Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

AI TÍN: BẠN THƠ BÓNG TÀ DƯƠNG ĐÃ RA ĐI...VÀ BÀI VĂN TẾ ANH VIẾT SẴN CHO MÌNH.

AI TÍN:

Bạn thơ BÓNG TÀ DƯƠNG

Anh Phêrô BÙI NGHIỆP

Đã được Chúa gọi về  vào hồi 2:20 AM   ngày 22-12-2020, tại Saigon, hưởng thọ 70 tuổi.

Bạn hữu vô cùng đau buồn, thương tiếc và xin Thành Kính Phân Ưu cùng gia quyến nhà thơ Bóng Tà Dương.

Nguyện xin Thiên Chúa thương đón nhận linh hồn anh Phêrô sớm vào hưởng Thánh Nhan Chúa.

 

Xin chia sẻ cùng quý thi hữu: Bài Văn Tế , mà anh đã  viết sẵn cho chính mình và ký gửi Cao Bồi Già từ trước:

 

 

VĂN TẾ MỖ

 

Bào ảnh mấy vầng;

Phù vân một kiếp.

Đôi ngả âm dương;

Hai vừng nhật nguyệt.

Thuyền tồn vong cập bãi tha ma;

Xe sinh tử dừng bờ mộ huyệt.

Tang điền nhất đán viễn phương;

Thương hải ba sinh hồ điệp.

 

Mỗ đây:

Đất Nam Định, phủ Trực Ninh cắt rốn chào đời;

Tiết thu phân, năm Tân Mão chôn rau hòa nhịp.

Nối bước tổ tằng, đâu giầu ba họ, nương sắn ruộng dâu;

Theo chân bác mẹ, nào khó ba đời, giậu tơi  vồng diếc.

Chín họ chân lấm tay bùn;

Ba đời tay làm hàm xiết.

Bớ giống trâm anh;

Hỡi dòng thế phiệt.

Họ hàng bao người: Chánh lãnh, phủ tri?

Dòng tộc mấy đấng chức phần: Ông đồ, thầy điệp. !

Buổi nhiễu nhương rời Bắc bộ cha cõng tha hương;

Thời tao loạn đến Nam kỳ mẹ bồng lập nghiệp.

 

Gởi lòng son: Vương nhã khánh nho;

Trao tâm huyết: Đăng khoa chi nghiệt.

Ước nên giống má rạng rỡ tông môn;

Mong đáp cao dầy nở mày nở mặt.

 

Ngờ đâu:

Hai năm nòng nọc đứt đuôi;

Sáu tháng dưa đen lộn kiếp.

Trâu cầy quá buổi , hồng hộc hoài công;

Chó chạy quá cơm, long nhong mất nhịp.

Sách đèn đánh trống bỏ dùi;

Công danh thử kêu bắn tịt.

 

Cũng một thời:

Chốn thao trường lấp lánh “an pha”;

Ngoài chiến địa ngời ngời “Mai biếc”.

Nửa bồ binh pháp, buổi nhiễu nhương huynh đệ tương tàn;

Vơi túi kinh luân, thời tao loạn nồi da nấu thịt.

Ba năm da ngựa bọc thây;

Ngàn bữa nằm gai nếm mật.

 

Rồi đến lúc:

Vào trường cải tạo, cơ trời bí lối bàn cờ…

Ra chốn lao lung, vận nước hạ hồi gánh xiếc.

Góp gom tài sản, vẹt lối sậy hoang;

Thu vén tư trang, cưỡi cồn sóng biếc.

Bàng hoàng dây thừng trói khủy, định mệnh oái oăm;

Bỡ ngỡ họng súng kê đầu, số phần chết tiệt.

Bại sản tan gia;

Cùng đường khánh kiệt.

Phận ngựa trâu lại phận ngựa trâu;

Thân khốn kiếp hoàn thân khốn kiếp.

 

Đã những khi:

Này nơi thị tứ xích lô xe kéo: quại dạ dầy;

Nọ chốn sơn lâm thồ củi đốt than: quằn sốt rét.

Đào vàng đãi đá rúc tận non xanh;

Ngậm ngải tìm trầm chui luồn rừng biếc.

Vai vác chai sần “cuốc xẻng – xà beng”;

Tay bươi rời rã “xẹc lai – xà gạc”.

Manh áo vợ - nhuộm lẫn mồ hôi;

Bát cơm con – hòa chung nước mắt.

Muốn quăng thân xuống giếng hòng kết liễu đời;

Toan đập sọ vào tường cho rồi tai kiếp.

 

Nhưng có lúc:

Ngày tỏ nhớ trang cổ sử: Hàn Tín, Tử Nha;

Đêm trăng lầm giở Thánh Kinh: ông Rô, ông Gióp.

Ngửa mặt tâm sự Cao Xanh;

Cúi đầu tỉ tê đất thấp.

Ngọn bút cùn còn vung vẩy bài thơ;

Tàu mực cạn cố mài ra sắc huyết.

 

Rồi đến ngày:

Then tạo hóa chuyển xã tắc qua hồi;

Máy càn khôn quay sơn hà đến hiệp.

Rời núi rừng xôi hỏng bỏng không;

Về thị tứ xang bang xất bất.

Nhà đèn nhà điện - mỏ lết kềm răng;

Phu gạch phó nề - cái bay cái thước.

Giăng giăng điện đóm, thiên hạ sáng lòa;

Mò mẫm đèn dầu, nhà ta tối mịt.

 

Thế nên:

Thương con vợ khéo - kiếp nữ nhi chẳng đỗ bến trong;

Chán thằng chồng đần – thân bồ liễu nhè neo vũng đục.

Hoa nhài cắm bãi cứt trâu;

Mâm son bày chiềng đũa mốc.

Giận cá băm thớt, chửi loạn cào cào;

Quăng chó mắng mèo, hung hăng bọ xít.

Ngoài ngõ lời ong tiếng ve;

Trong nhà ra chì vào chiết.

 

Thôi thôi:

Ngậm miệng giả ngọng giả câm;

Bịt tai hòng ngây hòng điếc.

Gậy tầm vông hèo đứa viển vông;

Dây nghiệt ngã trói thằng oan nghiệt.

Vay làn hương bằng hữu thơm râu;

Mượn danh giá bạn bè ngọt mép.

Nấp vây rồng vỗ ngực xưng tên;

Dựa râu cọp ra oai ra phết.

Sắp đến ngày sinh tử cận kề;

Gần đến lúc âm dương cách biệt.

Thân ta ta hay;

Đời mỗ mỗ biết.

Tợp ngụm hèm xấp giọng, cung văn đây tớ tự điếu mình;

Nốc bát rượu lấy hơi, lời tế mỗ chiềng ra cho hết.

Bông rua!

Tạm biệt.

 

BÙI NGHIỆP – BÓNG TÀ DƯƠNG.                        

2 comments: