Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

LUẬT THƠ THẤT NGÔN BÁT CÚ

Thất Ngôn Bát Cú là thể thơ thông dụng và được yêu chuộng nhất trong các thể loại thơ Đường
Cơ Bản như sau :
I . BỐ CỤC :
Một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú gồm 8 câu, mỗi câu 7 chữ được chia ra làm 4 phần:

1- Mạo: là mào đầu (vào bài) còn gọi là Đề, gồm:

- Phá đề (câu 1) nghĩa là mở ra, giới thiệu tựa đề.

- Thừa đề (câu 2) nghĩa là chuyển xuống.

2- Thực hay Trạng: gồm câu 3 + 4: giải thích, khai triển tựa đề.

3- Luận: gồm câu 5+6: bàn luận ý nghĩa của bài.

4- Kết: gồm câu 7+8: tóm tắt ý nghĩa, bày tỏ tình cảm, thái độ.

II. VẬN :
Các chữ cuối câu thứ 1,2,4,6,8 phải vần với nhau
Thí dụ : tà ,hoa,nhà,gia, ta
III. ĐỐI :
Đây là điều thú vị và khó nhất của thể TNBC
Hai câu thực phải đối nhau( câu 3 đối với câu 4 )
Hai câu Luận cũng vậy ( Tức câu 5 phải đối với câu 6 )
Đối nghĩa là :
Đối Ý : đồng hoặc nghịch nghĩa
Đối từ : Danh từ đối danh từ ; động từ đối với động từ ; tính từ đối với tính từ….
Đối hình ; đối thanh
Thí dụ :
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Ng. Bỉnh Khiêm )
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
(Bà Huyện Thanh Quan)
Giơ tay với thử trời cao thấp
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài
( Hồ Xuân Hương )
Đây là thí dụ chuẩn mực:

CẢNH CHIỀU HÔM
Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn
Kẻ chốn chương đài ,người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn
(Bà Huyện Thanh Quan )

Nhưng không chỉ có thế.Thất Ngôn Bát Cú còn rất nhiều Niêm Luật khắt khe và chặt chẽ. Nếu bạn yêu và muốn làm thơ TNBC thì mời tìm hiểu sâu hơn :

NIÊM LUẬT CỦA THẤT NGÔN BÁT CÚ

KHÁI NIỆM :
Thanh âm Việt ngữ chia thành 2 loại vần: TRẮC và BẰNG
_VẦN BẰNG: là các từ mang dấu huyền và không dấu
_VẦN TRẮC : là các từ mang dấu sắc ,hỏi,ngã, nặng
_VẦN CỦA CÂU : Trong TNBC mỗi câu có 7 chữ. Chữ thứ hai của mỗi câu là khóa vần của câu ( có thể ví như khóa sol,khóa Fa trong âm nhạc vậy)
Thí Dụ :Bước tới đèo Ngang,bóng xế tà(câu này vần trắc căn cứ vào chữ tới )
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo ( Câu này vần bằng )
NIÊM :
Niêm có nghĩa là dán.
…Câu 1 phải niêm với câu 8, có nghĩa là nếu câu 1 có vần của câu là bằng thì vần của câu 8 cũng phải là bằng; ngược lại nếu là trắc thì đều phải là trắc
…Câu 2 niêm với câu 3
…Câu 4 niêm với câu 5
…Câu 6 niêm với câu 7
Thí Dụ :
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng( Thương Vợ- Tú Xương)

Ta thấy câu 2 niêm với câu 3 đều có vần câu là trắc
Nếu một bài thơ mà không giữ đúng luật này thì gọi là Thất Niêm

LUẬT VẦN :
Trong một bài thơ Thất Ngôn Bát Cú mỗi từ đều phải tuân theo luật vần đã được qui định bắt buộc .
Có 2 bộ Luật Vần : BẰNG và TRẮC căn cứ vào vần của câu đầu bài thơ

I…VẦN BẰNG
Câu 1: BBTTTBB

Câu 2: TTBBTTB

Câu 3: TTBBBTT

Câu 4: BBTTTBB

Câu 5: BBTTBBT

Câu 6: TTBBTTB

Câu 7: TTBBBTT

Câu 8: BBTTTBB

Thí Dụ :
THU ĐIẾU
Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Tầng mây lơ lửng ,trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co, khách vắng teo
Tựa gối buông cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
NGUYỄN KHUYẾN

II…VẦN TRẮC :
Câu 1: TTBBTTB

Câu 2: BBTTTBB

Câu 3: BBTTBBT

Câu 4: TTBBTTB

Câu 5: TTBBBTT

Câu 6: BBTTTBB

Câu 7: BBTTBBT

Câu 8: TTBBTTB

Thí Dụ :

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
Đã bấy lâu nay, bác tới nhà,
Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
Ao sâu nước cả, khôn chài cá,
Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.
Cải chửa ra cây, cà mới nụ,
Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
Bác đến chơi đây, ta với ta !
NGUYỄN KHUYẾN
Nếu chữ nào quy định là bằng mà lại đặt là trắc, hay quy định là trắc mà lại đặt là bằng thì gọi là thất luật.

Tuy nhiên ta có thể áp dụng nguyên tắc :”Nhất ,tam,ngũ bất luận “ tức là chữ thứ nhất, thứ ba , thứ năm của mỗi câu có thể tự do miễn là không tạo lỗi khi ngâm đọc.
LUẬT VẬN :
Như đã nói ở phần CƠ BẢN ,các chữ cuối các câu 1,2,4,6,8 phải vần với nhau
Thí dụ: Trong bài Thu Điếu là các từ: veo,teo,vèo, teo,bèo. Đây là các từ chính vận
Đôi khi người ta có thể dùng “Thông vận “ cũng được như : vui có thể thông vận với đời, ôi,soi…
Nếu bài thơ không giữ được điều này thì gọi là Thất Vận
LUẬT ĐỐI :
Như đã nói ở phần CƠ BẢN :2 câu Thực là cặp câu đối; 2 câu Luận cũng vậy
Đối phải đối ý, đối từ, đối thanh, đối hình, đối láy, đối điệp…
Nếu bài thơ đối không chuẩn thì gọi là Thất Đối , đây là bệnh nặng nhất của TNBC
Thí dụ một số câu đối điển hình:
Thi sĩ Hồ Xuân Hương
- Khi cảnh, khi tiu, khi chũm chọe

Giọng hi, giọng hỉ, giọng hi ha

(Sư Hổ Mang)

- Gió giật sườn non kêu lắc cắc

Sóng dồn mặt nước vỗ long bong

(Kẽm Trống)

* Thi sĩ Nguyễn Khuyến:

- Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt

Làn ao lóng lánh ánh trăng loe

- Sóng biếc theo làn hơi gợn tí

Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo

- Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt

Ngõ trúc quanh co khách vắng teo

* Thi sĩ Trần Tế Xương:

- Học đã sôi cơm nhưng chửa chín

Thi không ăn ớt thế mà cay

- Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột

Om sòm trên vách bức tranh gà

- Chí cha chí chát khua giày dép

Đen thủi đen thui cũng lụa là

- Van nợ lắm khi trào nước mắt

Chạy ăn từng bữa toát mồ hôi

- Sĩ khí rụt rè gà phải cáo

Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi

- Một tuồng rách rưới con như bố

Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng

- Ví cho thi đỗ làm quan lớn

Thì cũng nhỏ to cưới chị hầu

- Tiễn chân cô mất hai đồng lẻ

Sờ bụng thầy không một chữ gì

MỘT SỐ LUẬT KHÁC :
_TIẾT NHỊP :
Một câu thường được ngắt nhịp như sau :2-2-3
Nếu viết không theo luật này thì bài thơ sẽ hỏng khi ngâm đọc
_HẠC TẤT,PHONG YÊU :
Có nghĩa là Gối Hạc, Lưng Khỉ
Lỗi Hạc tất khi chữ thứ 4 trong một câu cùng dấu với chữ thứ 7 câu đó
Lỗi Phong yêu khi chữ thứ 2 cùng dấu với chữ thứ 7 câu đó
Tuy nhiên đây được xem như bệnh ngoài da, có thể châm chước, trừ một số trường hợp đọc lên không ổn thì hỏng bài thơ

…KHỔ ĐỘC :
Trong bài thất ngôn, chữ thứ 3 các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ, đáng là bằng mà đổi ra trắc gọi là khổ độc (nghĩa là khó đọc). Trong 1 câu

NGHỆ THUẬT XƯỚNG HỌA :
Xướng họa thơ đường là thú thanh tao đầy cảm hứng và nghệ thuật
Bài họa là một bài thơ TNBC hoàn chỉnh phải tuân theo tất cả niêm luật có chủ đề theo bài xướng ) đồng ý, phản bác hoặc mở rộng ý của bài xướng )
Ngoài ra bài họa còn phải giữ nguyên 5 từ cước vận ( chữ cuối các câu 1,2,4,6,8)
Năm từ cước vận có thể giữ nguyên vị trí hoặc đổi vị trí theo thứ tự ngược lại( gọi là đảo vận), cũng có thể đổi chỗ tùy thích (gọi là hoán vận )
Ngoài ra bài họa còn phải tuân thủ luật Khắc Lục
KHẮC LỤC :
Các chữ thứ 6 của các câu 1,2,4,6,8 của bài họa không được lập lại các chữ thứ 6 của các câu 1,2,4,6,8 của bài xướng.
THÍ DỤ :

TÔN PHU NHÂN QUI THỤC*
Bài xướng của Tôn Thọ Tường:
Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
Về Hán trau tria mảnh má hồng
Son phấn thà cam dày gió bụi
Đá vàng chi để thẹn non sông
Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
Thà mất lòng anh được bụng chồng


Bài họa của Phan Văn Trị:

Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
Mặt ngả trời chiều biệt cõi Đông
Ngút tỏa đồi Ngô ùn sắc trắng
Duyên về đất Thục đượm màu hồng
Hai vai tơ tóc bền trời đất
Một gánh cương thường nặng núi sông
Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
Trai ngay thờ chúa gái thờ chồng


CAO BỒI GIÀ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét