Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

NGƯỜI BẠN THƠ QUÝ MẾN


VIẾT VỀ ANH THỤC NGUYÊN

Dân học trường Tây lại thích Đường

 

Ngược đời nên phải chịu tai ương-TLT 

 

 

Những nhà làm thơ tài tử trong nhóm chúng tôi đến với  thơ Đường bằng nhiều cách khác nhau.Có người yêu văn thơ từ nhỏ, dưới mái trường trung học đã nghe thày cô giảng dạy và say mê những bài Đường luật của bà Huyện Thanh Quan- Hồ Xuân Hương-Hàn Mặc Tử....nên đã tìm hiểu, học hỏi và trở thành cây bút tài hoa .Có người được anh chị và bạn bè đi trước hướng dẫn mà thành.Có người bước vào thơ Đường khi tuổi đã xế chiều, xem thơ Đường như một người bạn để tâm tình, để nhắc nhở và để cùng  nhau chống lại căn bệnh quái ác Alzheimer.

 

Riêng với  anh Thục Nguyên thì không nằm trong những trường hợp này.Anh tình cờ đến với thơ Đường rất sớm .Cậu học trò Nguyễn Trí Thức đang học lớp mười một chương trình Pháp-người không biết nhiều về văn chương VN -khi đọc những bài mời họa trên nhật báo Buổi Sáng  đã cảm thấy thích thú... đã mày mò học hỏi, họa lại và đã thành công .Tôi được biết điều này qua sự giới thiệu của anh Trịnh Cơ, người bạn học chung trường với anh TN.

 

 Vào khoảng cuối năm 2012, tôi thường gửi thơ xướng họa của nhóm Hoàng Gia cho các anh ở vòng  ngoài như Một thời, Trịnh Cơ...Qua anh T Cơ mà tôi và anh TN quen nhau Anh Thục Nguyên thỉnh thoảng trao đổi email  với tôi, lời lẽ rất bình dị, chân tình. Anh thú thật  sau hơn năm mươi năm mới làm lại thơ Đường nên anh rất mê say, nhất là lần đầu tiên anh họa những bài thơ tình cảm mượt mà của tôi và các ACE trong nhóm.Một hôm, anh T Cơ đột ngột nhắn tin: TLT đừng gửi thơ mời họa cho T Nguyên nữa, để chàng lo thi Quốc tịch.Theo lời anh T C- anh Thục Nguyên gặp nhiều thất bại trong cuộc đời nên rất bi quan , nếu lần thi này thi rớt sẽ làm anh chán nản và yếm thế hơn .Tôi nghe lời.Nhưng chỉ được vài hôm , anh TN đã nhớ thơ và Email hỏi thăm nhiều lần.Cuối cùng anh TC cũng chìu theo " thôi biết đâu thơ sẽ làm chàng yêu đời  mà thi đậu".Một thời gian sau, vì bận  giang hồ qua MỸ vài tháng  nên anh TC đã nhờ tôi chuyển thơ họa của anh TN cho cả nhóm và thay anh chỉnh lỗi chính tả giùm anh TN.Thì ra nhà thơ học trường Tây này giỏi thơ Đường luật nhưng tiếng Việt lại thường sai lỗi ngã,hỏi.Chính tả tôi không hoàn hảo lắm nhưng những từ khó có thể hỏi Sông Thu nên tôi nhận lời.

 

Năm 2015, anh TN rời Virginia và chuyển đến Boston - thủ đô của tiểu bang Massachusetts.Nơi anh    cách nhà tôi một tiếng rưỡi lái xe.Tôi có đến thăm vợ chồng anh .Trong dịp ghé thăm này tôi được anh chia sẻ về những kỷ niệm thuở mới bắt đầu làm thơ Đường .Đôi mắt anh lim dim, thả hồn về nơi xa xăm và giọng nói đầy xúc cảm "- Chẳng hiểu tại sao hồn thơ lúc đó tuôn ra lai láng...không thể nào  ngưng được.Nhiều khi đang chạy xe ngoài đường , phải dừng xe lấy giấy bút ra ghi lại một ý tưởng vừa bất chợt hiện đến, một câu thơ vừa được  hình thành trong đầu" Anh cũng cho biết có hai kỷ niệm mà không bao giờ quên.Vào năm 1960 , ba anh làm ăn thất bại nên gia đình trở nên nghèo túng, anh phải vừa đi học, vừa đi làm .Cảm buồn cho thân phận mình anh đã viết bài thơ đăng trên báo Buổi Sáng. 

 

 

TẤT NIÊN TỰ TRÀO

 

Chao ôi! thấm thoát hết năm Heo

 

Nghĩ đến thằng tôi thật chán phèo

 

Áo rách lại hoàn manh áo rách

 

Thân nghèo cũng vẫn cái thân nghèo

 

Sông lầy bởi thế bao lần lội?

 

Núi thẳm vì đâu mấy lượt leo?

 

Phải nợ duyên gì cho đáng kiếp...

 

Mồ cha !...Cái khó cứ đeo theo !

 

NGUYỄN TRÍ THỨC

 

17-1-60 

 

 

       Bài thơ đăng báo chưa được bao lâu, một cô bạn gái học chung lớp  đã tìm đến gửi anh một phong thư.Trong phong thư là số bạc 45oo đồng.Đó là một số tiền lớn thời bấy giờ.Anh cảm thấy rất tủi thẹn.Dù biết cô bạn gái  có cảm tình sâu đậm với  mình nhưng anh nhất định không nhận.Và cũng vì mặc cảm chênh lệch giàu nghèo nên dù anh rất qúy mến cô, anh vẫn trốn tránh  tìm quên.Kỷ niệm  thứ hai là khi anh lấy bút hiệu MICHILAN nhiều nam thi nhân rất ngưỡng mộ.Họ tưởng anh là con gái nên khi xướng họa đã có những lời ỡm ờ , trêu ghẹo như muốn hẹn hò, muốn làm quen.Có người đến tòa soạn mong gặp "giai nhân" .Thấy nhiều người tìm kiếm quá, ông chủ nhiệm phải lên tiếng nhắc nhở.Cuối cùng anh phải ra mặt cho mọi người biết anh là trang nam tử.

 

     Hầu hết trong thơ anh Thục Nguyên đầy ắp nỗi buồn- nỗi buồn của người đánh mất ước mơ một thời tuổi trẻ-nỗi buồn của cuộc hôn nhân nửa chừng gãy đổ- nỗi buồn của thân phận , của quê hương .Nếu như anh   xót xa vì những bất hạnh dồn dập trong cuộc đời  đã làm thơ anh cay cú tức giận thì lạ thay đối với người vợ bỏ đi, anh chỉ nhắc lại với những lời trách rất nhẹ nhàng .

 

 

 

ĐẮNG CAY

 

Có lần tớ cũng "dứt đường tơ"

 

Cải tạo vài năm, bậu chẳng chờ

 

Lặng lẽ xuôi dòng, thuyền tách bến

 

Âm thầm dứt áo, bóng xa bờ

 

Ngày về thắt dạ, đầy chua xót

 

Đêm đến chạnh lòng, hết ước mơ !

 

Đã thế thì thôi đành chịu thế

 

Đắng cay vẫn đọng đến bây giờ

 

Thục Nguyên 

 

Cho đến bây giờ... anh vẫn không quên những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời.Gà trống nuôi một bầy con sáu đứa.Sống ở vùng kinh tế mới không nổi , anh phải dắt con trở về SG .Để mưu sinh, anh phải làm tất cả những công việc cho dù thấp kém nhất : làm thuê, vác mướn ở chợ Cầu Ông Lãnh, chạ̣y xe ba gác...

 

Điều luôn dằn vặt trái tim anh là không phải bất tài hay làm biếng mà vì số phận nghiệt ngả  luôn trút xuống đời anh bằng những trận cuồng phong tàn bạo nhất.Tuy nhiên dù trong giông bão cuộc đời anh vẫn có những niềm vui.Chị Lan - người thiếu nữ hiền lành chất phác đã bước vào đời anh, chia sẻ những khốn khổ nhọc nhằn.Kề vai anh chung sức nuôi sáu đứa con riêng của anh, một đứa con chung của hai người và thêm hai đứa con nuôi từ tấm bé.Gia cảnh anh chị không giàu nhưng đầy lòng bác ái, thấy tình cảnh hai đứa trẻ bị bỏ rơi quá tội nghiệp nên đã dang tay cứu vớt.Đó là một nghĩa cử cao đẹp của con người có tâm hồn Bồ Tát.Niềm vui tinh thần của anh  là thơ Đường- điều  mà anh không bao giờ nghĩ tới là có ngày sẽ tiếp tục  xướng họa trở lại.Vậy mà   nơi xứ người anh TN đã gặp lại ước mơ thuở học trò của mình vào tuổi đời 74.Anh say mê làm thơ, chăm chú gõ từng chữ với chiếc cell phôn bé tí của mình gửi đến các thi hữu.Có nhiều bài trường thiên dài chín mười đoạn nhưng anh vẫn kiên nhẫn cong lưng ngồi gõ từng đêm. Như thế đủ cho chúng ta biết anh yêu  thơ đến chừng nào. Nhờ vậy qua thơ, chúng ta biết được tâm sự  của anh.

  

 

TRÁI ĐẮNG

 

Gần hết cuộc đời, tay vẫn trắng

 

Bạn bè thăm hỏi đành im lặng

 

Phải đâu biếng nhác, chẳng ưa mưa

 

Mà rất siêng năng, nào ngại nắng ?

 

Số phận xem ra thật hẩm hiu

 

Niềm vui chờ mãi càng xa vắng

 

Hẳn là định mệnh đã an bài ?

 

Kết quả làm sao không chát đắng ?

 

Thục Nguyên

 

 

Ngoài những biệt danh Michilan, Thục Nguyên,  anh Nguyễn Trí Thức còn có thêm biệt danh Tú Rách khi viết về những chuyện thời sự nóng bỏng. 

 

 

XIN ĐỪNG CƯỚP NỮA...

 

Tiền đã không còn chỗ chứa rồi

 

Xin đừng cướp nữa các ngài ơi

 

Chủ nhân đói khổ ôm đầu khóc

 

Đầy tớ no nê toét miệng cười

 

Sáng dạo Thái Lan cùng mỹ nữ

 

Chiều về Hà Nội với hoa khôi

 

Bạc tiêu như nước đâu cần biết

 

Dân chúng lầm than gọi thấu trời !

 

Tú Rách 

 

 

Đầu năm 2018, anh TN có ý định gác bút, không làm thơ nữa.Tôi và các bạn trong nhóm đã lên tiếng phản đối lấy lý do là nếu không làm thơ anh sẽ chóng quên và sức khỏe sé kém đi .Anh cũng có làm thêm vài lần nhưng vẫn không thay đổi ý định.That 's enough.Với anh như thế là đủ lắm rồi.Bây giờ ...với lứa tuổi tám mươi mốt ,tinh thần  anh vẫn sáng suốt,vẫn nhẹ nhàng nhắc đến chuyện xưa và  vui vì dù gặp nhiều phong ba anh vẫn giữ tâm hồn trong sạch như thuở nào.

  

 

CHÂN DUNG TỰ HỌA

 

Đứng trước gương soi, thật chẳng ngờ

 

Mặt còn tươi tắn, mắt chưa mờ

 

Nhìn qua bờ mép râu thưa thớt

 

Ngó lại mái đầu tóc bạc phơ

 

Chẳng thích bon chen, mang tiếng dại

 

Không màng hơn thiệt, chịu danh khờ

 

Nhưng ta hãnh diện về ta lắm

 

Nhìn khắp châu thân chẳng vết nhơ

 

Thục Nguyên

  

 

Dù không còn làm thơ, tôi biết anh TN vẫn theo dõi hàng ngày trên email nhóm xướng họa thơ Đường.Và tôi biết chắc chắc rằng trong trái tim anh, anh đã dành sẵn cho Đường Thi một chỗ thật trang nghiêm và trân trọng nhất.

THI LỆ TRANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét