Chủ Nhật, 7 tháng 6, 2020

CĂN BỆNH GIẢ HIỆU TRONG THƠ ĐƯỜNG LUẬT, KHIẾN NHIỀU NGƯỜI SỢ HƠN SỢ ...CỌP


   Nhân có dịp một thi hữu đã bắt lỗi tôi về lỗi điệp từ, thấy rằng chuyện này cũng thường làm chúng ta rối trí và thường phải sửa đi sửa lại nhiều lần ( đôi khi làm bài thơ dở đi hay ngô nghê không ít), nên tôi xin mạo muội có bài này gửi đến quý thi hữu thân mến. để xin phép bình luận về lỗi này

   Theo tôi được học chính quy trong nhà trường thì điệp từ không có lỗi gì cả, chỉ có năm luật cấm kỵ  khiến một bài thơ Đường luật bị hỏng:

1/ Thất luật (sai bằng trắc)

2/Thất đối )cặp thực luận không chỉnh đối)

3/Thất niêm )câu 1 và 8; 2 và 3; 4 và 5; 6 và 7 không niêm)

4/Thất cục ( bố cục không đúng luật)

5/Thất vận )5 từ gieo vận không đồng âm)

Ngoài ra khi họa còn một lỗi cấm kỵ nữa là Khắc Lục

Còn các lỗi như điệp từ, điệp vận, mạ đề, đại vận, tiểu vận.v.v...chỉ là do trường quy của ta ngày xưa đề ra thêm cũng như chuyện phạm húy, phạm đề  vậy. Sở dĩ trường quy đề ra thêm những luật này là để thử bụng chữ của các sĩ tử mà thôi. Chứ trong luật thơ Đường không có mấy chuyện này.  Để dẫn chứng mời quý vị  xem:

QUA ĐÈO NGANG

 

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.(hai chữ chen)

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.*(hai chữ nhà, một chữ nữa ở câu 6)

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia..

Dừng chân đứng lại trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.(hai chữ ta)

Bà Huyện Thanh Quan

Lại nữa:

 

DẠI KHÔN

Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn

                                      (Trần Tế Xương)

 

 Bài này chữ dại khôn được cụ Tú dùng thoải mái làm sao, cả 5 từ gieo vận đều dùng một chữ khôn, tức là điệp vận nữa, mà xưa giờ có ai dám bắt bẻ gì đâu.

   Xin mời xem thêm:

 

VỊNH TIẾN SĨ GIẤY

 

Cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai,
Cũng gọi ông nghè có kém ai.
Mảnh giấy làm nên thân giáp bảng

Nét son điểm rõ mặt văn khôi

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?
Cái giá khoa danh thế mới hời

Ghế tréo, lọng xanh ngồi bảnh chọe,
Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

   Nguyễn Khuyến

 

   Chúng ta xem chữ “cũng” được dùng tới 4 lần, chữ thân 2 lần, chữ đồ 2 lần

 

Nhàn

Một mai, một cuốc, một cần câu,

Thơ thẩn dù ai vui thú nào.

Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

Người khôn, người đến chốn lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.

Rượu đến cội cây, ta sẽ uống,

Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao. 

Nguyễn Bỉnh Khiêm.

 

   Đấy cụ Trạng Trình cũng dùng điệp từ những chữ một, ta, người, ăn, tắm có ngại ngần gì đâu.

   Chúng ta có thể tìm được rất nhiều dẫn chứng trong các thi phẩm của các bậc thi hào tiền bối

   Tóm lại là điệp từ, điệp vận chẳng phạm bất cứ một luật lệ nào của thơ Đường cả, cho nên cổ nhân xưa đã viết vô cùng phóng khoáng mà chẳng phải xăm soi xem mình đã viết mấy chữ tác hay mấy chữ tộ

Lại có nhiều người cho rằng  những tác giả trên là những cây đa cây đề nên không ai dám bắt bẻ. Nhưng xin mọi người nên nhớ rằng như trong bóng đá Luật cấm chơi bóng bằng tay, kể cả khi bóng vô tình chạm vào tay anh thì anh cũng vẫn bị phạt, thì nếu đây là luật cấm kỵ thì dù bà Huyện hay Ông Tú ông Trạng nào có gọi là dùng bút pháp siêu quần gì đi nữa thì cũng bị lôi cổ ra ngay, chứ nào được yên.

   Tóm lại lỗi điệp từ chỉ là một căn bệnh giả hiệu, thế mà nó đã khiến nhiều người làm thơ Đường phải tránh  như thể  tránh  cọp , thật là khổ sở Người ta có thể dùng bao nhiêu lần một chữ, thì cũng   chẳng là vấn đề gì cả, chỉ xin đừng dùng chúng một cách lủng củng, rồi sinh ra dở dở ương ương mà thôi.

Lạ một điều là những chuyên gia bắt bẻ lỗi điệp từ lại khoái chơi thể Thủ Nhất Thanh, thể này chẳng phải là điệp từ là gì. Tại sao lại khi đòi phải nghiêm luật, lúc lại xổ toẹt luật lệ được như thế?

   Với chút kiến thức hạn hẹp như trên, tôi đã mạo muội lạm bàn, nếu có gì sai thì xin được sự chỉ giáo của những vị cao kiến hơn.

Chân thành cảm ơn và chúc quý vị vui khỏe.

 

1 comments:

  1. Đỗ Văn xin Tiền bối cho phép được viết nhận xét, Đỗ Văn rất cảm ơn!

    Đỗ Văn mới bước chưa được nửa bàn chân vào thơ Đường Luật, đã muốn "bệnh" với các lỗi bệnh của thơ Đường Luật nên rất hoang mang, đâu là chuẩn của thơ Đường Luật?

    Đỗ Văn đành trở về với thơ TỰ DO...

    Đỗ Văn xin chúc Tiền bối an khang!

    Nếu Tiền bối không muốn bị làm phiền, Đỗ Văn rất mong tiền bối không trả lời nhận xét này hoặc xóa luôn, Đỗ Văn cảm ơn Tiền bối!

    Trả lờiXóa