Thứ Tư, 30 tháng 12, 2015

KHÔNG QUẦN MÀ BẮT ĐEO ... DÂY NỊT !


KHÔNG QUẦN MÀ BẮT ĐEO DÂY NỊT

 

Làng xóm tui nè có oách không ?

Nhà tranh, vách đất, cổng bê tông

Hụt hơi dựng lếu  đôi cây cột

Cong đít vay quanh mấy triệu đồng

“Chính sach” quan thôn  đe  kẻ chống

“Chủ trương” cấp xã ép  dân thông

Vẽ nên hình ảnh nông thôn … mới:

Dây nịt bắt đeo , dẫu cởi … truồng !!

CAO BỒI GIÀ

27-12-2015

 

BÀI HỌA :

 

ĐIỀU KHÓ HIỂU

 

Hỏi rằng giàu có ? Dạ thưa không

Xây cổng cho oai với tổ tông

Nghèo muốn làm sang dù tốn bạc                

Đói ham nở mặt dẫu hao đồng                

Mọi ngành nhà nước đang rao giảng

Toàn thể nhân dân cũng đã thông

Chỉ một điều thôi hơi khó hiểu

Sao mang dây nịt lúc trần truồng ?

Thục Nguyên

 

ĐỒNG HỌA :

 

XƯA VỐN Ở TRUỒNG

 

Làng bạn như vầy oách chứ không.

Cửa vào vững trãi dám ai tông.

Giữ gìn tranh lá nhà vài thước

Bảo vệ tiền kho cỡ vạn đồng.

Sách lớn lợi nhiều quan thấu triệt

Dân thường nghĩ cạn xã tinh thông.

Ai qua cũng nói : nông thôn ..."mới"

So với ngày xưa NGÕ Ở TRUỒNG 

Trần Như Tùng

 

CÙNG HỌA :

 

BẮT ĐEO DÂY NỊT

 

Nhà lá hỏi xem có rởm không ?

Phải chăng quan sợ chuyện xe tông

Mái tranh giột nát dòm mưa nắng

Cột đá dựng cao ngó ruộng đồng

Đường lối chi chi, dân chẳng hiểu

“Thằng cu nhồng nhộng”, xã chưa thông

Lại đi bắt nó  đeo dây nịt

Bất chấp rằng ai vẫn ở … truồng!

NS

 


 

Đã nghe tiết giá, Tết về rồi

Thế giới mong rằng sẽ khá vui

Đất nước yên lành lo cuộc sống

Con người hạnh phúc hát bài chòi

Khỉ lanh tiến đến chào may tới

Dê cụ lui về…  tiễn xúi trôi

Phước lộc dân nghèo mau được hưởng

Lo gì Tết đến hỡi người ơi !

NS          

 

Theo báo Lao Động  (19-12-2015):

Căn nhà lá sau chiếc cổng bêtông


Nhiều ngôi nhà của người dân ở xã Phương Phú, huyện Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang) có “không gian kiến trúc” độc đáo chưa từng thấy. Phía trước là hai trụ bêtông màu mè làm cổng, nhưng không cửa, không rào. Hai cái trụ dựng lên chơ vơ làm cảnh, không ra cổng nhà mà cũng chẳng ra cái gì, vì mục đích gì. Bóp méo trán cũng không hiểu người dân ở đây làm gì lạ lùng, dại dột như vậy.


Hỏi ra mới hay, dân đâu có “điên”, mà do cán bộ địa phương chỉ bảo, nói thẳng ra là bắt buộc. Họ bắt dân xây cổng bằng bêtông theo quy cách xã đưa ra để đủ điều kiện công nhận xã nông thôn mới. Nhiều người nghèo, đời sống khó khăn, phải đi vay tiền để xây trụ bêtông. Đi qua hai trụ bêtông đó là căn nhà lá xơ xác, nhìn tương phản cay con mắt. Không dân nào muốn làm cái chuyện oái oăm này, nhưng cũng phải chấp hành lệnh trên.

Huỳnh Thị Mỹ - một người dân ở ấp Phương Hòa, xã Phương Phú - trình bày: “Nhà tôi thiếu trước hụt sau, nhưng cán bộ ấp tới lui nhiều lần, ép phải làm cổng rào nên tôi phải vay mượn 1,2 triệu đồng để làm hai cây cột, còn phần mái trên thì chưa có tiền làm”. Chẳng biết mấy ông quan xã nghĩ gì khi nghe dân nói những điều này.

Nguyên nhân cũng là bệnh thành tích, để được công nhận xã nông thôn mới, người ta ép dân làm những chuyện vô lý, ngược đời như vậy. Họ bắt xây cổng không phải là vì thương dân, lo cho đời sống của người dân, mà vì quyền lợi của cá nhân họ. Được khen thưởng, được nhiều danh hiệu và được thăng quan tiến chức, đó là những quyền lợi mà dân không bao giờ được hưởng. Trong vụ xây trụ bêtông này, không biết có sự chỉ đạo của huyện, của tỉnh hay không?

Xin kính thưa quý ngài, giá trị thực chất của nông thôn mới không phải là những trụ bêtông “trơ trẽn” mà các ngài nghĩ ra, mà là chất lượng sống của người dân, là hạnh phúc của người dân. Dân cần những ngôi trường khang trang cho trẻ em đi học, những bệnh xá có đầy đủ thuốc men và y-bác sĩ có trình độ chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh, dân cần nguồn nước sạch để sinh hoạt, môi trường sống yên lành không kẻ cướp hay trộm cắp.

Giá trị của nông thôn mới chính là chất lượng hành chính của chính quyền cơ sở. Dân ao ước có một chính quyền trọng dân, vì dân, phục vụ dân. Ở các thôn, xã đó không cần trụ bêtông vô tri lòe loẹt, mà cần những cán bộ trí thức giản dị, những công chức
chuyên nghiệp.

Còn cường hào, lý trưởng đời mới, cho dù bêtông hóa cả huyện thì nông thôn vẫn cũ

Lê Thanh Phong

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét