, nước xịt khuẩn, bình oxy cho
đến máy thở. Người cho cũng phải lén lút như người nhận vì lãnh đạo không cho
phép công khai chuyện này. Những chuyện như thế mà nhà nước không lo được sao
mà phải đi xin để có người đóng góp một chút lại suốt ngày đem ra khoe công đức
của mình và hệ thống y tế phải lệ thuộc lòng thương của mọi người.
Nhân viên y tế phải rời xa gia
đình, lăn vào tuyến đầu, cận kề và chứng kiến bao cái chết hàng ngày, tinh thần
của họ căng thẳng liên tục. Thế nhưng họ không được đối xử xứng đáng, lãnh đạo
Bộ không quan tâm họ làm việc trong hoàn cảnh thế nào, họ ăn uống ra sao, họ
sống với nguy hiểm thế nào để có những quyết định kịp thời cho họ an tâm diệt
dịch. Khi họ không chịu đựng nổi, họ bỏ ngang. Xét về mặt đạo đức nghề nghiệp,
họ có lỗi với nghề đã chọn. Nhưng làm việc trong nguy hiểm mà thiếu thiết bị,
không được quan tâm miếng ăn, giấc ngủ, không được lãnh đạo lưu tâm đến những
góp ý, đề nghị của họ lại không có được tưởng thưởng xứng đáng nên họ phản ứng,
lãnh đạo cứ đem lý ra đòi kỷ luật, đòi tước chứng chỉ hành nghề. Và họ đã chọn,
dứt áo đi về chấp nhận những kỷ luật. Chỉ tội, chỉ thương, chỉ xót cho người
bệnh vì thiếu sự quan tâm, chăm sóc mà phải chịu nằm đấy và chờ chết.
Nhân viên y tế tham gia trên tuyến
đầu cũng chỉ lãnh lương bình thường, lực lượng tư nhân thì được kêu gọi tham
gia mà chẳng có được chút quyền lợi gì. Năm ngày, bảy bữa thì không sao. Nhưng
kéo dài ngày này qua tháng nọ mà không được chút đãi ngộ, họ tan hàng cũng hợp
lý thôi. Bệnh viện nhung nhúc người bệnh, có nơi như Bình Dương chứa đến 13.000
người và nghe nói sắp tới là 27.000 người. Ai phục vụ cho xuể khi lực lượng y
tế quá mỏng. Nhà nước bỏ hàng trăm tỷ để làm cái việc xét nghiệm tùm lum chẳng
mang lợi ích gì, cũng đem tiền tỷ để xịt khuẩn khắp nơi, đem tiền thuê máy bay,
tàu thuỷ chở rau, đem tiền mua loại vaccine dân ngại dùng… mà lại không dám bỏ
tiền ra để đãi ngộ cho nhân viên y tế một cách xứng đáng. Do vậy trong chuyện
ban hành kỷ luật này, lãnh đạo phải xem lại mình để tự kỷ luật mình trước đã.
Thành phố lo âu chống dịch nhưng
đồng thời cũng đang bế tắc về hoạt động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang
kiệt sức, cạn tiền. Đó là một sự thật, kết quả của chuỗi ngày giãn cách. Gần
70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp được khảo sát đã đóng cửa, phần lớn vì chuỗi
cung ứng đứt gãy. Chính phủ chỉ đạo cho phép hàng hoá được lưu thông bình
thường, trừ hàng cấm, nhưng các địa phương vẫn mỗi nơi ra một quy định. Lưu
thông hàng hoá vì thế bị tắc nghẽn, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt do thời
gian lưu thông tăng gấp nhiều lần và doanh nghiệp phải mất thêm khoản tiền
không nhỏ từ chi phí xét nghiệm cho lái xe.
Thiếu vốn, nhà máy không sản xuất,
công nhân thất nghiệp đưa đến hệ luỵ thiếu ăn, chỉ trông chờ hỗ trợ của nhà
nước. Doanh nghiệp, công nhân nóng lòng được mau tái hoạt động nhưng viễn cảnh
cũng đang mù mờ lắm. Doanh nghiệp đề nghị nhà nước có chính sách phù hợp cho
những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc. Đồng thời, doanh
nghiệp kiến nghị tích hợp phần mềm khai báo y tế, di biến động dân cư, tận dụng
IT để giảm bớt thủ tục giấy tờ. Nên chỉ có chung một mẫu để tiện việc lưu thông
và hoạt động. Đây không chỉ là mong đợi riêng của các doanh nghiệp mà còn là
mong mỏi của người dân. Con virus đã lắm nỗi lo mà chuyện giấy tờ cũng là nỗi
lo không kém. Sao cứ dùng dằng, rắc rối mãi với mấy thứ giấy này đến thế?
Trở lại với vaccine, sau một thời
gian dài đi xin các nước, hôm qua Chủ tịch nước ta đã đề nghị chính phủ Ấn Độ
cho Việt Nam vay khẩn cấp 10 triệu liều vaccine ngừa virus trong thời gian tới,
đồng thời cung cấp các thuốc điều trị virus cho Việt Nam. Bên đó cũng đang lung
tung dịch bệnh, lời khẩn cầu này không biết có được đáp ứng không? Ừ thì ngồi
chờ xem vậy. Chứ giờ giãn cách rảnh quá, ở không biết làm gì? Có lẽ mình mua
trễ quá, chẳng ai chịu bán vaccine cho mình ngoài anh Sinopharm nên đành đi
xin, đi vay chứ ta có Quỹ vaccine từng huy động được chín, mười ngàn tỷ kia mà.
Tiền có mà không có vaccine cứu dân, đau thật!
Tin cuối hôm nay là tin Thủ tướng
yêu cầu nghiên cứu xử lý hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ”. Thủ tướng đề nghị Bộ
trưởng Công an chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm hành vi
hủy đơn hàng “đi chợ hộ” để bộ đội, tình nguyện viên yên tâm hỗ trợ, giúp đỡ
nhân dân. Dân tình nhất là dân Sài Gòn rất phẫn nộ việc huỷ đơn hàng kiểu này.
Báo chí nói nhiều, truyền hình cũng nói nhiều và giờ đến Thủ tướng cũng quan
tâm. Nhưng cho đến giờ này chẳng thấy mặt mũi, tên tuổi, hình ảnh của người
phạm tội đâu cả.
Thế thì xử lý ai, chế tài ai? Chỉ
cần dân đưa một hình ảnh tiêu cực nào đó lên mạng xã hội, chưa đầy một nốt nhạc
công an, dân quân có mặt gởi giấy mời ngay. Sao mấy kẻ bom hàng chẳng thấy mặt
chỉ thấy chữ trên báo? Đặt hàng có tên tuổi, địa chỉ rõ ràng kia mà, sao không
nêu đích danh mà cứ mập mờ thấy tin mà chẳng thấy người. An ninh ta dở đến thế
à? Hay đằng sau việc này lại chứa mục đích gì đấy. Ai mà biết. Án mạng không
thủ phạm, một tựa đề khá hay cho chuyện này đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét