Thứ Hai, 6 tháng 7, 2015

"CHỢ TRỜI ...VTV


Truyền hình “gốc rễ” , ối Giời ơi!

Bát nháo không thua chốn chợ trời

Cổ súy cho trò  xào nấu nhạc

Tung hô cả chuyện chế phăng lời

Tác quyền coi rẻy như bỡn

Luật pháp khinh thường cứ tựa chơi

Đem cả “Nệ Dơi” lên sóng nữa

Vừa xem vừa duyệt, hí ha …cười!

.               CAO BỒI GIÀ

.               06-07-2015

 

Theo báo Người Lao Động (05-07-2015):

Quá ngạc nhiên với VTV! | Báo Người Lao Động Online

Chương trình “Cuộc sống thường ngày” phát trên kênh VTV1, chiều 4-7, khiến người xem quá đỗi ngạc nhiên khi đưa lên sóng truyền hình quốc gia gương mặt chế nhạc, được giới thiệu là đang ăn khách trên mạng bằng những bài nhạc chế do anh chế lời từ những ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ trong nước và tự trình bày: Bùi Nhật Anh.

Ngoài những lời hỏi han về công việc, quy trình làm ra sản phẩm, sở thích cá nhân, biên tập viên của chương trình đã dành nhiều lời khen ngợi tài chế nhạc của Bùi Nhật Anh và khuyến khích anh ta tiếp tục phát triển cái mà biên tập viên này gọi là “làm mới tác phẩm âm nhạc” (?!).

Nhạc chế là khái niệm dùng để chỉ những phần lời đặt mới cho những ca khúc nổi tiếng được đông đảo công chúng biết đến, đang được phổ biến đầy trên các mạng xã hội, với đủ các nội dung khác nhau, từ những lời hay ý tốt đến cả những lời thô tục, được thể hiện bằng nhiều phương tiện khác nhau: âm thanh và hình ảnh, có những clip được thu âm và quay hình khá chuyên nghiệp.

Đây không thể gọi là làm mới tác phẩm âm nhạc như các ca sĩ chuyên nghiệp đã làm là remix (làm mới phần hòa âm và phong cách trình diễn).

Về luật, chế nhạc là hành vi vi phạm khi chưa được tác giả ca khúc cho phép. Điều này đã được quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ tại các điều 19, 20 và 28. Theo đó, quyền nhân thân bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào là xâm phạm quyền tác giả.

Không phải đến bây giờ mới có nhạc chế lời. Ca khúc càng nổi tiếng càng được nhiều người chế lời để hát. Nhưng nhạc chế cũng như chuyện tiếu lâm dân gian, chỉ truyền khẩu để mua vui cho nhau trong một nhóm người, cộng đồng nào đó chứ không trở thành tác phẩm được phép xuất bản và công diễn hợp pháp, nếu nội dung lời hát chế không phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và không được tác giả ca khúc cho phép.

Việc một số chương trình hài diễn trên các sân khấu, phát sóng trên truyền hình có sử dụng bài hát nổi tiếng chế lại lời nhằm tạo thêm gia vị cho tiếng cười của khán giả, như chương trình “Táo Quân - Gặp nhau cuối năm trên VTV”, “Ơn giời! Cậu đây rồi”... dễ khiến mọi người lầm tưởng hành vi chế nhạc là không bị cấm. Cứ có sự kiện nóng được nhiều người quan tâm là có ngay mấy bài nhạc chế tung lên mạng.

Có những bài nhạc chế với nội dung ca từ hay, ý nghĩa được nhiều người cùng tâm trạng, suy nghĩ chia sẻ nhưng phần nhiều là nội dung nhảm, lời thô tục, phản cảm. Dù nội dung có ý phê phán hình ảnh chưa hay, chưa đẹp của người thầy hôm nay nhưng khi nghe bài “Bụi phấn” chế lời mới của Bùi Nhật Anh tung lên mạng trong ngày 20-11 cảm thấy mất hết tinh thần tốt đẹp, những giá trị cao cả về hình tượng người thầy được nhạc sĩ Vũ Hoàng và Lê Văn Lộc vẽ lên trong bài “Bụi phấn”. Nghe bài chế lời từ ca khúc “Nội tôi” (Đình Văn) để xỉa xói Cục Điện ảnh của Hồ Minh Tài vì phim “Bụi đời Chợ Lớn” không được cơ quan này cấp phép phổ biến thì mục đích không phải hài hước, mua vui.

Có giai đoạn sau năm 1975, một số nhạc sĩ khi in những sáng tác tân nhạc của mình để công bố đã thêm dòng chữ: “Yêu cầu không sáng tác tân cổ giao duyên”. Yêu cầu này không phải vì tiền bản quyền mà vì các nhạc sĩ tân nhạc không muốn tác phẩm của mình bị méo mó khi kết hợp với phần lời ca cổ chẳng ăn nhập gì. Đã có vụ kiện xảy ra khi một nhạc sĩ cho rằng các bản tân nhạc của ông được sử dụng để sáng tác tác phẩm tân cổ giao duyên mà không xin phép.

Đó là thời kỳ chưa có Luật Sở hữu trí tuệ. Nay có luật rồi, với những quy định cụ thể nhưng tình trạng xâm hại tác quyền vẫn ngang nhiên diễn ra. Hầu hết các nhạc sĩ khi có bài hát bị chế rồi đưa lên diễn trong các chương trình truyền hình, các trang mạng xã hội, trên sân khấu đều lắc đầu nhưng cho rằng rất ngại khi phải thưa kiện. Trung tâm Bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lâu nay mới làm được việc thu tiền tác quyền chứ chưa tham gia bảo vệ quyền tác giả, nhất là quyền nhân thân của tác phẩm.

Trở lại chương trình “Cuộc sống thường ngày”, hơn ai hết, kênh truyền hình chính luận VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam phải hiểu đúng - sai để chọn nhân vật. Dù Bùi Nhật Anh có khả năng chế lời bài hát và được nhiều người nghe trên mạng hưởng ứng thì cũng phải hiểu hành vi này vi phạm luật pháp, không nên cổ xúy. Tôn vinh một người như vậy khác nào khuyến khích mọi người vi phạm bản quyền?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét