Nhà văn NGUYỄN QUANG LẬP
Hè năm 2002, mình đến Hội văn nghệ Quảng Bình thăm cái Huế, thủ quĩ - văn thư của Hội. Hồi ở Huế, nó làm thủ quĩ - văn thư của Hội văn nghệ Bình Trị Thiên, anh em đồng hương đồng khói rất quí mến nhau, coi nhau như anh em. Khi nào nhậu kẹt tiền mình đều a lô cho nó, trăm lần như một nó đều lén lấy tiền Hội đem ra cho mình mượn. Quán rựợu chị Phước phía sau Hội, mình nhậu kí nợ ở đó thường xuyên, lâu lâu không thấy mình trả nợ, chị Phước chẳng thèm hỏi mình, cứ hỏi cái Huế là nó đưa liền. Anh em chí thiết như thế nên khi nào về Đồng Hới, người đầu tiên mình tới thăm là nó.
Hôm đó mình đến Hội Văn nghệ Quảng Bình, cái Huế đang bận đánh máy công văn, nói anh ngồi đó chờ em chút. Mình ngồi đợi, thấy tập hồ sơ xin kết nạp vào Hội bèn lấy xem qua. Chợt thấy cái tên Dương Ánh Dương, ông này thì mình biết, làm thơ cùng thời với mình. Chưa gặp ông nhưng đọc thơ ông nhiều, đa số đăng trên báo địa phương, nói như thằng Vinh (Nguyễn Quang Vinh) thơ Dương Ánh Dương đèm đẹp đường được ở đâu cũng có nhưng ở Quảng Bình thì thuộc diện quí hiếm. Nghe nói ông vừa đoạt giải nhất cuộc thi thơ hai năm của Hội văn nghệ Quảng Bình. Thế là khá rồi.
Lật hồ sơ Dương Ánh Dương, thấy ông ghi thế này: Họ và tên: Dương Thân Mật. Sinh năm 1950. Bút danh: Dương Ánh Dương. Nghề nghiệp: ăn mày… Mình bật cười. Mấy ông văn nghệ sĩ chỗ nào cũng tếu táo được. Hồ sơ lý lịch là chuyện nghiêm túc, các ông vẫn đùa như thường. Mục Đã đi nước ngoài lần nào chưa anh Lê Văn Thảo trả lời: dễ gì! Mục Chức vụ cao nhất đã kinh qua anh Đỗ Chu trả lời: Đàn anh Hữu Thỉnh. Vui nhất là Mục Quá trình tham gia cách mạng. Thằng Trung Dũng sinh sau đẻ muộn, lớn lên đã hết chiến tranh, suốt ngày chỉ đi học và vẽ, chẳng làm gì tốt cho cách mạng. Không biết ghi thế nào, nó ghi: Ngày Bác Hồ mất, gia đình có tổ chức khóc Bác. Hi hi.
Té ra không phải, Dương Ánh Dương không đùa, anh hành nghề ăn mày đã mấy chục năm rồi. Thằng Vinh nói oa chà, chuyện ông này đúng là một bi kịch rất đặc biệt. Vinh khoa chân múa tay kể, nói ông này xuất thân là giáo viên cấp 3. Năm 1975 đói quả bỏ dạy đem vợ vào Sài Gòn kiếm sống. Chưa đầy năm thì vợ bỏ anh theo bạn vượt biên. Buồn chán anh tìm về một làng chài ở Nha Trang làm thuê kiếm ăn qua ngày, làm được đồng nào thả vào hũ rượu đồng đó. Ngày đi đánh cá thuê, vá lưới thuê, xẻ mực thuê… tối về uống rượu làm thơ đọc thơ giải khuây. Có người thương lấy làm chồng, sinh được đứa con, vợ chồng sống đắp đổi qua ngày tạm gọi là hạnh phúc. Không ngờ anh đi tàu đánh cá, luýnh quýnh thế nào đó bị ngã cuốn vào chân vịt, gãy chân tay, chấn thương sọ não bán thân bất toại, nằm liệt giường hai năm. Sau vài năm ra sức chạy chữa cho anh, nợ nần chồng chất, bà vợ thấy cùng đường đành ôm con bỏ đi. Anh phải lê lết ăn mày từ đó.
Có lẽ ở nước ta không ông nhà thơ nào xách bị đi ăn mày như Dương Ánh Dương. Ngày lê lết xách bị đi khắp hang cùng ngõ hẻm, đêm về chui gầm cầu uống rượu làm thơ. Dân trú ngụ gầm cầu có một cô tên là Thị Chuỗm cũng dân Quảng Bình, đêm đêm nghe anh ngâm nga thơ phú thấy hay hay. Lúc đầu nằm xa xa, sau dịch lại gần gần, dịch lại nữa dịch lại nữa… và trở thành vợ anh từ khi nào không biết.
Họ kéo nhau về quê, dựng cái lều trên bãi cát làng Thị Chuỗm, sinh được hai đứa con. Chị buôn hàng vặt ở chợ quê, anh xách bị rời làng ăn xin, cứ vài tháng lại về nhà một lần. Người làng rất quí anh vì anh là nhà thơ, cả làng không ai làm thơ được như anh. Họ kháo nhau, nói ông này ghê lắm, thơ được đăng ở tạp chí Nhật Lệ, tờ báo của văn nghệ sĩ tỉnh không phải chuyện đùa, nhiều bài còn đăng ở báo Quảng Bình, báo Đảng hẳn hoi, kinh. Hi hi. Chẳng ai gọi anh là thằng ăn mày, hết thảy dân làng gọi anh là ông đi tìm họa may. Chả là anh có câu thơ: Tôi đành xách gói ra đi / Để họa may gặp những gì họa may… Nhà thơ ai lại đi ăn mày, họ đi trắc nghiệm xem cuộc đời xúi quẩy may mắn làm sao thôi mà, hi hi
Mỗi lần anh xách bị về làng, dân làng hồ hởi đón anh như nhà thơ tỉnh về làng vậy, người lớn có rượu, trẻ con có kẹo, tíu ta tíu tít rất vui. Trong khi anh ngồi uống rượu đọc thơ ngoài sân, Thị Chuỗm xổ mớ tiền lẻ trong bị ra đếm rồi le te đem tiền đi trả nợ. Hai đứa con anh cứ đinh ninh ba mình đi công tác về phép, chắc là làm to trên tỉnh, nếu không tại sao anh về dân làng kéo đến thăm hỏi đông thế. Hi hi. Mình bảo thằng Vinh, nói khi nào Vinh về làng ông ăn mày thi sĩ cho tôi đi với. Thằng Vinh nói ông ấy xã Hải Ninh huyện Quảng Ninh, phải lội bộ cả chục cây số cát, chân cẳng anh thế không đi được đâu. Mình nhắc với cái Huế, nói khi nào ông Ánh Dương đến Hội thì em ới anh nhé, anh muốn gặp ông này một lần xem sao. Sáng sau mình Huế chạy tới báo tin, nói Ánh Dương đang ăn xin ở Đồng Hới, tối ngủ ở Cầu Dài.
Tối mình mò tới liền. Ánh Dương đang nằm ngủ trong hốc cầu tối thui, chỉ có một chiếc chiếu rách, chẳng chăn màn gì. Nghe mình gọi, anh lồm cồm bò dậy, nói ai đó ai đó. Mình xưng tên, anh chụp lấy hai tay mình reo to, nói a Nguyễn Quang Lập - Tiếng Lục Lạc! Anh lấy cái nến nhỏ bằng ngón tay út, cháy gần hết chỉ còn chừng hai đốt, nói không mấy khi có khách phải đèn đóm cho đàng hoàng chơ. Rồi anh lôi trong bị ra chai nhựa Lavie lắc lắc, nói rượu đây rượu đây, may quá chiều ni tui vừa đổ thêm hai nghìn cho đầy be.
Mình rủ anh ra quán nhậu chơi, anh lắc đầu, nói quán xá không phải chỗ của ăn mày. Lỡ người thấy mình ăn nhậu lại nghĩ mình đi lừa người ta lấy tiền, ai còn cho mình nữa? Anh lật nắp chai rót rượu, đưa cho mình, nói tui biết anh uống đủ lọai rượu sang, ngồi với đủ loại khách sang, chừ ngồi với ăn mày, uống rượu ăn mày coi thử cảm giác ra răng. Mình uống với anh hết chừng nửa chai, nói sao anh không nghĩ kế gì kiếm sống, què quặt mà lang thang rày đây mai đó cực lắm. Anh cười hì hì, nói có cả ngàn người nói như anh rồi đó. Kể ra dựng quán rượu nhỏ bán chơi cũng kiếm sống được qua ngày, nhưng ngồi một chỗ răng làm thơ được. Tui nghiện đi tìm cảm giác rồi, không bỏ được. Nếu bỏ ăn mày thì thơ cũng tịt luôn.
Mình gật gù, nói anh tìm cảm giác chi nói nghe coi. Anh uống một nắp rượu, nói cảm giác bị thương hại, bị ghê tởm, bị khinh bỉ, bị làm nhục… đủ hết, vui lắm. Anh uống một nắp rượu, khà một tiếng rõ to, nói anh biết kiếp ăn mày sợ nhất là gì không? Mình nói là gặp bạn bè. Anh lắc đầu xua tay, nói không không, bạn bè chúng nó lánh mình hết, mình có gặp đâu mà sợ. Mình nói cảm giác gặp người yêu cũ. Anh lại lắc đầu xua tay, nói cũng không. Đa số các nàng thấy mình đều đánh mặt làm ngơ, coi như không hề quen biết. Mình cười, nói thế thì chịu.
Anh uống thêm vài nắp rượu, chùi mép nhìn mình rất lâu, nói tui nói ri anh có tin không, sợ nhất là gặp người quá tốt. Khi mô gặp một người ngày mô cũng tìm mình cho tiền, ngày một nhiều hơn là mình phải bỏ trốn người đó, thậm chí muốn bỏ nghề ăn mày. Ăn mày cậy vào lòng tốt của thiên hạ chứ không phải lợi dụng lòng tốt thiên hạ, đó là nguyên tắc ăn mày. Ai vi phạm điều đó thì kẻ đó không phải ăn mày chuyên nghiệp.
Mình bật cười vì cái nguyên tắc ăn mày của anh, nói thế thì dưới gầm trời này toàn ăn mày nghiệp dư, chỉ có Dương Ánh Dương mới là ăn mày chuyên nghiệp. Anh ngửa cổ cười kha kha kha, nói đúng đúng đúng, bởi vì Dương Ánh Dương là thi sĩ. Rồi anh rung đùi đọc câu thơ: Tôi đành xách gói ra đi. Để họa may gặp những gì họa may… Ăn mày thi sĩ là như rứa đó, đi kiếm họa may, chỉ kiếm họa may thôi Nguyễn Quang Lập à, thiệt đo thiệt đo.
Hôm qua chợt nhớ đến anh, gọi điện cho thằng Vinh, nói Dương Ánh Dương dạo này thế nào rồi? Thằng Vinh nói chết rồi. Mình ngạc nhiên nói ôi, sao thế? Vinh nói em cũng không rõ lắm, chắc là đời hết họa may.
Nguyễn Quang Lập.
Chuyện buồn làng thơ. Tôi xin phép chia sẻ bài này về trang facebook cá nhân.
Trả lờiXóaThật là;
Trả lờiXóaHoạ, may dệt vá tình đời,
Dệt sầu để vá nụ cười thế nhân.
....
Đọc xong câu chuyện, lòng nao cảm.
Cám ơn tác giả.!