Thứ Tư, 31 tháng 5, 2017

89_LẠI BUỒN QUÁ CHỊ HẰNG ƠI (TT. THƠ CAO BỒI GIÀ-Thơ Tổng Hợp)


LẠI BUỒN QUÁ CHỊ HẰNG ƠI…

 

Chao ôi, buồn quá chị Hằng ơi

Lại một đêm thu hỏng mất rồi

Sấm chớp xập xòe, lân hết múa…

Mây mưa lướt thướt, trẻ sao chơi ?

Cỗ đầy, đâu Nguyệt: Trông mà phá

Rượu sẵn, vời ai : Uống để vui ?

Chắc Cuội cùng Hằng ngơ với ngẩn

Đêm rằm, tháng tám … trách luôn Trời!

CAO BỒI GIÀ

12-09-2011

NHỔ RĂNG


NHỔ RĂNG

 

Dẫu biết chia lìa chỉ đứng xem.

Xin thề rất khoát bỏ ăn kem.

Đường đời xa lắc chân run rẩy.

Nẻo thế mù khơi mắt nhập nhèm.

Xí quách hết rồi thôi quấy quả.

Xương gà còn đó hết tòm tem.

Cùng nhau sướng khổ bao năm tháng.

Một phút đau lòng ta mất em.

Huy Vụ  24.05.17

 

XIN HỌA:

 

LỜI RĂNG CỎ

 

Dẫu già nhưng lão vẫn thèm kem

Khổ nỗi xơi vào buốt gáy…em

Kẹo hả? Thời trai nhai ráu ráu

xương ư? Lúc trẻ gặm nhèm nhèm

Lòng ham nay chịu mồm nghiêng …ngó

Dạ thích giờ đành mắt liếc…xem

Đứa rụng , thằng lay buồn phát…khóc

Ước gì sống lại thuở còn…tem!

CAO BỒI GIÀ

31-05-2017

 

ĐỒNG HỌA:

 

NHỔ RĂNG

 

Nhiều năm khoái tỉ cũng nhờ em

Sướng khổ cùng chung nước ướt nhèm

Nhớ thuở mặn nồng răng chạm lưỡi

Thương chiều ngọt lịm miệng kề kem

Thằng sâu đục khoét ôm đầu hét

Ông sĩ dùi khoang mở họng xem

Nhất định phen này ta bỏ bậu

Chỉ còn lỗ trống rỗng " lèm tem " 

Thy Lệ Trang

 

CÙNG HỌA:

 

HẾT NGHI NGỜ

 

Nghe đồn nay mới được mời xem.

Chỉ loáng một mình hết ký kem.

Ôm mụ tay quờ không bủn rủn.

Ngó ai mắt quạng chẳng lem nhèm.

Hằng đêm chục ả còn nguyên kiện.

Mỗi bận dăm nàng chửa bóc tem.

Tưởng “tám” dè đâu là có thật*

Nghi ngờ chi nữa tệ không em?

PHAN TỰ TRÍ

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

CHUYỆN LỎM Ở BỆNH VIỆN 2


CHUYỆN LỎM Ở BỆNH VIỆN 2

 

Tại quầy thu viện phí của một bệnh viện lớn ở TP. HCM, một bệnh nhân có dáng vẻ là một lão nông từ đồng bằng sông Cửu Long, đang cố gắng vượt qua sự mệt mỏi để chất vấn cô thâu ngân :

_Cô ơi! Xem lại giùm Qua cái hóa đơn viện phí này đi. Chắc là mấy cô tính lộn “gồi”…

Cô thâu ngân liếc mắt qua tờ hóa đơn:

_Lộn đâu mà lộn. Tui tính rõ ràng từng món rồi nè. Ông này làm mất thời giờ người ta quá…

_Trời ơi! “gõ gàng” là tính lộn mờ,Cô tính tui tới 30 cái giường lận. Tui có nằm hết đâu!

__Ông này nói lạ! Nằm viện một tháng thì người ta tính 30 giường là đúng rồi, còn thắc mắcgì nữa?

Nghe cô thâu ngân nói thế, ông lão bực tức la to:

_Trời ơi! Mấy cô tính toán ăn gian quá, suốt cả tháng nay tui nằm chưa tới phân nửa cái giường . Thằng nằm chung với tui nó be con như Lý Đứcdzậy đó, còn tui thì thân như cá mắm , lúc nào cũng bị nó chèn cho gần muốn “gớt” xuống đất. Thế mà bây giờ bắt tui trả đủ cả giường là sao?

_Ờ Nhà Nước quy định thu thế đó! Tui chỉ làm theo quy định mà thôi. Ông đừng kiện cáo làm chi vô ích…

Trước thái độ trơ tráo đó, ông lão đành than thở:

_Thật khốn nạn, dịch vụ thì như “kít”, mà thâu tiền  kiểu cha thiên hạ. Bóc lột cả những thằng bệnh hoạn sắp chết

… …

“gồi”: rồi; “gõ gàng”: rõ ràng; “gớt”: rớt (kiểu phát âm của dân miền Tây.)

Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

QUÁI ĐẢN...


QUÁI ĐẢN…

 

Thầy Cãi phải thưa tội …khách hàng

Vô cùng ưu việt luật nhà Nam

Ăn tiền bênh chủ, chơi luôn chủ…

Uốn dạ chiều quan, bán cả tâm?

Dân phải tậu dây quàng buộc cổ

Dân đành mua  giáo, ngược đâm thân

Luật sư giờ hóa thành …mồm cáo

Thử hỏi xem ai có thấy …cần?

CAO BỒI GIÀ

28-05-2017

 

BÀI HỌA:

 

LUẬT RỪNG

 

Sự này nếu thật, tớ xin hàng

Xấu hổ mang danh dân Việt Nam

Dám bán linh hồn cho ác quỷ

Đâu còn thiên chức với lương tâm ?

Luật sư bào chữa theo lề luật

Thân chủ cậy nhờ giúp bản thân

Không thể kiêm luôn nghề tố giác

Loại người đểu cán mấy ai cần ?

Thục Nguyên

 

 

Theo báo điện tử Infonet (25-05-2017):

"Luật sư buộc phải tố cáo thân chủ đối với 84 loại tội phạm" gây băn khoăn – Infonet

… …

Trong dự thảo sửa đổi BLHS 2015, điều khiến nhiều người trong giới luật sư không đồng tình là khoản 3, Điều 19 quy định người bào chữa cho bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do không tố giác khách hàng về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Điều 389 BLHS. Luật sư Nguyễn Văn Chiến, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thẳng thắn: “Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin giới luật sư nữa hay không?”.

Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa lấy ví dụ khi luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và nhà nước, trong trường hợp đó luật sư phải có trách nhiệm tố giác tội phạm vì đây là trách nhiệm công dân. Nhưng trong BLHS quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có tới 84 tội, điều này rất dễ dẫn đến sự "tai nạn nghề nghiệp" cho luật sư.

BỆNH ĐÁNG THƯƠNG


Cảm nghĩ sau khi  đọc: CHUYỆN LỎM Ở BỆNH VIỆN 1

http://thocaoboigia.blogspot.com/2017/05/chuyen-lom-o-benh-vien-1.html

 

BỆNH …ĐÁNG THƯƠNG

Ghét hoài sao gọi được nhà thương
La mắng, vòi ăn…hoạnh đủ đường
Hách dịch nhân viên lời cửa miệng
Hằm hè bác sĩ chữ trôn giường
Nhân tâm chó gặm… sao kỳ zậy ?
Y đức ruồi bâu … ủa vậy thường !
Cái chuyện lương y từ mẫu ấy
Xưa rồi diễm …thối đã sình trương.

Phan Tự Trí

 

XIN HỌA:

 

Ưu việt thế đấy…

 

Bệnh vào chốn ấy, chẳng ai…thương

Muốn sống nên khôn phải kiếm…đường

Hãy nhớ tí quà đưa kín “bác”

Mặc thây mấy trự nhét chung giường

Anh giàu, chị lỏi thì chăm kỹ

Đứa kiết, thằng khờ ắt chết trương

Xã hội bây giờ như thế đó…

Vô lương đã hóa lẽ bình thường!

CAO BỒI GIÀ

27-05-2017

 

ĐỒNG HỌA:

 

CHUYỆN ĐƯƠNG NHIÊN

Ai bảo vào đây chẳng được thương ?
Thở than thì cứ ở ngoài đường !
Phận nghèo đáng lý ra nằm đất
Số tốt nên may được ngự giường
Biếu xén không lo ? - thân khó ổn
Chung chi phải biết :  lệ thông thường
Bạc tiền đâu quý bằng sinh mạng
Phải trái đủ đầy, nhớ khẩn trương !
Sông Thu


CÙNG HỌA:

 

ĐỔI THAY


Đổi thay thời thế, thấy mà thương
Lo liệu đời ta phải kiếm đường
Đài tượng quá nhiều, quan lắm đất
Thuốc men thì thiếu, bệnh không giường
Bề trên thất đức, đâu còn lạ
Kẻ dưới lộng hành, ấy lại thường
Sâu bọ sinh sôi đầy xã hội
Phải chăng địa ngục đã khai trương..?
Người Nay

 

TIẾP HỌA:

 

Chuyện Bệnh Viện Nước Tôi

 

Cho dẫu kêu ca cũng hết đường

Chuyện dài bệnh viện vẫn phô trương

Một quan đốc với hai nường tá

Bảy bệnh nhân chung một chiếc giường (1)

Kẻ đứng người nằm...ôi khổ sở !

Bà la ông mắng...rất phi thường !

Tiền muôn bạc vạn vào kho lớn

Dân chết chiếu quàng chẳng xót thương

Thy Lệ Trang

 

HỢP HỌA:

 

KIẾP CON GÌ ?

 

Bệnh hoạn đời này khó được thương

Cơ may mà khỏi chết ngoài đường

Giấy tờ rắc rối khi vô viện

Hành chánh nhiêu khê lúc kẹt giường

Bác sĩ chỉ mê phần hối lộ

Y công chuyên nói chuyện bồi thường

Bạc tiền sao đủ ...trời ghé mắt

Xem kẻ nghèo hèn sống khẩn trương ! 

TRỊNH CƠ (Paris)

28/05/2017

88_TỰ THÁN (TT. THƠ CAO BỒI GIÀ-Thơ Tổng Hợp)


TỰ THÁN

 

Đời mãi dài thê nỗi đớn đau

Sầu đong từ giọt chuyển sang gầu

Bồn chồn ngóng ước bao ngày dịu

Khắc khoải ngoai mong một bến chầu

Nhát chém hư vô truy phách lạc

Cơn đau hiện hữu chết tâm sâu

Ngơ ngơ hỏi trỏng đâu ai đó ?

Quả đắng lâm râm ngấm mụ đầu !

CAO  BỒI GIÀ

11-07-2011

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2017

TUỔI MƠ


TUỔI MƠ

 

Cái thuở học trò, cái tuổi mơ

Con tim dang díu cũng non khờ

Ve sầu gọi hạ, tình dang dở

Phượng nở vào hè, mộng ngẩn ngơ

Gió thoảng bờ vai, trao điệu nhạc

Trăng soi dáng liễu, trỗi lời thơ

Mê ly cuộc sống càng da diết

Khắc khoải đêm về nỗi đợi chờ…

Thanh Trương

 

XIN HỌA: 

 

THUỞ XUÂN MƠ…

 

Một thời non trẻ, một thời thơ

Vừa vụng, vừa ngây lại dại khờ

Trộm liếc mắt nai, lòng dạ rối

Thầm trông dáng liễu, trái tim ngơ

Sầu buồnkhôn kể bao lần lỡ

Rạo rực làm sao những buổi chờ

Vút thoảng tháng ngày đà trắng tóc

Nuối hồn thương quá , thuở xuân mơ…

CAO BỒI GIÀ

27-05-2017

 

ĐỒNG HỌA:

 

ÁO TRẮNG NGÀY XƯA


Học trò một thuở tuổi hồng mơ,
Rạo rực con tim chút khạo khờ.
Lác đác phượng rơi nhìn ngớ ngẩn,
Rộn ràng ve trỗi thấy lơ ngơ.
Sân trường nắng trải xanh lời nhạc,
Mái tóc gió vờn tím ý thơ.
Áo trắng ngày xưa sao nhớ quá,
Chốn xa biết Nẫu có mong chờ?
Bình Định,25.05.2017
Võ Tấn Hùng
 

CÙNG HỌA: 


MƠ TỚI TẦM CAO


Phượng hồng lứa tuổi lắm niềm mơ.
Tiếng gọi yêu đương vẫn dại khờ.
Vở học thư cài vờ chẳng thấy.
Tai nghe giọng tán giả làm ngơ.
Hè về cuốn sổ ghi lời biệt.
Hẹn đến mái trường dậy ý thơ.
Bạn hữu Thầy Cô vui họp mặt.
Tầm cao đại học thỏa mong chờ.
Trần Lệ Khánh--25-5-2017


TIẾP HỌA:
 
HAY MƠ


Tuổi vừa chanh cốm,lại hay mơ
Chưa có người yêu, hãy dại khờ
Mấy bạn hẹn hò vui tíu tít
Một mình lầm lũi tủi lơ ngơ
Yêu văn lãng mạn mây cùng gió
Mến nhạc dịu dàng nguyệt với thơ
Thoáng chốc thời gian trôi quá vội
Mộng xưa vẫn đó, mỏi mong chờ.
Thanh Hoà 

 

HỢP HỌA:

 

THUỞ YÊU NGƯỜI 

 

Thuở đó yêu người chỉ biết mơ 

Tương tư một bóng đến lờ khờ 

Ngày mong tay quyện ...lòng ngây ngất 

Đêm ước  vai kề ...dạ dại ngơ 

 Hạ ngắm lụa vàng say tiếng nhạc

Thu nhìn áo tím dệt vần thơ 

Hôm nao vắng bóng em đầu ngõ

Là lúc hồn tôi mãi ngóng chờ 

Minh Thuý
Tháng 5_2017

 

CŨNG HỌA:

 

THUỞ MỘNG MƠ

 

Ai chẳng từng qua thuở mộng mơ

Yêu đương lãng mạn lẫn si khờ

Thư xanh, mực tím... từng đêm viết

Tóc mượt, vai mềm... trọn buổi ngơ

Lẽo đẽo chân theo không dám ngỏ

Bâng khuâng tim rộn mãi mong chờ

Chao ơi cái tuổi trăng tròn ấy

Là cả thiên đường ngập ý thơ.

Sông Thu

 

ĐỒNG HỌA:

 

NGƯỜI XƯA ƠI !

Quay về thôn cũ sáng tinh mơ
Tìm dáng thân yêu thủa dại khờ
Nhật ký chuyền tay còn bỡ ngỡ
Thư tình gợi ý mải ngu ngơ
Làn mây nhắn nhủ ra chào bạn
Sợi nắng trêu đùa nhớ đọc thơ
Trăn trở đêm khuya buồn não nuột
Người ơi có thấu kẻ trông chờ !
Như Thu

 

CÙNG HỌA:

 

VỤNG DẠI

Thuở còn con gái đã từng mơ
Chẳng biết điều khôn chỉ nghĩ khờ
Lóng ngóng chàng thưa còn nói nghịu
Phớt lờ anh ngỏ lại làm ngơ
Người ta chững chạc chê già giặn
Các hắn nồng nàn bảo trẻ thơ
Mới đó trên đầu ba thứ tóc
Tình xưa vụng dại có ai chờ.

Phan Tự Trí 

 

TIẾP HỌA:

 

TUỔI HỌC TRÒ


Học trò lứa tuổi dệt ngàn mơ

Vẫn thích đùa vui chẳng chịu khờ

Phượng đỏ tươi cười duyên ẩn dáng

Ve sầu góp nhặt tiếng hòa thơ

Chiều mưa mẫn cảm màu thương nhớ

Sớm nắng chìm say giấc mộng chờ

Buổi hẹn hò trao lời vớ vẩn

Đêm thầm tiếc mãi phút lơ ngơ

Uyên Du 

170526

 

HỢP HỌA:

 

CÒN TUỔI NÀO ....

 

Đời người son trẻ lắm sầu mơ

Không biết rằng đang tuổi dại khờ

Khi lớn đâu ngờ duyên lỡ dỡ

Về già mới thấy kiếp ngu ngơ

Thẫn thờ tìm cảnh  buồn trăng nước

Hiu quạnh nghe lòng nhạt ý thơ

Tình đã qua đi nào trở lại

Mong chi cái chuyện đợi hay chờ !

TRỊNH CƠ (Paris)

 

CŨNG HỌA:

 

TÌNH THƠ DẠI

 

Cô bé ngày nào mới biết mơ

Đong đưa bím tóc rất ngoan, khờ

Áo dài bay nhẹ...tà xinh xắn

Xe đạp quay đều...nhịp ngác ngơ

Đến lớp, anh nhìn...tâm dệt mộng

Về nhà, hồn gửi...ý vào thơ

Mười lăm, mười sáu qua nhanh quá

Chẳng nhớ vì sao lỡ cuộc chờ.

Thy Lệ Trang

 

DDOONGF HOAJ:

 

KẺ GỖ LÀ ĐÂY !

 

Hàng chữ học đầu có chữ mơ

Tổ quê chim nhỏ ngó nghiêng khờ.

Con sâu mẹ mớm luôn còn ngẫm

Cái nắng trời đầy chẳng thể ngơ.

Phượng nở chân đi xây đập nước

Mai đào vai vác hóa vần thơ

Bên hồ Kẻ Gỗ hai dòng nghĩ

Hướng tới xa xa mọi nỗi chờ ,

Trần Như Tùng

87_TỰ THUẬT (TT. THƠ CAO BỒI GIÀ-Thơ Tổng Hợp)


TỰ THUẬT

 

Dẫu biết đời chê vẫn dở hơi

Thơ cay, chữ đắng vắt ra cười  

Vay lời thiên hạ hòng xoa dạ

Bờn chuyện nhân gian giả mượn lời

Đêm vắng vời trăng chia nỗi muộn

Chiều tàn ngóng gió ước tin vui

Bán sầu khắp chốn … buồn quăng trả

Thêm chat cùng chua … ngỏ tiếng mời !

CAO BỒI GIÀ

07-08-2011

ĐÔI ĐIỀU VỀ CHÙA


Đôi điều về chùa

 

Xứ ta nay thấy quá nhiều chùa.

Ác vẫn tung hoành thiện vẫn thua.

Có phải đức tin đang lệch lạc.

Lẽ nào đạo pháp cũng a dua?

Trả ơn nhà giáo thường chờ dịp.

Báo hiếu mẹ cha phải đợi mùa.

Biết nói gì đây non nước Việt

Thánh thần dường cũng bán hay mua.

Huy Vụ  25/05/17

 

XIN HỌA:

 

THỜI VÔ ĐẠO

 

Theo mốt thời nay a với dua

Nơi nơi dựng tượng lẫn xây chùa

Đau lòng quân đểu cơ càng lấn

Nẫu dạ người lành thế quá thua

Khoét khố, đục ngân thông mọi cấp

Cầu danh mưu lợi cả tư mùa

Bởi phường vô đạo cai cùng quản

Nên Thánh cùng Thần bị bán mua

CAO BỒI GIÀ

27-05-2017

CHỮ TU


CH TU

 

Lm lúc lng lòng cũng mun tu

Nhưng mà tht khó nói câu t

Bc tin phú quý quanh vòng n

Danh li vinh hoa qun cũi tù

C luyn lòng trong  nào d được

Gng rèn tâm tĩnh rõ nan ru !

Đc hèn nên mi theo đi ly

Say tnh, men nng ming li … tu!

CAO BI GIÀ

 

BÀI HỌA:

 

KHÓ TUU

 

Lên chùa mến Phật nẩy lòng tu

Khổ nỗi sân si khó chối từ

Đạm bạc rau rưa thôi cũng được

Phồn hoa sắc dục đoạn đành ru!

Ma tham đắm đuối bao đầy đọa

Quỷ ái đa mang lắm ngục tù

Bè bạn thương yêu luôn réo gọi

Chi bằng túm tụm rượu cùng tu.

Thanh Hòa

 

ĐỒNG HỌA:

 

SƯ DỎM

 

Trốn tránh việc đời nên giả tu

Áo nâu đội lốt Phật nhân từ

Tay lần tràng hạt...tha hồ liếc

Miệng đọc Di đà ..thoải mái ru

Lắm mợ hồi xuân rơi trúng hố

Nhiều cô chớm mộng lọt ngay tù

Tiền chùa công đức sư thầy hưởng 

Đêm đến rượu be hí hửng tu.

Thy Lệ Trang

 

CÙNG HỌA:

 

CHỮ TU

 

Tích đức tu hồn suốt kiếp tu

Dẫu cho thật khó chẳng ai từ.

Giữ lòng thanh đạm đường tăng phúc

Tránh bả vinh hoa thứ hãm tù.

Chọn ngữ thay từ nâng tứ dậy

Ca đời ngợi trẻ viết lời ru.

Đưa thơ dẫn thế noi phương thiện

Đâu cứ nam mô mới gọi tu .

Trần Như Tùng

 

TIẾP HỌA:

 

KHÓ TU

 

Đã nghiện thì ai chẳng khoái... tu ?

Tốn bao tiền của cũng chưa từ

Ngày luôn quanh quẩn bên bàn nhậu

Tối cứ loay hoay chốn " ngục tù "

Nếu gặp ma men không cưỡng nổi

Muốn xa thần chết dễ gì ru ?

Sơ gan cổ trướng tuy rình rập

Bợm rượu cha nào lại chịu tu ?

Thục Nguyên

 

HỢP HỌA:

 

TU THÂN 

 

Việc gì rời thế bỏ đi tu ?

Khổ hạnh đeo mang giống kiếp tù !

Cứ sống cõi trần rèn tính thiện

Chẳng mơ cửa đạo tụng kinh từ

Lánh đời trốn khổ nào đâu được

Tìm pháp mong lành khó lắm ru

Tích đức gieo nhân, tâm hạnh phúc

An nhàn thanh thản lọ cần tu ! .

Sông Thu

 

CŨNG HỌA:

 

MÊ TỈNH

 

Vẫn nguyện thầm mình cố gắng tu

Tham lam bỏn xẻn hãy nên từ 

Giận hờn tựa sống trong nhà lửa 

Nóng nảy như giam ở ngục tù

Dạ bỗng bình yên nghe Mõ tụng 

Lòng cùng thanh thản đọc kinh ru 

Tâm tư có lúc còn xao lãng 

Khi tỉnh ngượng ngùng nghĩ chuyện tu
Minh Thuý 

TIẾNG VIỆT ĐANG "MÉO MÓ" NHƯ THẾ NÀO

NHỮNG TỪ DÙNG SAI TRONG NGÔN NGỮ TIẾNG VIỆT

Trong ngôn ngữ giao tiếp và hành chính của người Việt chúng ta hiện nay, nhiều từ đã bị sử dụng không chính xác, bị biến nghĩa hoặc ghép từ một cách kệch cỡm. Điều này thể hiện tư duy tạm bợ và tinh thần thiếu trách nhiệm trong sử dụng ngôn từ. Việc đưa ra những khái niệm không chính xác này tạo thành một thói quen chấp nhận sự mù mờ trong định nghĩa từ, dễ gây hiểu lầm và tranh cãi, khiến cho văn bản kém tính chính xác. Đây là một bài chúng tôi sưu tầm, liệt kê các trường hợp sử dụng từ sai trong tiếng Việt hiện nay.

1.- Sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt.

CHUNG CƯ. Từ kép nầy được thành lập theo văn phạm Hán Việt ví tính từ đứng trước danh từ cho nên cả 2 từ phải đều là Hán Việt. Thế mà từ chung Hán việt không có nghĩa là chung chạ mà có nghĩa là cuối cùng. Vậy chung cư 終居 không phải là nơi nhiều người ở chung mà là nơi ở cuối cùng, tức là mồ chôn hay nghĩa địa. Vậy phải đổi từ chung cư thành chúng cư 衆居 thì mới ổn.

KHẢ NĂNG. “Khả năng” là năng lực của con người, có thể làm được việc gì đó. Thế mà người ta đã viết và nói những câu đại loại thế nầy: Hôm nay, khả năng trời không mưa. Khả năng con bò nầy sẽ chết vì bị bệnh… Nghe thực là kỳ cục và đáng xấu hổ. Tôi cho rằng, người ta đã nhầm lẫn giữa hai từ khả năng (capacité, capable) với khả dĩ (possibilité, possible). Nhưng thôi, chúng ta nên dùng từ thuần Việt là có thể, đúng và dễ hiểu, còn từ khả năng chỉ nên dùng để nói về năng lực mà con người mà thôi.

QUÁ TRÌNH. Quá là đã qua, trình là đoạn đường. Quá trình là đọan đường đã đi qua. Nói thế nầy là đúng: “Quá trình thực hiện công việc đã gặp nhiều trở ngại. Nhưng tôi lại thấy trong sách báo câu đại loại thế nầy: “Quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi là sẽ rất thuận lợi”.Thực là sai lắm rồi. Trong trường hợp nầy, phải dùng chữ tiến trình, đúng cho cả 3 thì quá khứ, hiện tại và tương lai.

HUYỀN THOẠI. Người viết, kể cả những người có bằng cấp cao, không chịu học tiếng Hán, mà lại thích dùng tiếng Hán để tỏ ra “ta đây” nên nhiều tiếng được dùng sai nghĩa một cách thực buồn cười. Thí dụ, tôi rất thường nghe đài truyền hình, truyền thanh và báo chí nói “huyền thoại Pelé” “huyền thoại Maradona”.. Người có học nghe thực chướng tai, nhưng người nói chẳng ngượng miệng chút nào. Tại sao nghe chướng tai? Huyền là màu đen, nghĩa bóng là sâu xa, mờ ảo, không có thực. Thoại là câu chuyện. Vậy huyền thoại là câu chuyện mờ mờ ảo ảo, không có thực, do truyền miệng mà ra. Thí dụ chuyện bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, chuyện ông Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đi đánh giặc Ân là những huyền thoại. Đằng nầy, ông Maradona, ông Pélé có thiệt 100% sao gọi là huyền. Và 2 càu thủ đó là con người sao gọi là thoại được. Nếu muốn dùng chũ huyền thoại để đề cao 2 cầu thủ đó thì phải nói thế nầy: “Cái tài của 2 ông nầy tưởng như chỉ có trong huyền thoại”. Ông bà mình thường nói: “Dốt thì hay nói chữ, có đúng trong trường hợp nầy hay không?”

HÔN PHU, HÔN THÊ. Hôn là cưới, phu là chồng, thê là vợ. Trong chữ phu và chữ thê đã có nghĩa của chữ hôn rồi cho nên gọi hôn phu và hôn thê là để chỉ người chồng người vợ là phi lý. Gọi hôn lễ (lễ cưới) hôn phối (lấy nhau) thì được. Còn nói hôn phu, hôn thê thì có thể hiểu 昬夫,昬妻 là nguời chồng u mê, người vợ u mê cũng như nói hôn quân 昬君 là nhà vua u mê vậy.

2.- Sai vì cố ý sửa nghĩa gốc Hán Việt

ĐỘC LẬP Độc là riêng một mình, Lập là đứng. Vậy theo nghĩa gốc Hán Việt, độc lập là đứng riêng rẻ một mình, không đứng chung với ai cả. Rõ ràng từ nầy là sai nếu dùng để diễn tả tình trạng của một quốc gia không lệ thuộc nước khác. Ngày nay, các quốc gia như thế đâu có đứng riêng một mình mà đều có liên hệ với nhau trong các tổ chức quốc tế. Vậy từ độc lập là sai. Tôi thấy Cụ Trần Trọng Kim, Cụ Dương Quảng Hàm dùng từ tự chủ để thay thế từ độc lập. Như thế là rất hay. Có người bảo với tôi rằng từ độc lập là do ông Tôn Dật Tiên đặt ra nên không thể bỏ được. Tại sao vậy? Ông Tôn Dật Tiên thì liên quan đến ngôn của Tàu chứ có liên quan gì đến ngôn ngữ Việt Nam. Tàu dùng sai thì chúng ta đâu có buộc phải theo cái sai của họ.

PHONG KIẾN.封建 Phong kiến gồm 2 chữ phong tước 封爵 (ban quan tước) và kiến địa 建地 (ban đất để dựng nước). Phong kiến chỉ chế độ hoàng đế phong tước cho người có công và cấp cho một vùng đất rất rộng để thành lập quốc gia, với quân đội, luật lệ và chế độ thuế má riêng biệt. Chế độ nầy hiện hữu ở đời nhà Chu bên Tàu với nước của thiên tử và nước của các chư hầu; từ nhà Tần trở đi thì chế độ phong kiến bị bị bãi bỏ và được thay bằng chế độ trung ương tập quyền. Chế độ phong kiến cũng tồn tại ở vài nước Âu châu như Pháp, chỉ vào thời Trung cổ mà thôi. Ở Việt Nam không bao giờ có chế độ phong kiến (féodalité) mà chỉ có chế độ quân chủ chuyên chế (royalisme absolu) mà thôi. Gọi chế độ quân chủ ở Việt Nam bằng từ phong kiến là sai. Có tài liệu còn bảo rằng sự cúng tế đình chùa là tàn tích của phong kiến thì càng sai hơn nữa.

TIÊU CỰC, TÍCH CỰC 消極, 積極 Hiện nay, người ta gán vào hai từ nầy ý nghĩa tốt xấu hết sức rõ rệt. Hành động nào tốt thì được gọi là tích cực; trái lại, hành động xấu thì gọi là tiêu cực. Thực ra, suy từ nghĩa gốc Hán Việt thì sự gán ép như thế là sai. Tich cực, tiêu cực tự nó không có sẵn tính chất tốt hay xấu mà chỉ ấn định cường độ của hành động mà thôi. Thí dụ, trong một đoàn đi làm việc phước thiện thì ai tích cực là tốt và ai tiêu cực là không tốt. Nhưng trong một bọn côn đồ đi tổ chức ăn cướp thì đứa nào tích cực lại là đứa xấu nhất. Trong truyện Tam quốc của Tàu, Từ Thứ, mưu sĩ của Lưu Bị bắt buộc phải về phục vụ dưới trướng của kẻ thù là Tào Tháo. Từ Thứ đã giữ thái độ tiêu cực nghĩa là không hiến mưu kế gì cho Tào Tháo. Thái độ tiêu cực nầy của Từ Thứ, từ cổ chí kim luôn luôn được khen ngợi; vậy tiêu cực có xấu đâu.

3.- Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm).

QUỐC GIỖ. Tôi có đọc được câu nầy: “Ngày giỗ tổ Hùng vương là ngày quốc giỗ”. Nói như vậy là sai. Giỗ là tiếng Nôm chứ không phải là tiếng Hán Việt nên không thể đặt sau tiếng quốc được. Hãy bỏ tiếng ngày quốc giỗ mà dùng tiếng thuần Việt là ngày giỗ cả nước, vừa đúng, lại vừa dễ hiểu, Nơi tiếng Hán, ngày giỗ là kỵ nhật 忌日.Ở một vài tỉnh của Trung Việt, người ta gọi ngày giỗ là ngày kỵ. Ta nên dứt khoát chỉ dùng từ Nôm là ngày giỗ để cho thống nhất toàn quốc.

GÓA PHỤ. Tôi đã gặp vài lần chữ góa phụ trong sách vở báo chí để chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Gọi như thế là sai vì tính từ góa là tiếng Nôm, không thể đặt trước danh từ phụ được. Phải gọi người đàn bà góa (toàn Nôm) hay người quả phụ (toàn Hán Việt) thì mới đúng.

ĐỆ NHẬT THÁC. Ở ngõ đi vào của một địa điểm du lịch, có hàng chữ to tướng dùng để quảng cáo “Nơi đây có đệ nhất thác”. Viết như thế là sai. Đặt 2 chữ đệ nhất (tiếng thêm nghĩa) trước chữ thác (tiếng chính), là theo văn phạm Hán Việt thì cả hai chữ đều phải là tiếng Hán Việt mới được. Ở đây, tiếng thác là thuần Nôm, thế là bậy rồi. Không có` tiếng Hán Việt nào có nghĩa thác nước. Thác theo tiếng Hán là bộc bố , nhưng đó lại là tiếng Hán thuần túy nghĩa là chưa được Việt hóa thành tiếng Hán Việt nên chưa thể dùng được. Trong trường hợp nầy, nên viết “Nơi đây có thác đẹp nhất”, vừa đúng, vừa dễ hiểu lại vừa hấp dẫn khách du lịch.

4.- Sai vì không phân biệt được văn phạm Hán Việt với văn phạm Nôm.

X QUANG. Mỗi lần có chuyện phải vào bệnh viện là tôi rất khó chịu khi nhìn thấy cái bảng “Phòng X quang” Tôi khó chịu vì cái chữ X quang nầy phạm đến 2 lỗi. Một là lỗi về ngữ pháp và một lỗi vể kiến thức khoa học. Về ngữ pháp, quang là tiếng chính, X là tiếng bổ nghĩa. Đặt tiếng bổ nghĩa trước tiếng chính thì đích thị sử dụng văn phạm Hán Việt rồi. Mà muốn dùng lối văn phạm nầy thì cả 2 chữ đều phải là tiếng Hán Việt. Ở đây X là một mẫu tự latin thì sai quá đi rồi. Về khoa học, quang có nghĩa là sáng, ở đây chỉ tia sáng. Tia sáng là tia kích thích được tế bào thị giác để tạo ra ấn tượng sáng. Trong chuỗi sóng điện từ, các tia nầy chỉ chiếm một khoảng rất nhỏ bé với độ dài sóng từ 400 nano mét đến gần 800 nano mét mà thôi. Trong khi đó, tia X (với độ dài sóng từ 0,1 đến 10 nano mét) cách tia sáng khá xa, không kích thích được tế bào thị giác thì chắc chăn không phải là tia sáng rồi. Cho nên dùng chữ QUANG cho tia X là sai be bét về vật lý sơ đẳng của lớp 12 trung học. Tôi chẳng hiểu ông “đại giáo sư tiến sĩ” nào đã bày ra cái tên X QUANG đó. Tại sao không dùng chữ “TIA X” như trước đây ở miền Nam, vừa hay, vừa đúng, vừa đại chúng, vừa thuần túy Việt Nam. Không lẽ người ta muốn dùng chữ “X QUANG” để chứng tỏ ta đây biết “nói chữ” hay sao?

BÊ TÔNG HÓA con đường. Bê tông là từ phu, hóa là từ chính. Đây cũng là văn phạm Hán Việt. Để thành lập từ kép thì cả 2 từ đơn đều phải tiếng Hán Việt. Ở đây bê tông lại là tiếng Pháp (béton) phiên âm ra, do đó nói bê tông hóa là sai. Ngoài ra, nghĩa cũng sai vì từ bê tông hóa được dùng phải được hiểu là con đường đà được biến hóa thành một khối bê tông. Vì vậy, không nên nói bê tông hóa mà nói một cách bình thường: tráng bê tông con đường, vừa đúng lại vừa dễ hiểu.

Còn một lô HÓA rất bậy bạ trong sách vở báo chi, trong chương trình truyền thanh, truyền hình như : nghèo hóa, giàu hóa, no hóa, đói hóa, khôn hóa, dại hóa, vân vân. Tội nghiệp cho ngôn ngữ Việt Nam!

NỮ NHÀ BÁO Tôi còn nhớ, trong chiến tranh I rắc, sau khi lính Mỹ bắn nhầm nhân viên tình báo của Ý bảo vệ người nữ phóng viên vừa được bọn bắt cóc trả tự do, các đài truyền hình ở Việt Nam loan tin nhiều lần và nhắc đi nhắc lại nhóm từ nữ nhà báo. Thực là quá tệ! Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi và phải nói “nhà báo nữ” Còn muốn dùng văn phạm ngược thì phải dùng 3 từ Hán Việt: “nữ phóng viên” hay “nữ ký giả”. Ban biên tập các đài truyền hình không biết điều nầy sao?

TRIỀU CƯỜNG. Từ lâu rồi, tôi thấy xuất hiện rất thường xuyên hai từ triều cường khi người ta nói đến thủy triều trên song.. Hai chữ nầy có thể thay đổi vị trí trước sau và có hai ý nghĩa khác nhau. Cường triều gồm tính từ đứng trước danh từ thì tương đương với một danh từ và có nghĩa là con nước lớn (haute marée). Triều cường thì lại là một mệnh đề gồm một danh từ triều và một động từ cương và có nghĩa là con nước đang lớn lên (la marée monte). Lúc nào cũng dùng chữ triều cường thì có thể sai hơn phân nửa trường hợp rồi. Nhưng tại sao không nói con nước lớn (danh từ) và con nước đang lên (mệnh đề) vừa đúng lại vừa phù hợp với trình độ và thói quen của đại chúng.

HẠT NHÂN. Đây là từ vật lý học chỉ các hiện tượng xảy ra bên trong cái lõi hay cái nhân của nguyên tử. Miền Nam trước đây gọi là hạch tâm. Hạch là cái hạt, tâm là cái lõi hay cái nhân bên trong . Hạch tâm là cái nhân của hạt. Đó là từ ghép theo văn phạm Hán Việt vì cả 2 từ đều là Hán Việt. Bây giờ người ta chuyển sang dùng 2 từ Nôm thì phải theo văn phạm nôm và phải gọi là “nhân của hạt” hay nhân hạt, cũng như bên ngoài gọi “vỏ hạt” chứ không thể gọi là “hạt vỏ” được. Gọi phản ứng hạt nhân, là sai với văn phạm rồi. Cần phải sửa lại: phản ứng nhân hạt mới đúng. Tuy nhiên, theo tôi, nên giữ từ phản ứng hạch tâm thì hay hơn nhiều. Từ nầy không phải là từ của giới bình dân nên cứ giữ tiếng Hán Việt, không cần chuyển sang tiếng Nôm.

TẶC. Từ Hán Việt nầy đang được dùng một cách rất bậy bạ và rất thường xuyên như bọn tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, để chỉ những tên ăn trộm. Dùng như thế là phạm vào 2 điều sai. Thứ nhất là sai về ngữ pháp: một từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép. Thứ hai là sai về nghĩa. Tặc có nghĩa là ăn cướp, đạo mới có nghĩa là ăn trộm, thí dụ đạo văn 盜文 là ăn trộm văn của người khác. Tại sao người ta không nói một cách giản dị và đúng là: bọn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê. . . Cũng cần nói thêm về một từ đang được nhiều báo đem dùng. Đó là từ đinh tặc để chỉ bọn rải đinh trên đường phố. Đinh là một từ có gốc Hán Việt nhưng đã được Việt hóa hoàn toàn rồi nên ghép với từ tặc thì không ổn. Vả lại, nói đinh tặc là sai nghĩa vì từ đó có nghĩa là bọn ăn cướp đinh; thôi bỏ từ đó đi và nên nói một cách giản dị là “bọn rải đinh” thì hơn.

Còn vô số những từ sai khác cùng nguyên nhân trên đây như:

Lớp trưởng, phải sửa lại trưởng lớp,

 

Nhóm trưởng, phải sửa lại trưởng nhóm

Siêu rẻ, phải sửa lại rất rẻ

Siêu bền, phải sửa lại rất bên

Vi sóng, phải sửa lại vi ba hay sóng ngắn

Vân vân…

 

5.- Dùng từ vô nghĩa

Bệnh viện DA LIỄU. Lần đầu tiên, thấy bảng chữ nầy, thú thật tôi không hiểu là cái gì. Sau hỏi người bạn bác sĩ mới biết đó là “nhà thương chữa bịnh ngoài da và bệnh hoa liễu”. Trời đất! Da là từ thuần Việt. Hoa liễu là từ Hán Việt, sao lại nhập chung một cách kỳ cục như thế. Xét về nguồn gốc, chữ Hán Hoa liễu 花柳 có nghĩa là ổ điếm chứ không phải là một bịnh. Về sau, người ta dùng nhóm từ kép “bịnh hoa liễu” để chỉ cái bịnh lây qua đường tình dục cho những người hay lui tới các hoa liễu. Dùng riêng chữ hoa liễu cho một bịnh đã là sai rồi. Bỏ luôn chữ hoa, chỉ còn chữ liễu thôi thì càng tệ hơn nữa. Riêng chữ liễu thì có nghĩa là cây liễu. Bệnh viện da liễu tức là bệnh viện chuyên chữa cho bịnh ở da của cây liễu !!!

ĐẠI TRÀ. Tôi nhớ sau năm 1975, một người bạn dạy sử địa kể rằng, lần đầu tiên đọc sách giáo khoa từ miền Bắc đưa vào gặp câu: “Cây chè được trồng đại trà ở vùng nầy”. Anh ta hơi hoảng vì dạy sử địa bao năm mà bây giờ không hiểu đại trà là gì. Đại là lớn, còn trà là gì? Anh về lật nhiều tự điển kể cả tự điển Hán Việt ra tra thì chẳng thấy chữ đại trà ở đâu cả. Hỏi thăm mãi anh mới rõ trồng đại trà là trồng rộng rãi khắp nơi. Có lẽ ai đó nổi hứng bịa ra từ vô nghĩa đó để thay thế từ dễ hiểu và có sẵn, rồi sau đó những người khác bắt chước nói theo. Ngôn ngữ mà biến chuyển như thế thì cũng đáng buồn.

SỰ CỐ. Lại một từ vô nghĩa nữa nhưng đang được dùng một cách rộng rãi để chỉ một sự rắc rối vừa mới xảy ra. Trong tiếng tiếng Hán Việt có từ kép cố sự 故事 có nghĩa là chuyện cũ chứ làm gì có từ sự cố. Cái nghĩa mà hiện nay người ta gán cho từ vô nghĩa đó thực là lạ lùng, không thể chấp nhận được.

HOÀN CẢNH. Trong một bài báo, người ta viết: “Cô ây sống hoàn cảnh lắm”. Đố các bạn biết người ta muốn nói gì? Xin thưa, muốn nói “Cô ấy đang sống trong hoàn cảnh bi thảm”!!! Các bạn có chịu nổi với cách viết văn như thế đó không ?

ĐÔI CÔNG. Kể từ giải túc cầu thế giới tại Nam Phi, đài truyền hình ở Việt Nam bịa ra một từ mới, đó là từ đôi công và rất thường được lặp đi lặp lại. Theo dõi nhiều trận, tôi mới hiểu ý của các ông trời đó muốn nói: 2 đội chơi đôi công nghĩa là cả 2 đội đều chơi tấn công. Đôi là một cặp (tiếng Nôm), công là tấn công (tiếng Hán Việt). Vậy đôi công là một từ bậy bạ do người kém hiểu biết bịa ra mà hiệu quả rõ ràng là làm xấu đi ngôn ngữ của dân tộc mình. Có người nghĩ rằng, cứ bịa ra những từ mới là làm giàu cho ngôn ngữ. Quan niệm như thế là sai; cũng như muốn làm giàu thì kiếm được thực sự nhiều tiền chức không phải cứ nhét vào tủ các thứ giấy tờ bậy bạ mà gọi làm giàu được.

XÂY DỰNG. “Anh Hai tôi quyết định xây dựng với người yêu của mình” Các bạn đừng tưởng rằng 2 người quyết định đi xây nhà để ở nhé. Không, 2 người quyết định làm đám cưới dó. Viết văn như thế thì hết chỗ để phê bình rồi.

6.- Dùng sai nghĩa từ thuần Việt.

NGƯỠNG. Người ít học cũng biết ngưỡng là một giới hạn rất xác định, một gạch ngang rõ nét, và bước qua vạch ngang đó thì mọi việc sẽ thay đổi một cách căn bản. Thí dụ, ngưỡng cửa là một đường ngang, bên trong là phòng, bên ngoài là sân hay mái hiên chứ không còn là phòng nữa. Một thí dụ khác: khi lượng glucose trong máu tăng lên và vượt qua ngưỡng 1% thì đường thoát ra ngoài theo nước tiểu, còn dưới cái ngưỡng đó thì không hề gì. Ngưỡng có nghĩa rõ ràng như thế và học sinh nào cũng biết. Thế mà mổi đêm, trong mục dự báo thời tiết, xướng ngôn viên cứ lải nhải; nhiệt độ đạt ngưỡng từ 32 đô đến 35 độ. Nghe chịu hết nổi. Tôi không trách người xướng ngôn vì bản tin không phải do người xướng ngôn viết mà do các đấng đại trí thức trong ban biên tập viết nên.

KIÊU NGẠO. Có người nhờ tôi giải thích một câu nói trong sách báo nào đó :”Thằng A hay kiêu ngạo người khác.” Tôi không giải thích được vì không rõ câu nầy có nghĩa: “thằng A thường tỏ ra kiêu căng với người khác”, hay là “thằng A thường chế nhạo người khác”. Chắc chắn cả 2 cách giải thích đều không ổn vì dùng từ kiêu ngạo như thế là sai rồi thì không thể có cách nào giải thích câu nói cho đúng được.

TRAO ĐỔI. Từ nầy có nghĩa là đưa qua đưa lại các vật với nhau. Ngày nay người ta lại dùng từ nầy một cách sai lầm để thay thế cho từ bàn bạc hay thảo luận. Thí dụ: “Để thực hiện chỉ thị, tôi đã trao đổi với đồng chí chử tịch”

7.- Dùng từ thiếu chính xác

CHẤT LƯỢNG. Chất là cái khối chứa bên trong một vật (matière) lượng là tính chất của cái gì có thể cân đo đếm được (quantité). Vậy chất lượng hay khối lượng là cái chất bên trong của một vật có thể đo lường được (masse). Thí dụ: “khối lượng hay chất lượng của một vất là 1 kilo gramme”. Thế mà ngày nay người ta dung từ chất lượng để chỉ cái tính tốt xấu của một vật, không thể đo đếm được (qualité). Thí dụ: “Chất lượng của nước giải khát nầy kém lắm, uống không ngon má cò có hại cho sức khỏe nữa”.

CẢM GIÁC. 感覺 Đó là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể. Thí dụ: “Gió về khuya gây cảm giác lạnh. Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm”. Ngày nay, người ta thường dùng từ cảm giác thay cho từ cảm nghĩ. Thí dụ: ‘Với tình hình nầy, anh có cảm giác thế nào?”. Thực là sai một cách trầm trọng.

THỐNG NHẤT. Thống nhất 統一 là làm biến mất tình trạng chia rẻ bắng cách gom các thứ về một mối. Ngày nay người ta lại thường dùng từ thống nhất để diễn tả sự đồng ý, cùng chung quan điểm. Thí dụ, người ta đã nói: “Để thực hiện tốt chỉ thị, tôi cần thống nhất đồng chí chủ tịch”. Nói như vậy là sai.

GIẢI PHÓNG . Giải phóng 解放 là một từ thường dùng trong lĩnh vực chính trị để chi công cuộc cởi bỏ áp bức, trói buộc cho con người. Ngày nay, người ta lại dùng một cách sai lầm từ nầy cho vật chất. Thí dụ: người ta nói giải phóng mặt bằng thay cho từ đúng là giải tỏa mặt bằng.

ĐĂNG KÝ. Đăng ký 登記 là chép vào sổ một vật được đưa đến. Thế mà ngày, người ta nói: “Tôi đã đăng ký đi nước ngoài” Nghe như người ta sẽ gói tôi lại rồi đem gởi ra nước ngoài. Với con người, không thể nói đăng ký mà phải nói: ghi danh hay ghi tên mới đúng.

8.- Từ vựng lộn xộn.

LÁI XE. Đó rõ ràng là một động từ, hay đúng hơn là một từ kép gồm một động từ và một túc từ. Tuy nhiên, ngày nay người ta cũng dùng từ nầy để chỉ người lái xe, tức là danh từ. Vì vậy, người ta có thể nói: “Sáng nay, lái xe đang lái xe gặp một lái xe khác cũng lái xe, cả hai lái xe cùng lái xe về nhà.” Thực là buồn cười. Trước đây ở miền Nam, lái xe dứt khoát chỉ là động từ, còn danh từ phải là người lái xe hay muốn nói gọn hơn thì dùng từ phiên âm Quảng Đông (?), tài xế cũng được rõ ràng minh bạch.

YÊU CẦU. Đây là một động từ. Thí dụ: “Tôi yêu cầu anh đi ngay”. Sau 75, tôi gặp ngay trong giáo án (tài liệu chính thức để dạy học) 2 chữ: mục đích và yêu cầu. Động từ yêu cầu đã biến hẳn thành danh từ.

NGHIÊN CỨU SINH. Sinh là tiếng Hán Việt. Dùng làm động từ thì sinh có nghĩa là sống, còn dùng làm danh từ thì sinh có nghĩa là con người đang sống. Thí dụ học sinh là người đi học, giáo sinh là người đi dạy. Nguyên cứu sinh là người đi nghiên cứu. Rõ ràng như vậy, thế mà tôi đã nghe người ta nói và đã thấy người ta viết những câu như “Con tôi được đi nghiên cứu sinh tại Trung quốc” Như thế là nói bậy vì lấy một danh từ làm động từ!

ẤN TƯỢNG. Theo cụ Đào Duy Anh, ấn tượng 印象(impression) là cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in sâu vào óc. Vậy ấn thượng là một danh từ của tâm lý học. Thế mà ngày nay người ta đem dùng làm tính từ như “cảnh đó rất ấn tượng”, và cả động từ nữa, như “tôi rất ấn tượng cảnh đó”. Hết sức bậy bạ

THẦN TƯỢNG. 神像 Từ nầy có nghĩa là hình tượng cao quý như thần. Vậy đây là danh từ nhưng, cũng như chữ trên đây, thần tượng được dùng như tính từ như “người đó rất thần tượng”, rồi cả động từ nữa “anh có thần tượng đồng chí đó không?”

TRÊN. Rõ ràng đây là một giới từ, bây giờ lại trở thành danh từ. Thí dự: “Cần phải báo cáo cho trên rõ” hay “trên bảo, dưới không nghe”.

LÀM TỐT. Tốt là một tính từ bổ túc nghĩa cho danh từ, như hạnh kiểm tốt, sức khỏe tốt. Ngày nay tốt được dùng làm trạng từ bổ túc nghĩa cho động từ, như làm tốt, học tốt, thay vi nói làm giỏi, học giỏi.

LÃNH ĐẠO. Tôi không tìm thấy chữ nầy trong các tự điển Hán Việt nhưng lại có trong tự điển của Tàu hiện nay 领导 và có nghĩa là điều khiển, hướng dẫn con đường đi. Vậy rõ ràng đây là một động từ. Tuy nhiên ngày nay người ta lại dùng làm danh từ. Thí dụ: “Lãnh đạo đã chỉ thị như thế”

Sự rối loạn về từ vựng trong ngôn ngữ thực là điều rất đáng tiếc. Từ đầu thế kỷ 20, do ảnh hưởng của tiếng Pháp, ngôn ngữ Việt Nam dần dần được minh bạch về từ vựng nên trở nên sáng sủa và rõ nghĩa, nay có biểu hiện rối rắm về từ vựng và trở nên tối tăm, có lẽ do mấy ông đi học bên Tàu về. Tiếng Tàu thì rất lôi thôi về từ vựng, ai cũng rõ điều đó.

9.- Cóp tiếng Tàu đang dùng.

LƯU BAN. Học sinh kém quá không được lên lớp thì gọi là lưu ban. Trong tiếng Tàu hiện nay, ban là lớp học nhưng với tiếng Hán Việt (gốc từ tiếng Tàu đời Đường) thì ban không phải là lớp học mà có nghĩa rất xa lạ (ban phát, hạng thứ, đem quân trở về). Do đó, dùng tiếng lưu ban để nói học sinh không được lên lớp thì không ổn chút nào. Dùng chữ lưu cấp 留級 thì gần đúng nghĩa hơn. Nhưng thôi, lưu ban, lưu cấp làm chi. Mình đã có chữ thuần Việt đã dùng từ lâu là ở lại lớp, rất hay vì phụ huynh học sinh nào cũng hiểu được.

TRANH THỦ. Đây là từ mới được đưa vào Nam sau 1975, và có nghĩa là lợi dụng tình hình để làm được việc gì đó. Thí dụ: “trong chuyến đi tham vừa qua, anh ấy đã tranh thủ kiếm chác được chút ít” Tôi đã cố tìm hiểu xuất xứ của từ nầy và nhận ra rằng từ tranh thủ không có trong tiếng Hán Việt nhưng hiện nay đang được dùng bên Tàu.

Việc đem tiếng Tàu hiện nay, phiên âm Hán Việt rồi nhập vào ngôn ngữ Việt Nam là đều điều không hợp lý vì nó sẽ làm rối rắm ngôn ngữ của mình. Nên nhớ tiếng Hán Việt có nguồn gốc tiếng Hán ở đời Đường chứ không phải là tiếng Tàu ngày nay, đã khác khá nhiều với tiếng Tàu đời Đường, về phát âm cũng như về ý nghĩa. Thí dụ,大家 , tiếng Hán Việt đọc đại gia và có nghĩa là người hay gia đình có vai vế trong xã hội, trong khi đó tiếng Tàu hiện đại đọc là dà jià và có nghĩa là tất cả mọi người. Một thí dụ khác: 東西 tiếng Hán Việt đọc là đông tây và có nghĩa là 2 phương hướng, trong khi tiếng Tàu hiện đại đọc là dòng xì và có nghĩa là hàng hóa. Cho nên tiếng Tàu ngày nay phải được xem là ngoại ngữ đối với ngôn ngữ Việt Nam và không nên nhập một cách bừa bãi vào tiếng Việt.

10.- Đảo ngược từ kép làm sai nghĩa.

ĐIỂM YẾU Từ kép nầy gồm 2 tiếng đơn ghép theo văn phạm Nôm có nghĩa là cái điểm không mạnh. Có người đem đảo ngược lại thành yếu điểm theo văn phạm Hán Việt thì lại có nghĩa hoàn toàn khác hẳn: điểm rất quan trọng.

THẤP ĐIỂM. Từ nầy thường được dùng sai một cách thực buồn cười. Cao là tiếng Hán đã được Việt hóa, nên có thể dùng theo văn phạm Hán hay Nôm cũng đều có một nghĩa duy nhất là “ở phía bên trên”. Thí dụ: điểm cao và cao điểm cùng một nghĩa. Trong khi đó thấp lại có hai nghĩa khác nhau tùy theo tiếng Hán hay Nôm. Theo tiếng Nôm thì thấp có nghĩa là ở bên dưới, nhưng với tiếng Hán thi thấp có nghĩa là ẩm ướt.. Vì vậy, khi nói điểm thấp thì đó là chỗ ở dưới thấp, nhưng khi đảo lại thành thấp điểm thì có nghĩa là nơi ẩm ướt. Thực là buồn cười khi đọc báo thấy: “giao thông giờ cao điểm, giao thông giờ thấp điểm” hay “dùng điện lúc cao điểm và dùng điện lúc thấp điểm”

11.- Đảo tư kép bừa bãi và không cần thiết.

XA XÓT. Tôi đọc được cách đảo kỳ cục trong một tác phẩm bán rất chạy trong thời gian gần đây. Nguyên câu đã viết là: “…ông Năm xa xót nhìn hai đứa trẻ….”. Đảo từ như thế là bừa bãi, chẳng nhằm lợi ích gì. Với văn vần thì có thể tạm chấp nhận sự đảo từ cho hợp thi luật; nhưng với văn xuôi thì không thể đảo từ một cách bừa bãi được.

Còn rất nhiều từ kép bị đảo xuôi đảo ngược vô tội vạ nữa: Nguy hiểm / hiểm nguy; đơn giản / giản đơn; khai triển / triển khai; từ chối / chối từ; bảo đảm / đảm bảo; bền vững / vững bền; minh chứng / chứng minh; phục hồi / hồi phục; biệt ly / ly biệt; tha thướt / thướt tha; thẩn thờ / thờ thẩn; tranh đấu / đấu tranh; thơ ngây / ngây thơ; xúc cảm / cảm xúc; quang vinh / vinh quang; kinh hoảng / hoảng kinh; ái ân / ân ái …..

Ôi thôi, nhiều quá, quá nhiều, không sao kể hết ngay tức thì được.

Có lẽ trên thế giới, không ngôn ngữ nào có các từ bị đảo ngược lung tung như ngôn ngữ Việt Nam hiện nay.

Cứ cái đà nầy, tôi e có ngày mình sẽ đọc được một câu thế nầy: “Người sĩ-chiến sinh-hi ngoài trận-mặt để vệ-bảo quốc-tổ, dân-nhân ở phương-hậu phải tỏ lòng ân-tri với các hùng-anh sĩ-liệt”!!!

12.- Ghép từ bừa bãi.

KÍCH CẦU. Đó là nhóm từ “kich thích nhu cầu tiêu thụ” được ghép cho ngắn lại làm cho nghĩa trở thành hết sức tối tăm. Nghe từ ghép “kích cầu”, tôi cứ tưởng công việc của mấy ông công chánh đang thực hiên ở dưới sông. Cách ghép nấy nghe rất chướng tai nhưng lại rất phổ biến hiện nay.

GIAO HỢP. Có một chuyện ghép từ rất khôi hài mà người ta thường hay kể lại. Chuyện thế nầy: Đồng chí giám đốc phái một nữ nhân viên qua một xí nghiệp bạn với lời dặn đò cẩn thận: “Cô hãy sang đó và cố gắng thuyết phục cho họ chịu giao hợp nhé”. Ý đồng chí giám đốc muốn nói giao hợp có nghĩa là giao thiệp và hợp tác; không biết cô nữ nhân viên có hiểu đúng ý đồng chí giám đốc hay không

13.- Dùng từ dao to búa lớn

CHIẾN. Đá bóng chỉ là một trò chơi thể thao thuần túy thế mà các xướng ngôn viên và bình luận viên của chúng ta luôn luôn gọi đó là cuộc chiến. Cuộc chiến thì phải có đổ máu, phải có quyết tâm tiêu diệt kẻ thù hay ít ra làm cho kẻ thù phải khốn đốn. Một hôm đi ngang qua sạp báo tôi thấy một tờ báo chạy một cái tựa rất lớn ở trang nhất: “nội chiến ở bán đảo Ibérique”. Tôi giật mình không hiểu tại sao giữa hai nước anh em Tây ban nha và Bồ đào nha lại nổ ra chiến tranh. Tôi vội vã móc tiền ra mua ngay tờ báo đó rồi chạy nhanh về nhà để đọc. Đọc xong, tôi ngã ngửa, Thì ra, trong một cuộc bốc thăm do FIFA tổ chức, hai đội tuyển bóng tròn của Tân ban nha và Bồ đào nha gặp nhau trong cuộc chơi play-off. Thế mà người ta dám gọi là nội chiến. Xin chào thua cách dùng ngôn từ Việt Nam ngày nay.

CHIẾN ĐẤU. Tôi đã từng nghe nói: “Chúng ta phải cương quyết chiến đấu với tư tưởng sai trái”. Nghe thực đáng sợ.

NGÀI. Đã có lúc, nhân danh lập trường giai cấp, lập trường ta bạn thù, người ta gọi các lãnh tụ của nước tư bản bằng thằng nọ thằng kia. Bây giờ, chúng ta chơi với tư bản thì ai người ta cũng gọi bằng “ngài”. Ngài thủ tướng, ngài đại sứ, ngài nghị sĩ, vân vân. Nghe có vẻ nịnh bợ quá đi thôi.

THAM QUAN. 參觀 Đi chơi để ngắm cảnh thì gọi là tham quan, có nghĩa là tham dự vào một công cuộc xem xét, nghiên cứu. Gọi thế mới hách chứ.

NGHIÊN CỨU SINH. Đi học thêm ở ngoại quốc, chuyện quá tầm thường, nhiều khi lợi dụng làm chuyện bậy bạ, lại tự tâng bốc mình là đi nghiên cứu.

14.- Dùng từ Hán Việt thay từ Nôm một cách kỳ cục.

KHẨN TRƯƠNG Một đồng nghiệp của tôi định cư tại Uc từ năm 1975. Cách đây vài năm, thầy về Việt Nam lần đầu tiên và dùng tàu hỏa ra Hà nội thăm quê. Giữa khuya, tàu đến ga Đồng hới thuộc tỉnh Quảng bình. Đang ngủ say, bỗng thầy giật mình tỉnh dậy vì tiếng loa “… hành khách khẩn trương lên”. Thầy hoảng hồn phóng xuống giường, chạy ra khỏi buồng của toa xe vì tưởng xe trật đường rầy hay có hỏa hoạn xảy ra. Nhưng không, nhân viên trên toa tàu chỉ nhắc nhở hành khách nào xuống tàu ở ga nầy thì nhanh lên, thế thôi! Tội nghiệp, thầy Phụng hoảng hồn cũng phải vì ở miền Nam trước đây, ngươi ta ăn nói một cách giản dị và chỉ hay dùng tiếng Hán Việt trong văn chương và khi có việc nghiêm trọng mà thôi.

BÁO CÁO. Một người bạn đã nói với tôi: “Báo cáo anh, chiều nay tôi phải lên xe về Hà nội”. Tôi nghe chữ báo cáo thì cứ tưởng anh ta đang nói với một vị tư lệnh trên chiến trường.

15.- Thay từ Hán Việt thông dụng bằng từ Nôm bất hợp lý.

MÁY BAY LÊN THẲNG. Cái loại máy bay có thể bay lên mà không cần phi đạo, ngày trước người miền Nam, từ thành thị đến thôn quê, từ người có học đến người thất học, đều gọi bằng một cái tên rất gọn là trực thăng. Sau 1975, người ta sửa lại là máy bay lên thẳng, không hiểu lý do tại sao.

LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ. Ngày trước miền Nam có một binh chủng đặt tên là Thủy quân lục chiến. Đó gần như là một danh từ riêng. Sau 75 thì sửa lại là lính thủy đánh bộ cho có vẻ nôm na, dù thủy và bộ vẫn là tiếng Hán Việt. Có người bảo rằng cái gì của ta thì dùng tiếng Hán Việt mới bảnh, còn cái gì của kẻ thù thì dùng tiếng Nôm để làm giảm giá trị. Nếu quả đúng như thế thì đó thực là một quan niệm hết sức sai lầm và xúc phạm một cách trầm trọng đến giá trị tiếng thuần Việt của dân tộc mình.

16.- Chưa có được những từ thỏa đáng cho khoa học và kỷ thuật hiện đại.

COMPUTER dịch là máy vi tính là không thỏa đáng. Máy vi tính có nghĩa là máy dùng làm những phép tính rất nhỏ. Chức năng của computer không phải chỉ như thế. Xin để dành cho các nhà chuyên môn về kỷ thuật và các nhà ngôn ngữ nói chuyện với nhau để chọn từ cho chính xác.

INFORMATION TECHNOLOGIE dịch là tin học, cần xét lại 2 điểm. Thứ nhất, tecgnologie là một kỷ thuật, dịch bằng một chữ học trơ trọi thì không ổn. Thứ hai, muốn dùng từ kép “tin học” thì 2 từ đơn phải đều là tiếng Hán Việt. Nhưng tin là tiếng Nôm còn tín mới là tiếng Hán Việt. *ON LINE, OFF LINE, dịch là trực tuyến và ngoại tuyến thì e không ổn. Ở tiếng Mỹ, on và off là 2 từ đối nghịch nhau thì dịch sang tiếng Việt cũng cần 2 từ đối nghịch nhau mới được. Cho nên dùng 2 từ trực và ngoại thì chẳng ổn chút nào. Một lần nữa, chúng ta chờ đợi sự bàn bạc giữa các chuyên viên kỹ thuật và ngôn ngữ.

(trich TrieuThanh Magazine)


http://chchkim.blogspot.com/2015/08/nhung-tu-dung-sai-trong-ngon-ngu-tieng.html?m=1